MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index sẽ ra sao và cơ hội nào cho nhà đầu tư cuối năm?

Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào, VN-Index liệu có giữ được mốc 900 điểm khi mà thanh khoản đang ở vùng thấp?

Dưới đây là nhận định của các chuyên gia tài chính chứng khoán về xu hướng của dòng tiền vào thị trường, diễn biến của VN-Index thời gian tới.

Mua vào cổ phiếu vẫn có rất nhiều cơ hội

(Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCP Chứng khoán BIDV)

VN-Index sẽ ra sao và cơ hội nào cho nhà đầu tư cuối năm? - Ảnh 1.

Thị trường sau khi lập được đáy quanh vùng 900 điểm lẽ ra đã hồi phục lên nhưng phiên cuối tuần vừa qua lại cho thấy tâm lý còn khá yếu. VN-Index khi tiến về vùng 930 điểm thì thị trường lại thiếu hụt tiền vào của nhà đầu tư cho thấy rằng bên mua vẫn chưa sẵn sàng đón nhận đợt hồi phục mới.

Và đặc biệt cuộc họp của của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Đây là sự kiện sẽ có ảnh hưởng tới không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn cả thị trường thế giới.

Dù sao với mức P/E Việt Nam là hơn 16 lần và nếu loại đi một số cổ phiếu lớn thì hiện nhiều mã cổ phiếu theo tôi thống kê đã có P/E chỉ từ 11-12 lần. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý III/2018 của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực nên tại thời điểm hiện tại việc mua vào cổ phiếu vẫn có rất nhiều cơ hội.

Bên cạnh đó, margin của thị trường chung cũng đã trở về mức đầu năm nên sẽ khó xuất hiện các đợt giải chấp mạnh khiến cho thị trường có thể giảm sâu hơn.

VN-Index có thể giữ được ngưỡng 900 điểm?

(Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam)

VN-Index sẽ ra sao và cơ hội nào cho nhà đầu tư cuối năm? - Ảnh 2.

Do VN-Index thường xuyên bị bóp méo trong thời gian gần đây nên một bộ phận nhà đầu tư ưa thích lướt sóng hoặc giao dịch phái sinh đã chuyển sang sử dụng tham chiếu là VN30 thay cho VN-Index.

Theo tôi, vừa qua thị trường có nhịp hồi phục yếu và chỉ phù hợp với các hoạt động trading giảm giá vốn. Vẫn có khả năng cao, VN30 sẽ lùi về vùng 820-830 điểm thì tiền mới tham gia vào thị trường. Vùng này tương ứng với VN-Index có thể giảm về 850-860 điểm.

Trong ngắn hạn, các yếu tố như tăng trưởng kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh vẫn tích cực nhưng câu chuyện này đã không còn mới mẻ với tâm lý thị trường chung. Trong khi đó, các yếu tố tiêu cực như chiến tranh thương mại, căng thẳng lãi suất, tỷ giá… vẫn chưa được đánh giá hết.

Ngay cả các giao dịch mua vào của khối ngoại thời điểm hiện tại cũng không đem lại được yên tâm cho nhà đầu tư trong nước. Dù đã có tuần mua ròng gần 330 tỷ đồng nhưng đây vẫn có thể chỉ là những hoạt động trading ngắn hạn, chưa đủ đảo ngược được xu hướng bán ra do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và FED tăng lãi suất.

Trước mắt, để cho VN-Index có thể giữ được ngưỡng 900 điểm thì VN30 sẽ cần phải giữ được mốc 880 điểm, nếu không chỉ số sẽ phải rơi mạnh hơn, về ngưỡng kháng cự đã được đề cập ở trên.

Vì sao dòng tiền yếu?

(Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam)

VN-Index sẽ ra sao và cơ hội nào cho nhà đầu tư cuối năm? - Ảnh 3.

Thời gian gần đây xu thế chứng khoán Việt ít gắn kết với diễn biến chứng khoán Mỹ. Ví dụ ở phiên giữa tuần trước, chứng khoán Mỹ tăng 500 điểm nhưng chứng khoán Việt hầu như chỉ tăng nhẹ trong khi nhiều người kỳ vọng tăng mạnh. Trong khi đó thanh khoản thị trường ngày càng tệ, chuyện này cho thấy bây giờ tin tốt tin xấu thanh khoản cũng kém, thanh khoản kém thì xu hướng xấu nhiều hơn là tốt bởi rõ ràng dòng tiền là không có.

Theo tôi thấy khả năng thị trường có sự phục hồi nhưng mang tính chất kỹ thuật ngắn hạn chứ phục hồi bền vững thì chưa. Rủi ro ở đây là giả sử có tin tốt thì tin này không hề tác động vô thị trường. Tính ra số lượng doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tốt trong quý III cao, lợi nhuận nhóm ngân hàng tăng mạnh nhưng hầu như không ảnh hưởng tới thị trường, giá dầu giảm gần đây nhưng tính chung năm qua là tăng nhưng cũng không ảnh hưởng tới nhóm dầu khí…

Dòng tiền yếu có nhiều lý do nhưng một trong những lý do lớn là dòng tiền bị hút về Mỹ. FED đang thắt chặt tiền tệ ngày càng mạnh, lã suất ngày càng tăng, tháng 12 tới tiếp tục tăng lần nữa. Dự kiến tăng một lần trong tháng 12, ba lần trong năm 2019 và một lần trong năm 2020 nhưng đó là dự kiến không biết mức độ tăng như thế nào và có thể số lượng nhiều hơn hay không thì tùy vào tình hình.

Nếu chiến tranh thương mại theo hướng tích cực thì sẽ tác động tích cực tới thị trường nhưng theo hướng thị trường đang xấu 100% thì độ xấu giảm còn 60 - 70%. Vì thật ra người dân quan tâm tới chiến tranh thương mại nhưng giới tài chính điều họ quan tâm hơn cả là chiến tranh tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải sự dụng các biện pháp về tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế, điều này ảnh tới các quốc gia khác, chạy đua bởi làm cho các đồng tiền quốc gia khác giảm giá. Các quốc gia khác phải tăng lãi suất để đối chọi với Mỹ và Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc giảm bớt chính sách này có nghĩa là tốt hơn. Nhưng vấn đề là chỉ có Trung Quốc làm thôi còn FED vẫn giữ. Nên tôi cho rằng tác động tích cực một phần là vậy, có nghĩa là dòng tiền được cải thiện.

VN-Index có thể điều chỉnh về ngưỡng 900 điểm, sâu hơn có thể 850 hoặc dưới chút nữa. Sau đó thị trường sẽ có những đợt phục hồi kỹ thật tăng tương đối khá nhưng chậm do người bán giảm bán ra chứ không phải dòng tiền thật sự vào mua.

Theo Huyền Trâm - Mai Hương

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên