MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPBank đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2019 với lợi nhuận chỉ 9.500 tỷ

13-04-2019 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, đặc biệt là giai đoạn tăng trưởng theo hướng thẳng đứng từ 2014 đến 2017, VPBank mới lại dè dặt đưa ra con số tăng trưởng một chữ số.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank- VPB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2019, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tại Hà Nội.

Theo đó kết thúc năm 2018, các chỉ tiêu quan trọng gồm lợi nhuận, tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ tín dụng đều tăng trưởng tốt song không đạt kế hoạch do cổ đông giao. Cụ thể, tổng tài sản tăng 16,4% nhưng mới đạt 90% kế hoạch; huy động vốn khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 9,9% đạt 91% kế hoạch; dư nợ cấp tín dụng tăng 17,3% đạt 95% kế hoạch và lợi nhuận tăng 13,1% mới đạt 85% kế hoạch. 

Lý giải của lãnh đạo ngân hàng cho biết nguyên nhân là do một số yếu tố khách quan từ thị trường dẫn đến các kế hoạch dự báo, điều hành khá bị động, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp bị chững lại trong 9 tháng đầu năm; các hoạt động của Fe Credit – công ty con của VPBank cũng gặp khó trong việc việc tạo các nguồn dữ liệu mới.

Trong năm 2018, VPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên gần 25.300 tỷ đồng bằng việc chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, cùng với cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP), song kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho đối tác trong và ngoài nước lại chưa hoàn tất. Lý giải của Hội đồng quản trị cho biết do những diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối quý 2 đến nay đối với cổ phiếu VPB nên HĐQT đã tạm ngừng kế hoạch và chờ cơ hội khác tốt hơn để chào bán với giá tốt hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cổ đông.

Một nội dung nữa được chú ý trong năm 2018 là ngân hàng đã mua xong hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ là nguồn cổ phiếu ưu đãi cổ tức của nhà đầu tư. Kế hoạch ban đầu là sử dụng nguồn này để chia cho cổ đông hiện hữu, hoặc bán ESOP cho cán bộ nhân viên hoặc bán cho nhà đầu tư mới với mức giá cao hơn để thu về thặng dư vốn cổ phần. Tuy nhiên thời điểm hiện nay HĐQT đang cân nhắc phương án dùng một phần cổ phiếu để bán ưu đãi ESOP nhằm bổ sung vốn chủ sở hữu của ngân hàng và không phải phát hành thêm, phần còn lại sẽ có phương án xử lý và trình ĐHCĐ xem xét sau.

Kế hoạch năm 2019, ngân hàng sẽ tăng tổng tài sản thêm 16% lên trên 373.600 tỷ, huy động vốn và tín dụng tăng trưởng 15%, lợi nhuận ở mức 9.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Trong các chỉ tiêu nói trên đáng chú ý mức lợi nhuận đặt ra chỉ tăng có 3% so với 2018 (ngân hàng có lưu ý rằng nếu loại trừ đi khoản thu nhập bất thường từ phí bảo hiểm năm 2018 thì tăng 14%). Như vậy lần đầu tiên sau rất nhiều năm, đặc biệt là giai đoạn tăng trưởng theo hướng thẳng đứng từ 2014 đến 2017, VPBank mới lại dè dặt đưa ra con số tăng trưởng một chữ số này.

Theo lý giải của đại diện VPBank, một trong những lý do khiến ngân hàng đưa ra mục tiêu này là muốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Để mua lại nợ xấu đã bán, VPBank không cách nào khác là phải hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau khi đã trích lập xong thì các năm tới, khi nợ xấu được xử lý dứt điểm, phần dự phòng này sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.

Nhưng lý do quan trọng hơn tác động tới kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng 2019 là viễn cảnh chung của thị trường không được tích cực như những năm trước. Thu nhập lãi, nguồn thu chính chiếm tới 70-80% trong cơ cấu tổng nguồn thu tại đa số các ngân hàng, sẽ khó có thể bứt phá trong năm nay khi giới hạn tăng trưởng tín dụng tiếp tục chỉ được NHNN duy trì ở mức 14%. Việc tín dụng tăng thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến tham vọng tăng trưởng trong năm nay của nhiều ngân hang. Trong bối cảnh đó, tìm động lực cho tăng trưởng kinh doanh năm 2019 sẽ là bài toán khó của các ngân hàng, không chỉ riêng VPBank. 

Ngoài ra, một lý do không được lãnh đạo ngân hàng đề cập trong các báo cáo gửi tới cổ đông, song giới phân tích nhìn nhận, việc các công ty tài chính bị siết chặt hoạt động hơn, bao gồm cả giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như ngân hàng, lẫn dự thảo Thông tư 43 đang lấy ý kiến nếu được ban hành, cũng sẽ tác động rất lớn tới kết quả kinh doanh của các công ty tài chính - mà ở VPBank vẫn là"gà đẻ trứng vàng" suốt mấy năm vừa qua. Năm 2018, Fe Credit đã giảm tỷ trọng đóng góp cho ngân hàng VPBank hợp nhất xuống dưới 50% và đó cũng là 1 trong các lý do khiến lợi nhuận không được như kỳ vọng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên