MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ chủ thẻ VIB mất 1.526 USD còn bị phạt 88 triệu: Ngân hàng chưa thu được đồng nào

17-08-2016 - 14:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng cho biết, những giao dịch này thực tế là giao dịch treo, khách hàng chưa thanh toán cho VIB. Chiều nay, 17/8, đại diện ngân hàng cùng khách hàng sẽ có buổi gặp mặt nhằm trao đổi, giải quyết triệt để các phát sinh vướng mắc.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, vụ việc chủ thẻ VIB cho biết bị mất hơn 1.526 USD, còn bị phạt lãi tổng cộng 88 triệu đồng, thực tế ngân hàng chưa thu đồng nào của khách.

Trong chiều nay, 17/8, đại diện ngân hàng cùng khách hàng sẽ có buổi gặp mặt nhằm trao đổi, giải quyết triệt để các phát sinh vướng mắc.

Theo VIB, khách hàng Phan Diệu Chương là chủ thẻ Master Card VIB và thẻ này có thêm thẻ phụ do con của ông Chương ở nước ngoài sở hữu. Vào ngày 9/10/2014, có ba giao dịch phát sinh trong thẻ của ông Phan Diệu Chương. Đến ngày 19/11/2014, ngân hàng thông báo kết quả tra soát qua email của khách hàng, với kết luận “theo quy định trong tra soát của Master Card thì các giao dịch này không được hoàn trả cho khách hàng”.

Tuy nhiên, ông Chương không đồng ý, nên để đi đến thống nhất chung trong việc giải quyết vụ việc, ngân hàng và khách đã có nhiều cuộc trao đổi, chia sẻ trách nhiệm. Đến tháng 12/2015, vụ việc vẫn không thể thống nhất, khách hàng cũng không thanh toán các giao dịch nói trên.

Sau buổi làm việc với VIB ngày 3/12/2015 thì khách hàng đồng ý thanh toán 50% tổng giá trị đang trong quá trình tra soát, thời gian thanh toán dự kiến vào tháng 12/2015. Phần còn lại ngân hàng sẽ hỗ trợ.

Trường hợp khách hàng không thanh toán khoản nợ nêu trên thì VIB sẽ hủy phương án hỗ trợ 50% từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, từ thời gian đó đến nay thì khách hàng vẫn chưa thanh toán 50% này.

"Khách chưa thanh toán thì hệ thống kỹ thuật vẫn phải tự động ghi đầy đủ nợ gốc và lãi của giao dịch này, do vậy mới phát sinh con số trên. Nhưng khách hàng vẫn được ngân hàng thông báo nhiều lần qua điện thoại về trách nhiệm để thanh toán 50% nói trên", phía VIB nói.

Trước đó, theo thông tin từ ông Phan Diệu Chương (Hà Nội), sau khi được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mời mở thẻ tín dụng VIB, ông đã mở thẻ visa mang tên ông (thẻ chính) và một thẻ phụ mang tên con gái ông là chị Phan Lê Hằng Giang với mục đích chu cấp tiền cho con gái ông trong quá trình du học tại Mỹ. Nhưng khi thẻ bị mất tiền, ngân hàng không những bỏ mặc khách hàng phải chịu thiệt hại, mà còn đòi truy đến cùng tiền gốc và lãi phát sinh.

Cụ thể, phía VIB cho biết ngày 09/10/2014 chủ thẻ phụ (Phan Lê Hằng Giang) đã thực hiện 3 giao dịch mua hàng cùng lúc với tổng giá trị là 1.526,14 USD. Tuy nhiên, khi ngân hàng trưng ra bằng chứng cho việc người mua hàng ký xác nhận giao dịch, cả hai cha con ông Chương đều khẳng định đó là chữ ký giả, và tài khoản phụ đã bị hack. Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra chữ ký mẫu in trên thẻ và chữ ký của người mua hàng khác nhau hoàn toàn.

Bản thân chị Phan Lê Hằng Giang cũng khẳng định mình chưa từng làm mất, cũng như chưa từng cho ai mượn thẻ. Thời điểm giao dịch diễn ra cũng là 1h sáng (giờ địa phương), đó là thời điểm chị Giang đang ở trong ký túc xá và không thể ra ngoài. Hơn nữa, địa điểm diễn ra giao dịch kể trên cũng cách xa ký túc xá khoảng 150 km.

Tại buổi làm việc giữa ông Phan Diệu Chương và đại diện của VIB diễn ra ngày 16/12/2015, theo tính toán của bà Lê Việt Thu, Trưởng phòng tín dụng VIB, cộng cả số tiền 1.526,14 USD và tiền lãi phát sinh, ông Phan Diệu Chương cần phải trả cho VIB số tiền xấp xỉ 48 triệu đồng. Và đến thời điểm này, VIB thông báo dư nợ cả gốc lẫn lãi từ giao dịch này lên đến gần 100 triệu đồng!

Ông Chương cho rằng, việc ngân hàng giải quyết như vậy là không thể chấp nhận được khi cả chủ thẻ chính và phụ đều không hề chi tiêu. Ông cho rằng: "Thẻ này là thẻ tín chấp, tôi dùng uy tín của tôi, do VIB mời mở thẻ. Với cách giải quyết như vậy có nghĩa là ngân hàng đã đẩy rủi ro về phía khách hàng và không có trách nhiệm trong việc giải quyết rủi ro đó. Do vậy tôi không chấp nhận phải thanh toán số tiền cả gốc và lãi phát sinh".

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên