MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày

21-12-2019 - 09:18 AM | Sống

Thế là, Kaur đã cùng với nhóm tình nguyện xông pha ra những lề đường ở London. Họ tập trung quanh Marylebone, một con đường cao tốc lớn với 7 làn, nơi tọa lạc bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds và những hàng dài du khách tham quan luôn phải đứng xếp hàng ở đây.

Những năm trở lại đây, chúng ta thường nghe rằng: PM2.5 – những hạt bụi có kích thước từ 2,5 micromet trở xuống – là vấn đề lớn nhất cần quan tâm khi nói đến ô nhiễm không khí. PM2.5 là một sát thủ giết người, vì nó có thể đi xuyên qua phổi và vào máu.

Nhưng trên thực tế thì sao, phần lớn chúng không thể làm được điều đó.

Chúng ta cũng biết rằng khí NOx - bao gồm cả NO2 - là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe trong các thành phố. Tuy nhiên, NOx chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 14% số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở Châu Âu.

Kẻ giết người lớn nhất, thầm lặng nhất vẫn ẩn trong bóng tối. Nó không xuất hiện trên báo chí, trong các quy định, chính sách môi trường, và hầu như không được ai biết đến ngoài giới khoa học gia. Sát thủ vô hình đó, ngay lúc này, vẫn tồn tại trong bầu không khí mà bạn đang hít thở: chúng là các hạt bụi nano.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 1.

Bản thân hạt PM2.5 đã quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng nhỏ hơn khoảng 30 lần so với đường kính sợi tóc. Nhưng trên thang nanomet, PM2.5 vẫn là một kẻ khổng lồ. Chúng dậm chân ở 2.500 nanomet (nm), trong khi các hạt nano chỉ có kích thước 100nm trở xuống.

Chúng ta lo ngại PM2.5 và PM10 (10.000nm), khi chúng thường gây ra những vấn đề về phổi và hô hấp. Tuy nhiên, các hạt nano còn khủng khiếp hơn thế, chúng có thể chạm tới và tàn phá bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.

Ngay lúc này, các cơ quan chính phủ và các trạm đo trên khắp thế giới chỉ giám sát PM2.5 theo khối lượng - cân chúng lên và tính số hạt theo phép chia trung bình - vì vậy mà các số liệu và báo cáo môi trường mà họ đưa ra tồn tại một lỗ hổng cực lớn, tiềm ẩn những rủi ro thực sự.

Bởi những hạt nano đã bị bỏ qua trong các phép đo này - hàng triệu hạt có thể không nặng tới nổi 1 microgam - các thiết bị đơn giản là không thể đếm được chúng. Vào một ngày bạn ra đường và yên tâm về những vòng tròn PM2.5 xanh ngắt trên màn hình thể hiện nồng độ các hạt bụi trong ngưỡng cho phép, chưa chắc bạn đã an toàn.

Các hạt bụi nano nhỏ hơn nhiều có thể vẫn đang được hít vào đường hô hấp, len lỏi qua lớp màng phổi của bạn vào máu và đi khắp cơ thể. Chỉ vì các thiết bị đo PM2.5 hiện tại không phát hiện ra chúng, không có nghĩa là chúng không tồn tại.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 2.

Năm 2003, khi Surbjit Kaur đang hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Hoàng gia London, giáo sư hướng dẫn đề nghị cô tham gia vào Thí nghiệm Dapple, một nghiên cứu sự phân tán và thâm nhập của không khí ô nhiễm vào môi trường địa phương.

Làm việc trong dự án này, Kaur đã thiết kế một thử nghiệm phơi nhiễm trên quy mô cá nhân, để tìm hiểu xem một người bình thường sống ở London sẽ phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao đến đâu.

Cô tuyển chọn 6 tình nguyện viên tham gia. Những người này được yêu cầu mặc một bộ quần áo trông giống như cây thông Giáng Sinh. Chỉ khác là, thay vì treo trên mình những quả cầu lấp lánh, bộ quần áo được gắn đầy các cảm biến khí để ghi nhận những tác nhân ô nhiễm khác nhau trôi nổi ngoài không khí.

Mỗi ngày trong vòng 4 tuần, những tình nguyện viên sẽ phải mặc đồ và đi bộ trên một tuyến đường ở trung tâm London.

"Nhóm tình nguyện viên chính là bạn bè của tôi và những đồng nghiệp khác trong trường đại học", Kaur nói. "Nhưng tôi thực sự không cam lòng khi yêu cầu mọi người làm điều này mà chính tôi không tự mình tham gia vào đó".

Thế là, Kaur đã cùng với nhóm tình nguyện xông pha ra những lề đường ở London. Họ tập trung quanh Marylebone, một con đường cao tốc lớn với 7 làn, nơi tọa lạc bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds và những hàng dài du khách tham quan luôn phải đứng xếp hàng ở đây.

"Chúng tôi đã đi ra ngoài đó, biết chắc rằng mình sẽ bị ốm vì tiếp xúc với không khí ô nhiễm liên tục. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã cảm thấy cực kỳ khó chịu".

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 3.

Các thiết bị treo trên người tình nguyện viên và bên trong ba lô của họ có khả năng đo các chất gây ô nhiễm trong không khí, bao gồm bụi PM2,5 và CO (carbon monoxide). Ngoài ra, Kaur đã đem theo một bộ kit thí nghiệm hoàn toàn mới: một bộ đếm hạt nano ‘P-Trak".

"Chúng tôi cần phải xin rất nhiều giấy tờ cấp phép để sử dụng cỗ máy này [ngoài đường phố], bởi trông chúng hơi giống với máy đếm Geiger [thiết bị giám sát phóng xạ] - có những lo ngại rằng công chúng sẽ hoảng sợ [khi nhìn thấy những thiết bị như vậy]", cô ấy cười.

Một cỗ máy P-trak có thể đếm các hạt nano nhỏ tới 2nm (nhỏ hơn nhiều lần so với tế bào máu người) bằng cách hút không khí, phun cồn lên bề mặt của các hạt nano này để chúng hiện hình dưới máy đếm bằng tia laser.

Sau khi đã tham khảo những nghiên cứu tương tự từ Đại học Rochester, New York và Viện Sức khỏe Cộng đồng Quốc gia, Phần Lan, Kaur có linh cảm rằng việc đếm những hạt siêu mịn này có thể giúp cô có được một số dữ liệu thú vị. Nhưng cô ấy đã lầm.

"Tôi trông đợi sẽ quan sát thấy những mức độ biến thiên nhất định", Kaur nói. "nhưng độ biến thiên đó thực sự làm tôi rất ngạc nhiên... Lưu lượng xe hơi đi qua con đường ảnh hưởng rất ít đến sự phơi nhiễm với PM2.5. Nhưng nó đã có tác động lớn đến những hạt siêu siêu mịn".

Khi các tình nguyện viên đổ ra ngoài mặt đường, họ đã tiếp xúc với tối thiểu 36.000 hạt bụi nano cùng một lúc, tối đa là 130.000 hạt. Khi họ đi xe đạp trên cùng một tuyến đường ấy (vẫn đeo trên mình những thiết bị, khó khăn nhưng không phải là không thể), mức phơi nhiễm tối đa và tối thiểu đã tăng thêm 20.000 hạt.

Mức độ phơi nhiễm trung bình cao nhất đã được ghi nhận bên trong ô tô và xe buýt: càng gần nguồn ô nhiễm là các ống xả phun ra khói, tổng số hạt nano sẽ càng cao.

Sự khác biệt cũng được ghi nhận ngay cả khi đi bộ phía cạnh ngoài của lề đường và cạnh bên trong sát các tòa nhà. Dù chỉ cách nhau một vài bước chân trên cùng một mặt đường, lượng hạt nano ghi nhận đã chênh lệch nhau lần lượt là 82.000 và 69.000 hạt.

Điều lạ là trong tất cả các phép đo này, số lượng các hạt bụi nano biến thiên, nhưng không có sự thay đổi nào với PM2.5. Các máy đo PM2.5 đã không đo được bụi nano.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 4.

Đó là khoảng năm 2006, sau khi Kaur từ bỏ con đường khoa học để trở thành một nhà tư vấn quản lý, một nghiên cứu sinh tiến sĩ khác tại Đại học Cambridge đã dấn thân vào cuộc chiến.

Prashant Kumar đã từng nghiên cứu về bụi PM2.5 và PM10 trong luận văn thạc sĩ của mình tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Delhi. Nhưng khi đến Anh để lấy bằng tiến sĩ, Kumar chia sẻ rằng anh đã có rất nhiều trao đổi với giáo sư hướng dẫn mình, cả hai nhận ra đang có rất ít những nghiên cứu về bụi nano, gần như không có một phương pháp nào có thể đo đạc chúng và đánh giá sự phơi nhiễm của bụi nano trong môi trường.

"Vì vậy, tôi đã bắt lấy chủ đề đó như một thử thách", Kumar nói. Những nỗ lực đã giúp anh xuất bản được một loạt các bài báo nghiên cứu từ năm 2008 cho tới nay, trong một chuỗi nghiên cứu về bụi nano giúp Kumar trở thành giáo sư tại Đại học Surrey.

"Nghiên cứu đầu tiên mà tôi thực hiện năm 2008 là một phân tích thăm dò", anh hồi tưởng lại. "Khi xe thải ra những luồng khói, chúng thoát ra dưới dạng khí và được làm lạnh thành các hạt [nano] nhỏ. Một lúc sau đó, chúng mới bắt đầu tích lũy để tạo ra các hạt lớn hơn. Từ ống xả, bạn có thể nhận được 10 mũ 6 (một triệu) hạt như vậy trên mỗi cm khối không khí. Trên đường là 100.000 ngàn hạt, bên lề đường là 10.000 hạt".

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 5.

Các nghiên cứu của Kumar chỉ ra rằng 90% số lượng bụi có mặt trên những con đường bận rộn là các hạt bụi nano có kích thước dưới 100nm.

Đây thực sự là một vấn đề sức khỏe đối với chúng ta. Kumar giải thích rằng khi kích thước của các hạt bụi càng thu nhỏ, diện tích bề mặt của chúng lại càng lớn hơn. Diện tích bề mặt lớn hơn có nghĩa là độc tính [tiềm năng] của bụi sẽ mạnh hơn, vì khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tiếp xúc với cơ thể bạn trên một diện tích lớn hơn.

Để hình dung điều này, hãy tưởng tượng một quả bóng đá so với bóng golf. Một quả bóng đá có chu vi 70cm và diện tích bề mặt khoảng 1.500 cm2. Một quả bóng golf rõ ràng là nhỏ hơn nhiều, với chu vi khoảng 13cm, và diện tích bề mặt của nó là 54cm2.

Nhưng tính theo thể tích, bạn có thể bỏ 156 quả bóng golf vào cùng một không gian chứa một quả bóng đá. Tổng diện tích bề mặt của tất cả những quả bóng golf khi đó sẽ là 8,453cm2.

Trên thang đo nano, sự khác biệt đó còn được khuếch đại hơn nữa. Một đám mây chứa một tỷ hạt 10nm có cùng khối lượng với chỉ một hạt PM10, nhưng tổng diện tích bề mặt của chúng lớn hơn gấp cả triệu lần.

Trong trường hợp bạn hỏi trên bề mặt của những hạt bụi có gì, thì đó là những hóa chất độc hại được thải ra từ khí thải của xe cộ.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 6.

Trong một nghiên cứu khác của mình, giáo sư Kumar đã xem xét kịch bản một đứa trẻ sơ sinh được đặt trong nôi và đẩy đi dọc theo lề đường của một thị trấn nhỏ.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng độ phơi nhiễm bụi sẽ tăng cao khi bạn chờ đèn đỏ, và những em bé sẽ có độ phơi nhiễm cao hơn nhiều so với người lớn. Trong một số trường hợp, độ phơi nhiễm cao hơn tới 20-30% [ở độ cao của xe nôi so với chiều cao của người lớn]. Bởi hệ thống miễn dịch của những đứa trẻ vẫn đang phát triển, sức khỏe của chúng dễ bị ảnh hưởng hơn".

Chẳng hạn, một dự án nghiên cứu sức khỏe trẻ em ở California cho thấy: những đứa trẻ lớn lên trong khu vực 500 m cách một con đường bận rộn có chức năng phổi bị suy giảm đáng kể.

Các hạt bụi nano cũng có thể đi xuyên qua thành phổi và vào máu, theo nhiều con đường mà những hạt bụi PM2.5 lớn hơn không thể đi qua. Một khi đã vào được trong máu, chúng sẽ gây ra những hiện tượng viêm và tổn thương tương tự những gì đã gây ra ở phổi.

Hơn thế nữa, vào được máu nghĩa là bụi nano có thể tới được bất cứ động mạch cũng như cơ quan nào trong cơ thể.

Cho đến gần đây, chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác ở kích cỡ nào thì bụi sẽ bị mắc kẹt lại phổi hay đường hô hấp trên, và ở kích thước nào thì chúng có thể đâm xuyên qua tất cả để vào máu.

Mảnh ghép cuối cùng này phải đến năm 2017 mới được hé lộ trong công việc của một nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư David Newby tại Đại học Edinburgh.

"Có nhiều ý tưởng khác nhau có thể giúp chúng tôi nhận diện được các hạt nano này [trong máu], có rất nhiều kỹ thuật hình ảnh tại thời điểm đó. Nhưng thực sự là không có bất kể một kỹ thuật hình ảnh nào đạt được tới độ phân giải nano như vậy. Cho nên, chúng tôi quyết định sử dụng vàng", tiến sĩ Jen Raftis, thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 7.

Nhóm nghiên cứu đã mượn một cỗ máy từ Hà Lan, nó có các điện cực để phân tán vàng thành các hạt nano có kích thước xuống tới 2nm. Đầu tiên, Họ đã cho những con chuột hít vào các hạt nano vàng này.  Tiếp đó đến lượt những người tình nguyện.

"Chúng tôi sử dụng vàng vì chúng tôi biết nó thực sự an toàn", tiến sĩ Raftis giải thích, hãy yên tâm. "Hạt nano vàng được sử dụng trong y học lâm sàng vì tính trơ của nó. Vàng không phản ứng với bất cứ thứ gì khác hoặc gây ra bất cứ căng thẳng oxy hóa nào khi đi vào bên trong cơ thể".

Nó cũng dễ dàng được phát hiện, không giống như các hạt carbon được ngụy trang hiệu quả trong cơ thể, lẩn khuất vào những phân tử chứa carbon của chính chúng ta.

Vào thời điểm 15 phút và 24 giờ sau khi các tình nguyện viên hít hạt nano, họ được đưa đi lấy mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu. Và xem kìa, có vàng trong những mẫu đó. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra mức 30nm, bất cứ một thứ gì có kích thước bằng hoặc bé hơn thế đều có thể được tìm thấy trong máu. Những hạt có kích thước lớn hơn sẽ bị giữ lại, không đi xuyên qua phổi.

"Rõ ràng với con người, chúng tôi không thể thực hiện sinh thiết, nhưng với những con chuột chúng tôi đã làm xét nghiệm đó", tiến sĩ Raftis nói. "Chúng tôi đã tìm thấy sự tích lũy lớn nhất [của các hạt nano] trong phổi, kế tiếp là đến gan, bởi vì gan của bạn là nơi máu đi qua đầu tiên. Kích thước của các lỗ ở thận là 5nm, vì vậy, không có thứ gì lớn hơn thế có thể đi qua thận... Có thể hạt nano còn tích tụ ở các bộ phận khác nữa trong cơ thể, bởi vì kích thước của các lỗ bên trong các cơ quan nội tạng là rất khác nhau".

Sau 3 tháng tham gia thí nghiệm, vàng vẫn còn được tìm thấy trong nước tiểu của các tình nguyện viên.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 8.

Được tài trợ bởi Quỹ Tim mạch Anh Quốc, David Newby đã tiếp tục hướng nghiên cứu đó. Một lần nữa, tác hại của các hạt bụi nano được chỉ ra trên lý thuyết - nhưng không được chứng minh - rằng sự tích tụ hạt nano trong động mạch có thể dẫn đến đột quỵ và bệnh tim.

Newby đã tiếp cận các bệnh nhân của bệnh viện, những người phải trải qua phẫu thuật để loại bỏ một lớp mỡ (được gọi là mảng bám) động mạch. Giả thuyết là nếu họ hít vào các hạt nano vàng một ngày trước cuộc phẫu thuật, liệu những hạt vàng này có được tìm thấy trên các mảng bám bị lấy ra khỏi động mạch vào ngày hôm sau hay không?

"Có, chúng tôi đã tìm thấy vàng trong mảng bám động mạch", Raftis hào hứng chia sẻ về phát hiện này. Một lần nữa, nó xác nhận giả thuyết cho rằng các hạt ô nhiễm trong không khí, một khi đạt tới kích thước và cấu trúc nano, sẽ có thể được chuyển đến và lắng đọng tại một mảng bám thành động mạch trong vòng 24 giờ sau khi bệnh nhân hít phải chúng.

Đó là một rủi ro khá lớn đối với mọi bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, vì ô nhiễm không khí có thể tước đoạt đi mạng sống của họ. Chúng tôi mới thực hiện thử nghiệm một lần, nhưng hiện tượng trong thử nghiệm đó đang diễn ra mỗi ngày với các bệnh nhân.

Hãy tưởng tượng, những mảng bám giống như quang cảnh của một một vụ tai nạn xe hơi, và mỗi động mạch là một con đường; các hạt bụi nano là một hàng dài ô tô chồng chất lên phía sau nó, gây ra sự tắc nghẽn ngày càng lớn.

Trên thực tế, những hạt bụi nano này cũng có thể gây ra nhiều sự cố, như làm viêm động mạch bằng cách giải phóng các hóa chất độc hại dính trên bề mặt của chúng (Giáo sư tiền nhiệm của Newby, Ken Donaldson đã nhấn mạnh độc tính của các hạt bụi nano ngay từ thập niên 1990).

Một chương trình nghiên cứu bệnh tật toàn cầu ước tính rằng, ô nhiễm không khí có thể gây ra 21% tổng số ca tử vong do động kinh và 24% số ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Từ lâu, khói xe cộ từ lâu đã được ví như những khẩu súng, nhưng viên đạn bắn ra từ họng súng ấy là đạn gì, trước đây các nhà khoa học còn chưa hiểu biết hết. Bây giờ, nhiều người nghĩ rằng đó chính là những viên đạn nano.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 9.

Hầu hết các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu EU đã thiết lập những giới hạn pháp lý đối với nhiều chất gây ô nhiễm không khí, bao gồm PM2,5, NOx, CO và SO2. Nhưng không có bất kỳ giới hạn hay quy định tương tự nào đối với các hạt nano. Một lời bao biện điển hình cho thực tế này, đó là PM2.5 đã bao gồm mọi hạt xuống tới kích thước 1nm rồi.

Nhưng về mặt kỹ thuật như chúng ta đã thấy, sự xuất hiện của hàng triệu hạt nano trong không khí vẫn cho kết quả đo đạc PM2.5 ở mức thấp.

Do đó, chỉ số PM2.5 thấp trên các trang web chính phủ hoặc ứng dụng điện thoại di động hiện nay có thể gây ra những ấn tượng sai lầm. Chất lượng không khi có thể không sạch như những vòng tròn PM25 xanh ngắt, nó có thể đang lấp đầy và cuộn xoáy theo các hạt nano, những hạt bụi có thể đi thẳng qua phổi vào động mạch của chúng ta.

Một báo cáo năm 2018 về các hạt bụi siêu siêu mịn có kích thước dưới 100nm cho Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (Defra), cho biết: "Hiện chúng ta không hề có một mức trần phát thải hoặc các mục tiêu giảm phát thải nào được đặt ra cho [hạt nano], nên cũng sẽ không có bất kỳ hướng dẫn hoặc nguồn tham khảo nào về các yếu tố phát thải này, cho phép phát triển các phương pháp đo đạc chúng".

Một quy định duy nhất tồn tại, bao gồm giới hạn số hạt xuống tới kích thước 23nm, là bài kiểm tra khí thải xe Euro 6. Nhưng theo báo cáo của Defra, điều đó có nghĩa là hơn 30% [hạt nano] trong môi trường đô thị có thể không được tính đến, và chỉ một phần nhỏ các hạt dưới kích thước 30nm được xác định bởi nghiên cứu vàng ở Edinburgh.

Có lẽ tin tốt duy nhất trong lúc này là: Trong khi số hạt bụi nano không tương quan tốt với các phép đo khối lượng hạt (PM2,5), thì nó có xu hướng tương quan với chỉ số NOx. NO2 thường được phát ra từ cùng nguồn phát thải hạt nano và sau đó chúng nhanh chóng tiêu tan. NO2 thậm chí phản ứng với các khí khác trong không khí để tạo thành một số hạt nano.

Vì vậy, xử lý NO2 thường có thể hoạt động như một cách để giảm thiểu các hạt bụi nano. "Chúng có mối tương quan tốt với nhau", Kumar nói, "Bởi vì chúng đến từ cùng một nguồn".

Một biện pháp có thể giải quyết được cả ô nhiễm NOx và hạt nano: thay thế xe chạy động cơ đốt nhiên liệu hóa thạch bằng xe chạy điện. Xe điện vẫn làm văng bụi trên đường, nhưng chúng không phát thải ra hạt nano và NOx đến từ việc đốt cháy nhiên liệu.

Và trong khi xây dựng các nhà máy điện là cần thiết để tạo ra điện, chúng ta dành nhiều thời gian trên những con đường hơn là đứng cạnh một ống khói của nhà máy điện. Và việc chuyển 100% sang các dạng năng lượng tái tạo có thể giải quyết luôn vấn đề mà các nhà máy điện gây ra.

Vô hình và nguy hiểm hơn cả PM2.5: Những hạt bụi nano đang đi xuyên qua phổi vào máu bạn mỗi ngày - Ảnh 10.

Các phương tiện không phát thải, chẳng hạn như xe đạp hay việc đi bộ, thậm chí còn là một giải pháp tốt hơn nữa. Càng nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi này, chúng ta càng cứu sống được nhiều sinh mạng.

Nhưng trước mắt và tạm thời, chúng ta cần giảm mức độ phơi nhiễm với không khí ô nhiễm bằng cách tách những hoạt động của mình ra khỏi những con đường giao thông đang đốt nhiên liệu liên tục, bằng cách xây dựng những làn đường đi bộ riêng hay hàng rào cây xanh, cây leo chắn giữa vỉa hè và lòng đường.

Sau hơn 10 năm thực hiện nghiên cứu về các hạt bụi nano, Kaur thấy mình đã học được một thói quen. "Bạn bè thấy rất buồn cười khi tôi cứ đi sát vào các mặt tòa nhà trên vỉa hè", cô ấy cười. "Ở bất cứ nơi nào có công viên hoặc lối đi bộ bên đường, tôi sẽ đi vào đó".

Trở lại Edinburgh, Raftis đã tiến thêm một bước. "Tôi đã ngừng đốt nến trong nhà. Tôi không sử dụng hoặc có một nhật ký ghi lại những gì tôi đã đốt ở nhà mình, mặc dù tôi không thích chúng ... Tôi luôn ý thức việc nấu ăn cũng là đang tạo ra các hạt nano. Tôi không đi chạy dọc theo các con đường, tôi luôn chạy trong công viên. Tôi không lái xe trừ khi đó là một chiếc xe điện".

Trên thực tế, Raftis đạp xe đi làm, mặc dù những con đường ấy chứa đầy những hạt vô hình chết chóc. Lợi ích từ việc đạp xe và thể dục có thể bù lại một phần những tác hại gây ra từ một con đường giao thông đông đúc.

Khi được hỏi liệu chúng ta có nên xây dựng những quy định và chính sách phát thải để kiểm soát các hạt nano hay không, Raftis trả lời mình không phải là người làm chính sách.

Nhưng đứng trên góc nhìn của một nhà nghiên cứu thì: "Tại sao lại không? Ý tôi là, bạn sẽ cảm thấy như bạn đang liên tục nghiên cứu và nghiên cứu để tìm được những dữ liệu [về bụi nano] rồi dữ liệu chỉ bị bỏ xó, mọi người nói về nó rồi thôi".

Raftis cảm thấy chính sách phải vận động theo sau công nghệ. Những quy định về PM2.5 được đặt ra lúc này, chỉ vì chúng ta đã đo đạc được chúng. Khi ô nhiễm hạt nano trở nên đo được, chính sách sẽ thay đổi.

Ngay lúc này, mỗi người chúng ta cũng đang tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, tùy vào thị trấn hay thành phố mà bạn đang sống, phương tiện bạn chọn để đi lại, tuyến đường của bạn và khoảng thời gian bạn kẹt trên đó.

Hầu hết các thành phố hoặc quốc gia đo lường ô nhiễm không khí bằng các trạm giám sát cố định. Điều đó có nghĩa là họ chỉ có thể kiểm tra chất lượng không khí ngay bên cạnh trạm đó. Con người, đáng tiếc không đứng yên.

"Tôi vẫn cảm thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này", Kaur nói khi ngồi trong văn phòng của mình, văn phòng cạnh bờ sông Thames và nhìn ra Văn phòng Thị trưởng London. "Nếu ban hành những chính sách để giảm ô nhiễm không khí vì sức khỏe của con người, nhưng bạn chỉ dựa trên những hướng dẫn và dữ liệu [hạn chế] như hiện nay, thì liệu bạn đang làm một việc tốt cho mọi người hay thực sự bạn đang cản trở điều đó?".

Tham khảo BBC

Theo Zknight - Thiết kế: Trường Dương

Trí thức trẻ

Trở lên trên