MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vĩnh Sơn Sông Hinh – Miếng bánh khó nuốt REE nhắm tới

01-06-2017 - 12:58 PM | Doanh nghiệp

REE đầu tư vào Vĩnh Sơn Sông Hinh khi đơn vị này có biến cố liên quan đến dự án thủy điện Thượng Kon Tum nhưng vấn đề REE đối mặt trước tiên lại đến từ chính các cổ đông hiện hữu của VSH.

Với định hướng tập trung vào 4 mũi nhọn là mảng điện cơ công trình (M&E), mảng Reetech, bất động sản và cơ sở hạ tầng điện nước, REE trong nhiều năm trở lại đây vẫn chăm chỉ thực hiện M&A. Trong năm 2016, REE đã mở rộng danh mục đầu tư ngành điện khi nhận thấy những thay đổi trong ngành như tình hình thủy văn của các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung dần cải thiện sau đợt khô hạn, nhà máy nhiệt điện chịu ảnh hưởng bởi giá bán điện thấp trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Trong tổng số vốn 1.232 tỷ giải ngân đầu tư thì REE đã giành đến khoảng 674 tỷ cho việc mua gần 42 triệu cổ phiếu (21% vốn) CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE:VSH), chiếm 54,7% tổng vốn đầu tư.

Được biết, VSH có hai nhà máy thủy điện đang vận hành là Vĩnh Sơn công suất 66 MW trên sông Công thuộc tỉnh Bình Định và Sông Hinh công suất 70 MW trên sông Hinh (một trong ba nhánh chính của sông Đà Rằng) thuộc tỉnh Phú Yên.

Kết quả kinh doanh 3 năm gần đây (2014 – 2016) của Công ty ghi nhận doanh thu khoảng 450 tỷ trở lên mỗi năm và lợi nhuận ròng trên 250 tỷ đồng. Quý I/2017, VSH đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng, doanh thu thuần 192,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 124,3 tỷ, tăng trưởng lần lượt 82,6% và 97% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, VSH hiện đang tiến hành xây dựng nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum công suất 220 MW nằm ở bậc thang đầu tiên trên nhánh sống Đăk Nghé thượng nguồn sông Đăk Bla (một nhánh chính của sông Sê San) thuộc tỉnh Kon Tum, nâng công suất sở hữu lên 356 MW (gấp 2,7 lần công suất hiện tại). VSH dự kiến cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 1,7 tỷ kWh hàng năm khi dự án này hoàn thành vào năm 2019.

Đối với dự án Thượng Kon Tum, VSH đang vướng phải vụ kiện với nhà thầu Trung Quốc. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT REE cho biết ngay trong lúc căng thẳng nhất thì REE chính thức nhảy vào VSH. Phía nhà thầu Trung Quốc lúc đó muốn hòa giải nên REE thuê các chuyên gia thực hiện làm quyết toán để thanh toán đúng giá trị cho nhà thầu. Tuy nhiên, do không có sự thống nhất nên thỏa thuận hai bên không thể thực hiện và vụ kiện sẽ vẫn tiếp tục.

Với diễn biến như hiện nay thì phiên tòa diễn ra tại Singapore nhiều khả năng phần thắng sẽ nghiêng về phía nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, REE hiện đã tìm được một chứng cứ mới khá căn bản, đó là phía nhà thầu không tuân thủ theo luật pháp Việt Nam khi sang đầu tư. Do đó, sắp tới đây vụ kiện sẽ được tòa án Hà Nội thực hiện.

Báo cáo thường niên 2016 của REE ghi rõ VSH là khoản đầu tư đáng chú ý, đồng thời Công ty đã tham gia một thành viên trong HĐQT nhằm quản lý và giám sát ngay công tác xây dựng dự án thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) do VSH làm chủ đầu tư.

Vào ngày 06/01/2017, VSH đã công bố quyết định HĐQT việc miễn nhiệm ông Trần Mạnh Hữu chức danh thành viên HĐQT và bầu ông Lê Tuấn Hải, đại diện cổ đông lớn là REE thay thế.

Miếng ngon khó tranh

Tuy nhiên, quả thật là miếng ngon khó tranh. Những gì REE đã làm trong gần nửa năm qua khi ra ĐHĐCĐ thường niên 2017 của VSH đã bị phủ định sạch sẽ. Cả 10 nội dung được HĐQT trình tại Đại hội đều bị phủ quyết từ báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng 2016, phân phối lợi nhuận 2016, cho đến kế hoạch 2017, hợp đồng tín dụng bổ sung cho dự án Thượng Kon Tum. Ngay cả lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm tài chính 2017, thù lao HĐQT và BKS 2016 và kế hoạch thù lao HĐQT, BKS 2017 cũng không ngoại lệ.

Đồng thời, ngay cả việc ông Lê Tuấn Hải, đại diện REE – người đã làm thành viên HĐQT Công ty từ 06/01 cũng đành thôi nhiệm từ ngày 26/05 sau khi tỷ lệ nhất trí bầu tại Đại hội chỉ đạt 60,53%, không đủ tỷ lệ thông qua.

Bên cạnh ông Hải, REE cũng tính đưa thêm ông Quách Vĩnh Bình – chuyên ngành Tài chính - Tín dụng, Phó giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) vào HĐQT khi ông Phan Hồng Quân – Thành viên HĐQT độc lập có thư từ nhiệm ngày 25/05. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị cổ đông Genco 3 phản đối do ông Bình là người có liên quan đến cổ đông lớn REE, không đủ tiêu chuẩn là ứng cử viên thành viên HĐTQ độc lập.

Qua diễn biến ĐHĐCĐ thường niên VSH có thể thấy một bầu không khí căng thẳng bao trùm, các nhóm cổ đông lớn khác đang cố phủ định và quyết tâm không cho REE thâm nhập sâu vào hoạt động kinh doanh Công ty.

Tính đến cuối năm 2016, cơ cấu cổ đông của VSH sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút thì có hai cổ đông lớn là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và REE sở hữu lần lượt 30,55% và 20,71% vốn.

Chưa biết ai thắng, ai thua trong cuộc chiến giữa các cổ đông lớn nhưng một điều chắc chắn là Công ty sẽ bị thiệt. Kế hoạch kinh doanh, kết hoạch đầu tư và các vấn đề quan trọng khác không được thông qua thì Ban điều hành sẽ gặp khó trong việc triển khai, mọi hoạt động có lẽ sẽ duy trì chứ không phát triển thêm được.

Tại Đại hội năm nay, VSH có trình cổ đông phê duyệt khoản vay bổ sung 1.700 tỷ đồng cho dự án Thượng nguồn Kon Tum. Hợp đồng tín dụng đã được ký kết ngày 23/03/2017 và chờ cổ đông duyệt để bổ sung đầy đủ các thủ tục cần thiết. Gói tín dụng này nằm trong gói 4.600 tỷ đồng ký với các ngân hàng thương mại, trong đó số tiền 2,900 tỷ đồng đang thực hiện và đã giải ngân gần hết hạn mức. Việc không được thông qua sớm sẽ khiến dòng tiền cho dự án bị đình trệ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên