MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn được hấp thụ tốt hơn khi doanh nghiệp hết “ngủ đông”

21-09-2020 - 13:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đến 11/9, tăng trưởng tín dụng đạt 4,71%. Các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng tích cực như dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 5%; cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 4,5%; cho vay DNNVV tăng khoảng 3,5%... so với cuối năm 2019. Các ngân hàng đã, đang dành một lượng vốn ưu đãi lớn đầu tư giúp DN sớm hồi phục, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.


Tại HDBank có gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, DN siêu nhỏ với hạn mức lên tới 2 tỷ đồng; SHB vừa tung ra chương trình ưu đãi "Tiếp sức kinh doanh, thành công vượt trội" dành cho DN siêu nhỏ; Agribank dành 5.000 tỷ đồng để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho các DN FDI kinh doanh tại Việt Nam với lãi suất cho vay chỉ 4,8%/năm đối với cho vay xuất khẩu và tối đa 6,5%/năm đối với cho vay nhập khẩu, sản xuất kinh doanh trong nước… Bên cạnh các giải pháp tài chính, ngân hàng còn tiếp sức cho các DN qua nhiều cách làm mới, dịch vụ tư vấn tài chính DN, hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra để tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng trả nợ, tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc DN...

Thông tin hoạt động các TCTD trong tuần từ 7-11/9/2020 của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND của TCTD có xu hướng giảm. Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 3,7 - 4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng... Cá biệt có một số ngân hàng lãi suất huy động rất thấp. Đơn cử, Techcombank lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tại ngân hàng chỉ còn 2,65-3%/năm, giảm 0,2% so với trước đó... Lãi suất huy động duy trì ở mặt bằng thấp tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo NHNN, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm. Có thể thấy vốn rẻ ngân hàng đang rất sẵn sàng. Vấn đề đặt ra, các DN có thể hấp thụ được số vốn này hay không.

Trả lời câu hỏi này ông Võ Tấn Hoàng Văn - Thành viên HĐQT SCB cho hay, vốn rẻ không thể lan tỏa hết tất cả các thành phần kinh tế được. Thực tế hiện nay, hiệu quả sinh lời của nền kinh tế đang ở mức thấp và một số DN bị tác động mạnh bởi dịch bệnh như vận tải, du lịch... nhưng cũng còn có những lĩnh vực hấp thụ vốn tốt như ngành bán lẻ, tiêu dùng, nhu yếu phẩm, thuốc men... Do đó, nếu muốn đẩy tín dụng, các ngân hàng phải đưa ra gói tín dụng trúng và đúng đối tượng,   điều này quan trọng hơn là lãi suất rẻ hay đắt, ông Văn lưu ý.

Theo kết quả điều tra các TCTD của Vụ Dự báo Thống kê, NHNN, 49% TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống, trong những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021; tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%), dệt may (41%) và xây dựng (40%). Nhiều DN ghi nhận sự hỗ trợ rất tích cực của các ngân hàng thời gian qua; nhưng việc giảm lãi, giãn nợ vừa qua chưa đủ giúp DN thoát khỏi khó khăn để bật dậy. Họ cần được hỗ trợ từ nhiều chính sách khác.

Về phía các ngân hàng, họ cũng muốn giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN, để kích cầu tín dụng, tuy nhiên việc này là rất khó, bởi muốn giảm được lãi suất cho vay, cần phải giảm lãi suất huy động. Trong khi hiện lãi suất huy động đang ở mức đáy trong vòng 10 năm trở lại đây. Nếu giảm thêm có thể khiến dòng vốn đảo chiều chảy khỏi ngân hàng. Theo Báo cáo phân tích mới của Fiin Group, NIM của 19 ngân hàng niêm yết giảm 8,8 điểm cơ bản (bps) so với quý I/2020 xuống còn 0,76% - mức NIM thấp nhất và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ quý I/2018. Do vậy, khả năng giảm sâu lãi suất như DN kỳ vọng gần như là bất khả thi.

Chưa kể hiện nguồn lực tài chính của các ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục bị mỏng dần vì phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trong tương lai dưới tác động của dịch bệnh Covid 19. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đề nghị, bên cạnh chia sẻ, hỗ trợ từ ngân hàng, nhất thiết phải sử dụng nguồn từ ngân sách để có thể cấp bù lãi suất cho các DN vay với lãi suất thấp.

Đồng tình về việc duy trì chính sách lãi suất thấp hỗ trợ DN, nhưng PGS. TS. Quách Mạnh Hào đề nghị chính sách này cần kết hợp với việc Chính phủ bảo lãnh và cho vay đối với những DN đang gặp khó khăn trong thanh toán các khoản chi phí bao gồm cả trả lương người lao động. Có như thế, ngân hàng mới dám cho vay và DN khó khăn mới được cứu. PGS.TS. Quách Mạnh Hào còn lo ngại tạo ra rủi ro cho nền kinh tế nếu việc hỗ trợ không đúng nơi cần hỗ trợ. Khi lãi suất giảm, đơn xin vay nhiều hơn, rủi ro sàng lọc đơn vay sẽ dẫn tới việc ngân hàng tự hạn chế cho vay. Tiền sẽ được đổ vào một số ít DN vẫn còn hoạt động và họ sẽ đầu tư quá mức do tiền rẻ dẫn tới rủi ro hệ thống.

"Chính phủ vừa đề xuất trình Quốc hội nới trần nợ công thêm 2-3% GDP để có thêm tiền là một động thái đúng đắn khi mà các khoản thu bị ảnh hưởng. Khoản tiền này nên dùng vào những việc trên", PGS. TS. Quách Mạnh Hào đề xuất.

Nhưng kể cả khi được hỗ trợ lãi suất, thì theo Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, DN cũng chưa chắc muốn vay, vì đầu ra còn ách tắc do tác động của dịch bệnh. Điều kiện tiên quyết hiện nay theo nhận định của bà Phượng là tập trung kiểm soát và ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19, từng bước phục hồi nền kinh tế. Có như vậy, DN mới thoát khỏi trạng thái "ngủ đông" và tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên