MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Huyền Như: Chờ tòa tuyên ai bồi thường

30-05-2018 - 09:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo chủ tọa phiên tòa, HĐXX sẽ tuyên án vào 10 giờ sáng 30-5.

Chiều 29-5, phiên xử phúc thẩm vụ chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của năm công ty do Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm thực hiện bước vào phần nghị án.

Nói lời sau cùng, dù Huyền Như không kháng cáo nhưng do có liên quan đến kháng cáo của các nguyên đơn dân sự nên chủ tọa phiên tòa cho Huyền Như có ý kiến. Huyền Như mong kết thúc vụ án đã kéo dài qua nhiều năm này. Theo Huyền Như, tội danh của mình đã được xác định từ đầu là đúng. Huyền Như thừa nhận hành vi phạm tội và biết lỗi nên sẵn sàng đem cả gia sản đã bị kê biên, tịch thu để bồi thường cho các bị hại. Huyền Như cũng khẳng định nếu không có mối quan hệ với các công ty bị hại từ trước, dùng tiền cá nhân trả lãi suất thì các công ty này đã không đem tiền gửi vào VietinBank...

Trước đó, các nguyên đơn dân sự kháng cáo cho rằng người phải bồi thường là VietinBank chứ không phải Huyền Như. Trong vụ án này, Huyền Như không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà là tội tham ô tài sản.

Vụ Huyền Như: Chờ tòa tuyên ai bồi thường - Ảnh 1.

Hai bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN

Tuy nhiên, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm là cần y án sơ thẩm, bác các kháng cáo, không có cơ sở xác định Huyền Như phạm tội tham ô. Theo đại diện VKS, ngay từ đầu Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền của các công ty. Để lừa đảo chiếm đoạt tiền, Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối...

Về kháng cáo của bốn công ty yêu cầu VietinBank bồi thường, đại diện VKS lập luận rằng số tiền Huyền Như chiếm đoạt và trả lãi suất cho bốn công ty là thỏa thuận ngầm với Huyền Như để hưởng lãi cao. VietinBank không biết thỏa thuận ngầm về lãi suất vượt trần của bốn công ty và Huyền Như nên VietinBank không có lỗi đối với các giao dịch này. Vì thế, VietinBank không có trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, luật sư (LS) của các nguyên đơn dân sự không đồng tình, cho rằng VietinBank phải có trách nhiệm quản lý số tiền khách hàng đã chuyển vào tài khoản mở tại VietinBank. Huyền Như đã lợi dụng quan hệ của mình với VietinBank, lợi dụng sơ hở của VietinBank để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Các LS lập luận qua nhiệm vụ được giao, Huyền Như đã sử dụng quyền để tự chuyển tiền trên hệ thống. “Lỗi do ai? Chính là do sơ hở và cơ chế điều hành của VietinBank làm Huyền Như thực hiện được việc chiếm đoạt” - một LS nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Toàn Cầu (một trong bốn nguyên đơn dân sự kháng cáo) phân tích số tiền công ty chuyển vào tài khoản của công ty mở tại VietinBank là hợp pháp. Công ty không giao dịch với cá nhân Huyền Như mà giao dịch với VietinBank, khi Huyền Như chuyển tiền là làm việc chức trách của cán bộ VietinBank. “Ngoài trách nhiệm của chủ tài khoản còn có trách nhiệm của ngân hàng. Các quy định, văn bản ban hành đã không được cán bộ VietinBank thực hiện đầy đủ. Lỗi hoàn toàn là của VietinBank” - đại diện công ty khẳng định.

Theo thông báo của chủ tọa, HĐXX sẽ nghị án và tuyên án vào 10 giờ sáng 30-5.

Tài sản của Huyền Như chỉ còn hơn 229 tỉ đồng

Tính cả giai đoạn 1 của vụ án, Huyền Như và đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỉ đồng của ba ngân hàng, chín công ty và ba cá nhân, trong đó trách nhiệm bồi thường chủ yếu thuộc về Huyền Như. Tuy nhiên, giá trị tài sản bị kê biên của Huyền Như chỉ là hơn 229 tỉ đồng. Như vậy, dù Huyền Như có sẵn sàng "đem cả gia sản đã bị kê biên, tịch thu để bồi thường" thì các bị hại cũng không được bao nhiêu.


Theo Hoàng Yến

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên