MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với cơ chế đặc thù, Hà Nội có thể là siêu thành phố với 5 đô thị vệ tinh năm 2030?

Với 5 đô thị vệ tinh, cùng mô hình phát triển phù hợp, Hà Nội có thể trở thành một siêu thành phố trong 15 năm tới, như trung tâm tài chính Hồng Kông

Quan điểm được ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra khi bàn luận về việc xây dựng Hà Nội trở thành một siêu thành phố trung tâm đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng, Hà Nội là một thành phố đặc biệt, là trung tâm của cả nước trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và cũng là đầu mối kinh tế giao thương bậc nhất quốc gia.

Đây cũng là nơi tập trung các trụ sở chính, chi nhánh của các tập đoàn, DN lớn, các định chế tài chính, các tổ chức có uy tín tầm cỡ quốc tế.

Vị thế địa chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như vị thế về nguồn nhân lực, sự quyết tâm đổi mới của toàn hệ thống, tạo dư địa dành cho phát triển và thu hút đầu tư còn rất lớn.

Do đó, để đạt được mục tiêu là thành phố trung tâm phát triển của cả nước, Bộ trưởng đã đưa ra các khuyến nghị để xây dựng Hà Nội thành một siêu thành phố:

Thứ nhất, sau năm 2030 Hà Nội cần trở thành một siêu thành phố (Mega city) với tốc độ đô thị hóa nhanh và mức độ gia tăng dân số như hiện nay.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, có thể chưa đầy 20 năm nữa, Hà Nội sẽ đạt được quy hoạch siêu thành phố. Theo đó, việc xây dựng thành phố vệ tinh từ mô hình hướng tâm sang mô hình hướng biên, giảm áp lực dân số cũng như tắc nghẽn trong khu vực trung tâm là cần thiết.

Để thực hiện, phát triển thành phố hướng biên cần gắn với 5 thành phố vệ tinh, mở cửa cho các DN và các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, bất động sản.

“Bên cạnh đó, Hà Nội có thể xem xét phát triển 5 thành phố vệ tinh theo hướng chuyên đề như thành phố khoa học, thành phố tài chính, thành phố dịch vụ, kết nối qua khu vực trung tâm, qua đó bổ sung hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thứ hai, Thành phố phải xây dựng thành một đô thị xanh. Có nghĩa là phải xác định định hướng tăng trưởng xanh, thúc đẩy sáng tạo trong các lĩnh vực.

Điểm nhấn đặc biệt trong ngành khoa học, quản lý, phát triển các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm DN… nhằm giúp Hà Nội bắt kịp kinh tế tri thức.

Thứ ba, Bộ trưởng cho rằng Hà Nội phải xứng tầm trở thành trái tim của cả nước ở mọi khía cạnh. Theo đó, Hà Nội phải là thành phố đi đầu để thực hiện các chủ trương của Đảng.

“Tài chính là dòng máu nuôi DN, kinh tế thì HN phải là trái tim, cung cấp dòng máu cho Hà Nội, cho cả nước. Phải phát triển trung tâm này sánh ngang trung tâm tài chính của Hồng Kông, Singapore” – Bộ trưởng khuyến nghị.

Thứ tư, cần phát triển Hà Nội trở thành thành phố hòa bình và thân thiện. Việc xây dựng Hà Nội là thành phố hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, đó là điều kiện để nhà đầu tư đặt nền móng lâu dài.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải phát huy văn hóa thân thiện của Hà Nội. Quá trình hội nhập sẽ dẫn đến giao thoa các nền văn hóa khác nhau, nên việc đẩy mạnh giao thoa văn hóa với nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy tốt hơn giữa 2 bên, tháo gỡ vướng mắc là cần thiết.

“Cần tạo cho DN, nhà đầu tư cảm giác đang như đang ở nhà mình. Đây là tác nhân quan trọng để hấp dẫn nhà đầu tư” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA thế hệ mới, là thành viên WTO, chuẩn bị phê chuẩn và thông qua nhiều hiệp định khác. Do đó, với lợi thế Hà Nội có được, cần tận dụng tối đa hiệu quả của các FTA, mang lại sự đóng góp chung cho Hà Nội và đất nước.

“Dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch về nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn, có cộng đồng DN mạnh để hợp tác và bổ trợ cho nhau. Tôi tin là Hà Nội sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khai thác cơ hội cùng phát triển” – Bộ trưởng nói.

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng khẳng định Hà Nội có thể xây dựng cơ chế đặc thù riêng để phát triển cho xứng tầm với vị trí và quy mô và trình Chính phủ. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để Hà Nội có thể hy vọng đạt được tham vọng là siêu thành phố trong 15 năm nữa.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên