MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNPT thoái vốn, tìm và chớp cơ hội nhanh kẻo muộn

Nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn của VNPT trong năm 2015 đã có sự phục hồi đáng kể về kết quả kinh doanh. Thông tin VNPT thoái vốn một phần cũng đang tạo nên động lực cho giá một số cổ phiếu như HAS, LTC, QCC...

Theo quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 – 2015, Tập đoàn này sẽ phải thoái vốn tại 63 doanh nghiệp, song nhiều khoản đầu tư của VNPT vẫn chưa thể tìm được người mua.

Ngày 06/04/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2016/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT. Theo quy định này, VNPT sẽ phải tiếp tục thoái vốn tại 50 công ty, quỹ, ngân hàng trong thời gian tới.

Trong số này, có một số doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Có thể thấy, các doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn của VNPT được niêm yết trên HSX, HNX và Upcom đều có thanh khoản rất thấp, thị giá đều dưới mệnh giá. Nhiều cổ phiếu đang ở trong diện cảnh báo. Chính vì thế, việc thoái vốn của VNPT tại đây đã không thành công trong các năm trước.

Song nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách này trong năm 2015 đã có sự phục hồi đáng kể về kết quả kinh doanh. Thông tin VNPT thoái vốn một phần cũng đang tạo nên động lực cho giá một số cổ phiếu như HAS, LTC, QCC...

Liệu nhà đầu tư có tìm ra và chớp được cơ hội trong đợt thoái vốn này?

CTCP Xây lắp và Phát triển Dịch vụ Bưu điện Quảng Nam (mã: QCC)

Cổ phiếu này đã tăng trần 2 phiên gần đây.

Hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, năm 2015, QCC đạt 22,1 tỷ đồng doanh thu – bằng 88% kế hoạch và 1,5 tỷ lợi nhuận sau thuế - bằng 63% kế hoạch. Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2016 la 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,3 tỷ đồng, cổ tức 10%.

Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, ĐHCĐ của QCC đã thông qua việc mua tối đa 25% tổng số lượng cổ phiếu đang niêm yết để làm cổ phiếu quỹ. Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn, mục đích để dùng xử lý nợ (bao gồm cấn trừ nợ vay, cấn trừ các khoản tạm ứng, phải thu). Tuy nhiên, nội dung này có gần 17% số phiếu không đồng ý. Một số ý kiến cho rằng VNPT sẽ thoái vốn nên không cần mua cổ phiếu quỹ.

QCC chia sẻ, VNPT mong muốn khi thoái vốn sẽ ưu tiên bán cho các cổ đông và cán bộ công nhân viên của công ty.

CTCP Hacisco - HACISCO (mã: HAS)

Hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và thi công các công trình xây lắp Bưu chính Viễn thông, các công trình xây lắp dân dụng và giao thông, Hacisco đạt 317 tỷ doanh thu năm 2015 – tăng gần 90% so với năm 2014 và lợi nhuận ròng đạt 6,6 tỷ - tăng 47%. Cổ phiếu HAS đang ở diện cảnh báo từ 22/4/2013 do LNST chưa phân phối tính đến 30/06/2015 âm.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2016, HAS dự kiến sử dụng 7,8 tỷ thặng dư vốn và 6,5 tỷ lợi nhuận sau thuế từ chuyển nhượng đất để bù lỗ lũy kế. Nhờ vậy, lợi nhuận dự kiến còn lại của năm 2016 tạm tính là 12,3 tỷ và trên cơ sở đó, HAS có thể trả cổ tức tỷ lệ 10%.

HAS cũng cho biết đến cuối tháng 3/2016, công ty đã đàm phán được với 1 đối tác để chuyển nhượng 10.000m2 đất tại Lô H30 KCN Lê Minh Xuân (Bình Chánh, Tp.Hồ Chí Minh) với giá 28 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận dự kiến từ việc chuyển nhượng là 13,765 tỷ đồng.

CTCP điện nhẹ kỹ thuật viễn thông (mã: LTC)

Cổ phiếu LTC vào diện cảnh báo từ 21/04/2015 do LNST của cổ đông công ty mẹ tại 31/12/2014 trong BCTC HNKT 2014 âm. Năm 2015, công ty đã có lãi trở lại với phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 2,4 tỷ đồng.

CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (mã: SPT)

SPT là đơn vị quản lý nhà mạng S-Fone, tuy nhiên vì gặp khó khăn nên nhà mạng này đã tạm ngừng hoạt động. Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến ông Đặng Thành Tâm gồm Saigontel, SQC Mining, CTCP Đầu tư Sài Gòn là cổ đông chính của SPT với tỷ lệ sở hữu khoảng 40%.

Từ tháng 4 năm trước, VNPT đã đăng ký bán toàn bộ 10.264.443 cổ phần, tương đương 8,5% cổ phần của SPT với giá khởi điểm đấu giá là 12.600 đồng/cp nhưng chưa thành công.

CTCP Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (mã: PTP)

Hoạt động trong lĩnh vực in với sản phẩm là trang in, thẻ cho các nhà mạng, hóa đơn cho các đơn vị trong và ngoài ngành, tem chống hàng giả… Năm 2015, PTP đạt gần 190 tỷ doanh thu – giảm 8% so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng đạt 4,8 tỷ - tăng 37%. Cổ tức được trả với tỷ lệ 6%. PTP đặt kế hoạch 175 tỷ doanh thu năm 2016 và 6,8 tỷ đồng lợi nhuận. Cổ tức dự kiến 8%.

PTP được giao dịch trên Upcom nhưng hầu như không có thanh khoản.

CTCP dịch vụ kỹ thuật viễn thông (mã: TST)

Năm 2015, công ty đạt 77,3 tỷ doanh thu – tăng 14% so với năm 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tương đương năm trước, đạt 3,6 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này đã gần như không thay đổi trong suốt 3 năm qua.

CTCP viễn thông VTC (mã: VTC)

Cổ phiếu VTC vừa được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 04/04/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2015 đã dương.

Năm 2015, công ty đạt 108,7 tỷ đồng doanh thu – tương đương năm trước nhưng lợi nhuận hợp nhất đạt 9,6 tỷ - tăng hơn 40% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 7,7 tỷ.

CTCP Công nghệ viễn thông (mã: VIE)

Cổ phiếu VIE bị cảnh báo từ 08/04/2015 do LNST chưa phân phối tại 31/12/2014 trong BCTC KT 2014 âm, nguyên nhân từ khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng năm 2013. Năm 2014 và 2015, công ty có lãi trở lại nhưng các khoản lãi vẫn rất nhỏ bé, đạt lần lượt là 193 và 324 triệu đồng.

Hải Hà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên