MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vingroup, Vietcombank, FPT đồng loạt lên cao nhất mọi thời đại nhưng VN-Index vẫn chưa về lại 1.000 điểm

Trong 7 tháng đầu năm, dù thị trường chung không quá thuận lợi nhưng nhiều Bluechips như VIC, VCB, FPT, MWG…hay các nhóm ngành khu công nghiệp, thủy sản, dệt may, “họ Viettel” đều vượt đỉnh lịch sử.

Sau đỉnh cao vào tháng 4/2018 với cột mốc 1.204 điểm, TTCK Việt Nam đã bước vào nhịp điều chỉnh kéo dài. Trong hơn 1 năm qua, dù nhiều lần nỗ lực bứt phá nhưng VN-Index chưa một lần trở lại đỉnh cũ và hiện vẫn ở dưới mốc tâm lý 1.000 điểm.

Mặc dù thị trường chung không thực sự thuận lợi nhưng trong 7 tháng đầu năm 2019 vẫn xuất hiện khá nhiều cơ hội ở từng cổ phiếu riêng biệt, thậm chí nhiều Bluechips đã bứt phá vượt đỉnh mọi thời đại ngay trong tháng 7.

Trong phiên giao dịch 24/7, cổ phiếu VIC của VinGroup đã bứt phá 2.200 đồng (1,8%) lên 122.000 đồng/cp và đây cũng là mức giá cao nhất của VIC kể từ khi lên sàn chứng khoán tới nay (tính theo giá điều chỉnh).

Tại giá đóng cửa phiên 24/7, vốn hóa thị trường VinGroup lên tới 408.204 tỷ đồng, tương ứng 17,6 tỷ USD và là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam.

Hiện tại, VinGroup chưa công bố báo cáo tài chính quý 2, nhưng có lẽ kỳ vọng về những dự án lớn trong hệ sinh thái VinGroup như hàng không (Vinpearl Air), ô tô (Vinfast), điện thoại (VinSmart)…và đặc biệt mảng bất động sản (VinHomes), Trung tâm thương mại (Vincom Retail) đã giúp cổ phiếu lập đỉnh lịch sử.

Vn-Index vẫn “loay hoay” dưới mốc 1.000 điểm, nhưng nhiều Bluechips đã vượt đỉnh lịch sử - Ảnh 1.

VIC vượt đỉnh lịch sử trong phiên 24/7

Vietcombank (VCB) cũng là cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử trong năm 2019, bất chấp diễn biến thị trường không thực sự thuận lợi. Trong phiên giao dịch 19/7, cổ phiếu VCB đóng cửa tại 79.000 đồng/cp, vượt qua đỉnh lịch sử tháng 3/2018 (tính theo giá điều chỉnh). Tại mức giá này, vốn hóa thị trường Vietcombank tương ứng 293.000 tỷ đồng (12,6 tỷ USD).

Đà tăng của VCB có thể đến từ KQKD khả quan của ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 11.303 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ. Theo đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí số một về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng. Lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank tăng gần 24% đạt 2.145 tỷ đồng và thuộc top đầu trong hệ thống.

Mới đây, theo tin từ Bloomberg, Prudential và FWD là 2 trong số các doanh nghiệp đang tìm cách giành quyền phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank. Vietcombank được cho sẽ nhận khoản thanh toán ban đầu khoảng 400 triệu USD và con số có thể cao hơn dựa trên hiệu quả kinh doanh.

Vn-Index vẫn “loay hoay” dưới mốc 1.000 điểm, nhưng nhiều Bluechips đã vượt đỉnh lịch sử - Ảnh 2.

VCB cũng vượt đỉnh lịch sử trong tháng 7

Một Bluechips khác vượt đỉnh lịch sử trong những ngày gần đây là Thế giới di động (MWG). Kết thúc phiên giao dịch 23/7, thị giá MWG đạt 108.900 đồng/cp, tăng 27% so với đầu năm (theo giá điều chỉnh) và cũng là mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Tại giá đóng cửa phiên 23/7, vốn hóa thị trường Thế giới di động đạt 48.224 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Theo báo cáo KQKD 5 tháng đầu năm của MWG, doanh thu công ty đạt 42.784 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 39% kế hoạch năm; Lợi nhuận sau thuế 1.792 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50% kế hoạch năm.

KQKD khả quan, cùng với triển vọng của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) đang hỗ trợ tích cực cho đà tăng cổ phiếu MWG. Tính tới cuối tháng 5, MWG có 545 cửa hàng BHX với doanh thu trung bình lên đến hơn 1,4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 75% so với mức 800 triệu cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, BHX chiếm 7,3% doanh thu MWG và con số này đang ngày càng gia tăng.

Vn-Index vẫn “loay hoay” dưới mốc 1.000 điểm, nhưng nhiều Bluechips đã vượt đỉnh lịch sử - Ảnh 3.

Diễn biến cổ phiếu MWG từ khi lên sàn tới nay

FPT cũng là một trong những Bluechips vượt đỉnh lịch sử trong tháng 7. Trong phiên 23/7, cổ phiếu FPT đóng cửa tại 48.800 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 33.000 tỷ đồng và cũng là con số cao nhất của FPT kể từ khi thành lập tới nay.

Vn-Index vẫn “loay hoay” dưới mốc 1.000 điểm, nhưng nhiều Bluechips đã vượt đỉnh lịch sử - Ảnh 4.

FPT vượt qua đỉnh lịch sử năm 2007 và 2018

Cũng như nhiều Bluechips vượt đỉnh khác, cổ phiếu FPT bứt phá ngoạn mục trong năm 2019 đến từ triển vọng kinh doanh khả quan. Theo báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 12.492 tỷ đồng - tăng trưởng 22,2% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.139 tỷ đồng - tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 6.964 tỷ đồng và 855 tỷ đồng, tăng tương ứng 27,6% và 44,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu tại thị trường nước ngoài của khối này đạt 4.932 tỷ đồng, tăng 37,8%; lợi nhuận trước thuế đạt 742 tỷ đồng, tăng 39,5%. Tất cả các thị trường nước ngoài đều có mức tăng trưởng doanh thu tốt trên 26%, trong đó thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, tăng 85,8% so với cùng kỳ. Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này mang lại 1.654 tỷ đồng cho FPT, tăng 40,9% so với cùng kỳ, đóng góp 34% tổng doanh thu của khối Công nghệ tại thị trường nước ngoài.

Khối Viễn thông đạt 4.922 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,4%, đạt 103% kế hoạch lũy kế, LNTT đạt 822 tỷ đồng, tăng 13,0%, tương đương 107% kế hoạch lũy kế. Trong đó, doanh thu và LNTT của mảng dịch vụ Viễn thông lần lượt đạt 4.650 tỷ đồng và 684 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,7% và 15,5% so với cùng kỳ.

Nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, khu công nghiệp, Viettel "phá đỉnh"

Bên cạnh những Bluechips kể trên, thị trường cũng xuất hiện khá nhiều nhóm cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử trong 7 tháng đầu năm. Có thể kể tới như thủy sản (VHC, CMX, FMC…), dệt may (TNG, STK, MSH…), khu công nghiệp (NTC, BCM, D2D, SZL, SZC, SIP…), hay các cổ phiếu "họ Viettel" như VTP, VGI, VTK, CRT.

Các nhóm cổ phiếu kể trên tăng mạnh, thậm chí đa số các cổ phiếu trong nhóm đều phá đỉnh nhờ có những câu chuyện hỗ trợ. Với nhóm dệt may, thủy sản, khu công nghiệp là những câu chuyện liên quan đến CPTPP, FTA hay hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; cũng như sự dịch chuyển dòng vốn FDI về Việt Nam.

Trong khi đó, nhóm Viettel với nhiều doanh nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng đột phá trong kỷ nguyên công nghệ cũng thu hút dòng tiền khá mạnh.

Ngoài yếu tố được hỗ trợ bởi những câu chuyện riêng biệt, các nhóm cổ phiếu trên nhìn chung có lịch sử chi trả cổ tức khá tốt cũng là yếu tố thu hút dòng tiền. Bên cạnh đó, lượng cổ phiếu trôi nổi của các nhóm trên cũng không quá lớn và điều này khá phù hợp với bối cảnh thanh khoản thị trường thấp như hiện nay.

Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam dù đã phục hồi trở lại nhưng dòng tiền tham gia còn khá thận trọng. Điều này dẫn tới sự phân hóa diễn ra khá mạnh trên thị trường và dòng tiền tìm đến cổ phiếu sẽ có sự chọn lọc hơn so với những năm trước.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên