MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNDIRECT: Chứng khoán Việt Nam có triển vọng vượt trội so với các thị trường cận biên và thị trường mới nổi quy mô nhỏ

VNDIRECT tỏ ra lạc quan về việc Việt Nam có thể chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nhóm thị trường cận biên của MSCI và chứng kiến sự gia tăng của dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, trong bối cảnh các thị trường cận biên và mới nổi như Kenya, Sri Lanka, và Pakistan đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng về chính trị và kinh tế.

Trong báo cáo chiến lược mới được công bố, CTCK VNDIRECT cho rằng Việt Nam có triển vọng vượt trội so với các thị trường cận biên và thị trường mới nổi quy mô nhỏ.

Theo VNDIRECT, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện vị trí của mình trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI và với tầm nhìn trung hạn, Việt Nam có thể chiếm vị trí đáng kể trong nhóm thị trường mới nổi của MSCI.

Mặc dù cần ít nhất hai năm nữa để Việt Nam chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI nhưng đang có những cơ hội lớn trong ngắn hạn khi Việt Nam ngày một chiếm vị trí cao hơn trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI, và do đó sẽ thu hút được sự chú ý ngày càng lớn của không chỉ các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên mà còn cả các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi.

Việt Nam hiện có nhiều điểm vượt trội hơn so với các thị trường mới nổi quy mô nhỏ. Việc Việt Nam bị trì hoãn thêm một vài năm nữa để được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể vẫn mang lại lợi ích cho Việt Nam khi Việt Nam được xem xét là thị trường so sánh và thay thế cho cả thị trường cận biên và thậm chí là các thị trường mới nổi quy mô nhỏ khác. Các ưu thế của thị trường chứng khoán Việt Nam gồm:

Thanh khoản cao: Thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện cao hơn một số thị trường mối nổi quy mô nhỏ như Ai Cập và Pakistan (giá trị giao dịch trung bình phiên khoảng 25-50 triệu đô la Mỹ), tuy nhiên vẫn còn thấp hơn một số thị trường mới nổi khác trong khu vực như Malaysia và Thái Lan. Việc Ai Cập và Pakistan chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong danh mục thị trường mới nổi của MSCI có thể khiến một số quỹ đầu tư thị trường mới nổi bỏ qua các thị trường này và tìm đến Việt Nam như một thị trường đầu tư thay thế, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng sôi động và chứng kiến thanh khoản tăng lên gấp đôi trong vòng hai năm qua.

Pakistan có thể coi là một trường hợp thất bại: Việc hai cổ phiếu của Pakistan bị loại khỏi danh mục mới nổi của MSCI đã cho thấy những rủi ro khi được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi nhưng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (hiện Pakistan chỉ chiếm 0,03% đến 0,04% tỷ trọng trong danh mục thị trường mới nổi của MSCI). VNDIRECT cho rằng Việt Nam vẫn được hưởng lợi mặc dù bị trì hoãn nâng hạng lên thị trường mới nổi do Việt Nam có tiềm năng trở thành thị trường chiếm vị trí cao nhất trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI và sau đó mới được nâng hạng lên thị trường mới nổi như là một thị trường chiếm tỷ trọng tương đối vào các năm tới.

Việt Nam đang trong quá trình được FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sau khi FTSE đã đưa Việt Nam vào "danh sách rút gọn" trong đợt review tháng 9 vừa qua. Các lĩnh vực quan trọng cần được cải thiện đối với Việt Nam đó là công bố thông tin và giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những vấn đề này không phải là những yêu cầu tiên quyết đối với việc nâng hạng như trong trường hợp của Argentina, thị trường này vẫn đã được nâng hạng mặc dù chưa thỏa mãn các tiêu chí trên. VNDIRECT chờ đợi những mô tả rõ ràng hơn về các đánh giá của FTSE và MSCI với các tiêu chí của Việt Nam trong kỳ review giữa năm 2019 và kỳ vọng việc chiếm vị trí cao hơn trong nhóm các thị trường cận biên sẽ đem đến những lợi ích lớn trong quá trình xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Việt Nam có những lợi thế trong tương quan so sánh với các đối thủ trong nhóm thị trường mới nổi và cận biên về nền tảng vĩ mô và triển vọng tăng trưởng kinh tế, điều này có thể giúp gia tăng tỷ trọng của Việt Nam trong danh mục của các quỹ đầu tư mới nổi và tránh phạm phải sai lầm của Pakistan khi được thêm vào nhóm thị trường mới nổi khi nền tảng vĩ mô đang gặp nhiều vấn đề và do đó hạn chế bớt sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán của Pakistan. Trong các năm trước, Argentina đã chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm thị trường cận biên trước khi được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, và VNDIRECT kỳ vọng rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ lặp lại hành trình tương tự, chiếm tỷ trọng lớn hơn nữa trong nhóm thị trường cận biên trước khi được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi trong các năm tới. VNDIRECT cho rằng bối cảnh vĩ mô hiện nay của Việt Nam còn tốt hơn bối cảnh vĩ mô của Argentina trong thời điểm trước và điều này sẽ ngày càng củng cố sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Tựu chung lại, VNDIRECT tỏ ra lạc quan về việc Việt Nam có thể chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nhóm thị trường cận biên của MSCI và chứng kiến sự gia tăng của dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, trong bối cảnh các thị trường cận biên và mới nổi như Kenya, Sri Lanka, và Pakistan đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng về chính trị và kinh tế. Và do vậy, Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn hơn trong các năm tới đây khi được chính thức nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.

Với việc nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với thanh khoản trên thị trường chứng khoán ngày càng được cải thiện sẽ giúp cho quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam được thuận lợi hơn. Hơn nữa, có những dẫn chứng rõ ràng cho thấy các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên đã giữ trạng thái danh mục của mình khi thị trường đó được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, như trong trường hợp của Pakistan, và điều này có khả năng lặp lại đối với Việt Nam khi được nâng hạng. Tổng hợp lại, VNDIRECT giữ quan điểm tích cực với Việt Nam ngay cả khi chưa được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi trong năm nay.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên