MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ án tại Agribank Cần Thơ: Thẩm định giá tại 2 giai đoạn

15-05-2018 - 10:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, qua quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì tòa án vẫn có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm đảm bảo cho việc xét xử vụ án được khách quan…

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gây thiệt hại 304 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ), TAND TP Cần Thơ vừa trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề.

Vụ án tại Agribank Cần Thơ: Thẩm định giá tại 2 giai đoạn - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

"Dựng" lên nhiều giám đốc

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (38 tuổi), nguyên giám đốc Công ty Nông thủy sản Tây Nam, trụ sở tại Hậu Giang; Phạm Tường Thi (38 tuổi) và Nguyễn Văn Đạt, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty TNHH Tấn Tiến); Lê Thanh Hải (54 tuổi) và Trần Huy Liệu (46 tuổi), nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Agribank Cần Thơ); Bùi Tuấn Anh, nguyên Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ.

Sáng 15-5, ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ cho biết lý do tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung là vì cần trưng cầu thẩm định giá đối với các tài sản thế chấp trong 2 giai đoạn thế chấp và giai đoạn khởi tố vụ án.

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2013, Nhân thành lập tổng số 7 công ty, doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhiều ngành khác nhau, đồng thời chỉ đạo cho nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Tất cả các công ty trên, tuy có đăng ký vốn điều lệ nhưng thực tế các thành viên không có vốn góp, không có tổ chức bộ máy nhân sự riêng mà hoạt động chung nhóm để chuyển tài sản qua lại, các giám đốc do Nhân dựng lên không có quyền thực tế, toàn bộ hoạt động, quản lý, điều hành do Nhân chỉ đạo, trong đó có việc vay vốn ngân hàng.

Để quản lý các hoạt động trên, Nhân thành lập các ban giúp việc, mỗi ban có trưởng ban nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Nhân rồi chỉ đạo cho các nhân viên thực hiện. Cụ thể, ban kiểm soát do Đạt làm trưởng ban, có nhiệm vụ lập kế hoạch sử dụng tiền vay, kiểm tra theo dõi dòng tiền vay, Lê Thị Kim Cương có nhiệm vụ lập hồ sơ vay, kiểm tra, theo dõi dòng tiền vay, quản lý tài sản thế chấp… 

Từ năm 2006 – 2010, Công ty Đồng Bằng Xanh (do Nhân lập ra) chủ yếu nhận các sản phẩm thủy hải sản từ công ty Cafatex (công ty này do cha ruột của Nhân làm giám đốc) để xuất khẩu nhưng không hiệu quả, luôn báo lỗ lũy tiến qua các năm. Còn Công ty Tây Nam do Nhân làm giám đốc đang thi công dự án sản xuất, chế biến nông sản đến năm 2015 thì dừng thi công vì không còn vốn. Còn lại 5 công ty không có bất kỳ hoạt động nào mà chủ yếu có hoạt động vay, trả lãi vay và luân chuyển vốn qua lại giữa các công ty. Bản thân Nhân không có vốn tự có, các tài sản thế chấp có nguồn gốc từ vay, mượn để hình thành tài sản, rồi dùng chính tài sản này để nâng khống gấp nhiều lần giá trị thực tế để cấu kết với ngân hàng thế chấp số tiền cao hơn. Từ năm 2010 – 2015, tổng số tiền 7 công ty của Nhân vay lên đến 1.500 tỉ đồng, để có tiền trả lãi Nhân lấy từ khoản vay sau để trả cho khoản vay trước.

Để được vay vốn, Nhân đã cấu kết, thông đồng với các Ngân hàng để lập khống hồ sơ, nâng khống giá trị tài sản; mục đích vay ghi trong hồ sơ là để hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản nhưng thực tế Nhân sử dụng số tiền vay được để đầu tư vào bất động sản, đảo nợ, trả lãi ngân hàng…. Đến năm 2016, do sử dụng sai mục đích, không phát sinh lợi nhuận nên các công ty do Nhân lập ra không còn duy trì khả năng hoạt động và trả nợ ngân hàng, trong đó mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam số tiền trên 304 tỉ đồng.

Lợi dụng chính sách ưu đãi

Cơ quan điều tra xác định rõ, thủ đoạn của bị cáo Nhân trong vụ án này là sau khi biết được chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tổn thất sau khi thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cuối năm 2010, Nhân sử dụng pháp nhân Công ty Đồng Bằng Xanh để xin chủ trương đầu tư xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh và xây dựng bãi bốc hàng hóa tại cụm công nghiệp của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, do công ty Đồng Bằng Xanh có trụ sở đặt tại Cần Thơ nên không được hưởng chính sách ưu đãi nên Nhân chuyển sang Công ty Tân Tiến (cũng do Nhân lập ra) do Nguyễn Văn Thơ làm giám đốc để tiếp cận chính sách.

Nhân chủ động gặp Liệu (lúc này Trưởng phòng tín dụng Agribank Cần Thơ) để xin vay vốn nhằm hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ. Liệu đồng ý và hướng dẫn Nhân phải lập công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, Liệu đã báo cáo cho Lê Thanh Hải (Giám đốc Agribank Cần Thơ) để cùng trao đổi, thống nhất cách thực hiện. Tháng 3-2011, Nhân thành lập Công ty Tây Nam và lập dự án "Cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam" tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng, trong đó vốn tự có là 200 tỉ đồng, vốn vay Agribank Cần Thơ là 289 tỉ đồng (theo Quyết định 63/2010), vay Ngân hàng BIDV chi nhánh Vị Thanh 200 tỉ đồng.

Để được vay số tiền lớn và hưởng ưu đãi 100% lãi suất, Nhân đã đề nghị công ty cung cấp máy móc, thiết bị nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần. Trong khi chờ hội sở phê duyệt cho vay, Nhân báo với Liệu và Hải là sẽ đăng ký mua siêu thị Citimart ở Cần Thơ để bán lại kiếm lời và bàn với Hải, Liệu trước mắt sẽ lấy tiền vay từ ngân hàng BIDV chi nhánh Vị Thanh và mượn tiền của mẹ ruột, khi nào Agribank Cần Thơ giải ngân thì sẽ trả lại. Nhân hứa, sau khi bán được siêu thị Citimart sẽ cho Hải một miếng đất và Liệu một số tiền thì được cả 2 đồng ý.

Để sử dụng số tiền vay sai mục đích, tránh bị phát hiện, Nhân, Hải, Liệu bàn bạc để Công ty Tân Tiến (công ty của Nhân lập ra) làm đơn vị tổng thầu thực hiện dự án cho Công ty Tây Nam để Agribank Cần Thơ chuyển tiền cho Công ty Tân Tiến để Nhân toàn quyền sử dụng nguồn tiền. Sau đó, Nhân tiếp tục chỉ đạo cho Thơ đại diện Công ty Tân Tiến ký hợp đồng thi công, xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị với Công ty Tây Nam.

Để chứng minh vốn tự có là 200 tỉ đồng đầu tư dự án cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam như cam kết, Nhân dùng các khoản vay của các ngân hàng khác nộp tạm vào Công ty Tây Nam để có chứng từ góp vốn cung cấp cho ngân hàng. Sau khi đấu giá siêu thị Citimart với giá 104 tỉ đồng, Nhân nhờ Công ty Hoàng Quân thẩm định siêu thị Citimart với giá lên tới gần 370 tỉ đồng và thế chấp tài sản trên cho ngân hàng Agribank Cần Thơ để được vay 289 tỉ đồng. Từ tháng 1-2012 đến tháng 4-2013, Agribank Cần Thơ đã giải ngân 11 lần cho Công ty Tây Nam chuyển vào tài khoản của Công ty Tân Tiến với số tiền 258 tỉ đồng, sau đó Nhân chỉ đạo rút, nộp và chuyển qua nhiều tài khoản của các công ty do Nhân lập ra để làm mất dấu dòng tiền, số tiền có được Nhân dùng trả nợ, mua đất, tiêu xài cá nhân…chứ không đầu tư như đã cam kết.

Theo luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng cuối cùng và cũng là nơi quan trọng nhất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bởi vì tòa án sẽ quyết định người bị truy tố phạm tội và phải chịu khung hình phạt nào theo quy định của pháp luật hoặc tuyên bố người bị truy tố không phạm tội. Trên thực tế, qua quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì tòa án vẫn có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều lý do khác nhau như: Thiếu chứng cứ chứng minh quan trọng, có người đồng phạm khác hay vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… Bên cạnh đó, việc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 245 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Do đó, việc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là nhằm đảm bảo cho việc xét xử các vụ án hình sự khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.


Theo Kỳ Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên