MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ buôn lậu BMW: Lộ thêm nhiều sai phạm lớn

02-04-2019 - 10:38 AM | Thị trường

Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc Euro Auto cùng các bị can đã làm giả hồ sơ thông quan 91 xe ô tô hiệu BMW. VKSND Tối cao cũng đang yêu cầu Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra nhiều sai phạm khác như giả giấy tờ 133 xe ô tô BMW năm 2016; xuất bán 23 xe ô tô khi chưa có quyết định thông quan; nhập khẩu 81 xe ô tô BMW trong năm 2011-2012 thông qua Công ty AAF (Hồng Kông)...

Thay đổi đăng ký kinh doanh 16 lần

Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các đối tượng trong đường dây buôn lậu hàng trăm xe BMW xảy ra tại Công ty Cổ phần Ô tô Âu Châu (Euro Auto, trụ sở ở TP.HCM).

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, đối tượng chính trong vụ án được truy tố là Nguyễn Đăng Thảo (SN 1974, quê Thừa Thiên Huế), nguyên Tổng giám đốc Euro Auto . Doanh nghiệp này từng là đơn vị phân phối xe BMW chính hãng tại Việt Nam.

Đồng phạm với Đăng Thảo là Trần Hải Đăng (sinh năm 1974, quê Nam Định), Phó giám đốc Công ty TNHH TM giao nhận Việt Á; Nguyễn Thị Minh Yến (sinh năm 1982, quê Đồng Nai), nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Euro Auto.

Các bị can Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng, Nguyễn Thị Minh Yến bị truy tố về tội “Buôn lậu” quy định tại điểm a, b, Khoản 4, Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Viện KSND Tối cao đã chuyển cáo trạng, phân công Viện kiểm sát nhân dân TPHCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.

Theo cáo trạng, Euro Auto tiền thân là Công ty cổ phần ô tô Tín Đại, được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 29/11/2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp. Ngày 15/11/2013, Tập đoàn Sime Dardy Malaysia mua lại và sở hữu 99% vốn điều lệ Euro Auto, thông qua 2 công ty con là: Công ty Aurope Automobiles Coporation Holding, Singapore và Công ty Sime Singapore Limited, và bà Chu Đặng Ngọc Trinh sở hữu 1% vốn điều lệ.

Trong quá trình hoạt động, Euro Auto đã nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, và ngày 30/12/2015, công ty này thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ... 16, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc. Công ty này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là NK, phân phối bán buôn, bán lẻ, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các loại xe ô tô, mô tô do công ty được phép thực hiện phân phối.

Từ ngày 1/7/2007, Công ty Âu Châu ký hợp đồng làm nhà NK với Công ty BMW AG của Đức để làm đại lý chính thức NK và phân phối xe ô tô hiệu BMW, Mini Cooper và Moto rad tại thị trường Việt Nam. Công ty Âu Châu và Công ty BMW AG thống nhất, hai bên ký hợp đồng mua bán đối với từng lô hàng; Công ty BMW AG chuyển cho Công ty Âu Châu theo đường bưu điện 3 loại chứng từ bản chính gồm: Hợp đồng mua bán xe ô tô có chữ ký trực tiếp của đại diện Công ty BMW AG; Invoice (hóa đơn) và Bill of Lading (vận tải đơn), trong đó Invoice do Công ty BMW AG phát hành chỉ có tên người được ủy quyền ký Invoice, nhưng không có chữ ký.

Từ năm 2007 đến tháng 12/2016, Công ty Âu Châu đã ký 473 hợp đồng NK 9.353 xe tô tô BMW, Mini Cooper và Moto rad (trong đó nhập khẩu 9.028 ô tô các loại và 325 xe mô tô), trị giá 5.484 tỷ đồng (số làm tròn). Để tiến hành làm thủ tục NK xe ô tô BMW, ngày 18/6/2007, Công ty Âu Châu và Công ty TNHH giao nhận dịch vụ Việt Á ký hợp đồng dịch vụ giao nhận theo thỏa thuận: Công ty Việt Á làm dịch vụ khai báo hải quan, thông quan và giao nhận hàng hóa cho công ty Âu Châu. Công ty Việt Á giao cho Trần Hải Đăng (sinh năm 1974, quê Nam Định), Phó giám đốc trực tiếp làm thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa cho Công ty Âu Châu theo hợp đồng đã ký.

Vụ buôn lậu BMW: Lộ thêm nhiều sai phạm lớn - Ảnh 1.

Chi phí lưu kho bãi của lô xe này đã lên tới hàng tỷ đồng

Mở rộng điều tra nhiều lô xe khác

Theo cáo trạng, từ tháng 5 đến tháng 6/2013, lợi dụng việc nhập khẩu xe ô tô hiệu BMW từ Đức về bán tại thị trường Việt Nam, với mục đích giảm thuế nhập khẩu và thông quan lô hàng theo 9 hợp đồng mua bán được ký kết với Công ty BMW AG, Nguyễn Đăng Thảo cùng Nguyễn Thị Minh Yến đã lập lại các hợp đồng mua bán, điều chỉnh giảm giá 91 xe ô tô, hoàn thiện hồ sơ khai báo hải quan.

Để thực hiện được hành vi này, Nguyễn Đăng Thảo, Nguyễn Thị Minh Yến cấu kết với Trần Hải Đăng làm giả 91 hồ sơ của Công ty BMW AG có giá trị thấp hơn giá trên Invoice do Công ty BMW AG phát hành với tổng số tiền là 129.259EUR, để tiến hành làm thủ tục thông quan 91 xe ô tô hiệu BMW có tổng trị giá 2.163.692 EUR (tương đương 60,027 tỷ đồng).

Với thủ đoạn này, các bị can đã làm lợi bất chính cho Công ty Âu Châu hơn 6,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số thuế hơn 6,4 tỷ đồng.

Trong đó, Nguyễn Đăng Thảo đại diện Công ty Âu Châu trực tiếp ký các chứng từ, tài liệu giả hoàn thiện thủ tục nhập khẩu 91 xe trên có vai trò chính trong vụ án; Trần Hải Đăng trực tiếp làm giả Invoice có trị giá thấp hơn, trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu 91 xe ô tô. Nguyễn Thị Minh Yến là người có trách nhiệm đặt hàng, nhận bộ chứng từ mua bán, biết rõ và đã thống nhất với Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng trong việc làm giả hợp đồng, Invoice (hóa đơn) và các tài liệu trong bộ hồ sơ nhập khẩu nên có vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, đối với 91 xe ô tô trên được nhập khẩu, thông quan bằng thủ đoạn làm giả bộ hồ sơ và giảm giá trị trên hợp đồng, Invoice được xác định là hàng hóa buôn lậu. Hiện Công ty Âu Châu đã tiêu thụ hết, các khách hàng khi mua xe ô tô của Công ty này đều ký kết hợp đồng mua bán và không biết Công ty Âu Châu sử dụng chứng từ giả để nhập khẩu nên không thu hồi các xe ô tô đã tiêu thụ. Do vậy, Công ty Âu Châu phải chịu trách nhiệm về giá trị số xe buôn lậu đã tiêu thụ.

Đối với hành vi NK 133 xe ô tô BMW năm 2016; hành vi xuất bán 23 xe ô tô khi chưa có quyết định thông quan; nhập khẩu 81 xe ô tô BMW trong năm 2011-2012 thông qua Công ty AAF, Hồng Kông; Công ty Âu Châu sử dụng các Invoice do Trần Hải Đăng làm giả để nhập khẩu xe ô tô từ 2007 đến nay, Viện KSND tối cao đã ban hành văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra Bộ Công an khẩn trương kết luận theo đúng quy định của pháp luật.

Theo một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, vụ việc này rất phức tạp nên khả năng sẽ bị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 29/11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu ô tô xảy ra tại Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu. Tuy nhiên, qua xét hỏi các bị cáo, HĐXX nhận thấy còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.


Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

Trở lên trên