MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ "thụt két" 114 tỉ đồng: Người vay trả hết tiền nhưng vẫn bị tính lãi!

25-04-2019 - 11:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Dù người dân đã đóng hết tiền cho nhân viên ngân hàng nhưng vẫn bị ngân hàng tính lãi quá hạn và giữ tài sản thế chấp nhiều năm qua.

Ngày 25-4, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 20 bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) về các hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ thụt két 114 tỉ đồng: Người vay trả hết tiền nhưng vẫn bị tính lãi! - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Theo cáo trạng, Chu Ngọc Hải (SN 1984, nguyên cán bộ tín dụng Agribank Krông Bông) biết được quy trình thực hiện tại các bộ phận không đúng với quy định của Agribank và lãnh đạo kiểm tra, kiểm soát lỏng lẻo nên nảy sinh ý định lập khống hồ sơ khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền. Từ ngày 6-4-2015 đến 20-2-2017, ông Hải đã lập khống 562 bộ hồ sơ khách hàng vay vốn, chiếm đoạt hơn 111 tỉ đồng của ngân hàng và hơn 3,2 tỉ đồng của 81 khách hàng. Số tiền này, bị cáo Hải dùng để cá độ bóng đá, tiền mua vật phẩm chơi game và phục vụ ăn chơi...

Tại phiên tòa, bị cáo Ngô Quốc Vinh (nguyên giám đốc Agribank Krông Bông) khai nhận ngày 24-2-2017, ông Vinh phát hiện việc ông Hải lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, do chỉ phát hiện 2 bộ hồ sơ nên ông Vinh không báo cáo sự việc với cấp có thẩm quyền để đình chỉ công tác của Hải, mà vẫn để cho Hải tiếp tục công tác để khắc phục hậu quả. Ông Hải lợi dụng việc này chiếm đoạt 3,2 tỉ đồng của 81 khách hàng vay vốn khi khách hàng đến ngân hàng đóng tiền lãi và tiền gốc.

Vụ thụt két 114 tỉ đồng: Người vay trả hết tiền nhưng vẫn bị tính lãi! - Ảnh 2.

Buông lỏng quản lý, chỉ đạo cho vay sai quy trình của ông Ngô Quốc Vinh (phải) tạo điều kiện cho ông Chu Ngọc Hải chiếm đoạt số tiền lớn trong thời gian dài

Liên quan đến số tiền này, các bị hại cho rằng mình đã đóng hết hoặc đóng một phần tiền vay cho Hải và được xác nhận nên đề nghị ngân hàng sớm trả lại sổ đỏ đã thế chấp hoặc chấp nhận số tiền đã đóng. Việc ngân hàng chậm trả lại sổ và còn tính lãi suất quá hạn là đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho người dân.

Ông Trần Quốc Huy cho biết ngày 15-4-2015, ông vay của Agribank Krông Bông 220 triệu đồng và thế chấp 3 sổ đỏ. Ngày 8-5-29017, ông lên trụ sở ngân hàng và trả đủ số tiền gốc và lãi, việc ông Hải nhận rồi chiếm đoạt là lỗi của ngân hàng nên yêu cầu ngân hàng tất toán và trả lại sổ đỏ cho gia đình.

Còn theo một khách hàng khác, ông Hải nói trả trước hạn số tiền vay 300 triệu đồng sẽ cho vay lại khoản tiền lớn hơn để làm ăn. Nghe vậy, gia đình ông đã đi vay "nóng", lãi suất cao về nộp cho ông Hải để xin đáo hạn nhưng 2 năm qua vẫn chưa được ngân hàng cho vay hay trả lại 3 sổ đỏ. Không có tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng về trả khoản vay nóng nên lãi mẹ đẻ lãi con, giờ nợ nần chồng chất, gia đình ông rơi vào cảnh khốn đốn.

Vụ thụt két 114 tỉ đồng: Người vay trả hết tiền nhưng vẫn bị tính lãi! - Ảnh 3.

Đại diện ngân hàng trả lời các câu hỏi của HĐXX

Trong khi đó, đại diện ngân hàng đại diện Agribank Krông Bông cho rằng theo quy định cán bộ tín dụng không được thu tiền, đây là số tiền mà cá nhân Hải đã lừa đảo chiếm đoạt của người dân, đề nghị HĐXX xem xét để đảm bảo quyền lợi ngân hàng. Đối với số tiền bị cáo Hải dùng để cá độ, đề nghị HĐXX xem xét để thu hồi tài sản cho nhà nước.

Trước câu trả lời này, vị thẩm phán trong HĐXX bức xúc cho rằng ngân hàng làm sai chứ người dân không sai, người dân không vi phạm nghĩa vụ mà ngân hàng "đè cổ" người ta tính lãi quá hạn. "Ngân hàng quản lý lỏng lẻo thì ngân hàng chịu trách nhiệm" - vị thẩm phán cho hay.

Vụ thụt két 114 tỉ đồng: Người vay trả hết tiền nhưng vẫn bị tính lãi! - Ảnh 4.

Chu Ngọc Hải chiếm đoạt hơn 114 tỉ đồng của ngân hàng để cá độ, chơi game nên không thu hồi được

Về vấn đề trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Agribank Krông Bông, đại điện Agribank Đắk Lắk cho biết ngày 1-11-2016, Agribank Đắk Lắk thành lập đoàn kiểm tra toàn diện Agribank Krông Bông (thời điểm này Chu Ngọc Hải đã lập khống hơn 470 bộ hồ sơ trong tổng số 562 bộ hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền -PV) nhưng không phát hiện ra việc. "Quá trình kiểm tra ngẫu nhiên 200 bộ hồ sơ vay vốn tại Agribank Krông Bông nhưng không trúng bộ hồ sơ giả nào" – vị đại diện nói.

Còn theo cáo trạng, từ năm 2014 đến tháng 10-2016, Agribank Đắk Lắk không kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Agribank Krông Bông. Việc ngày 1-11-2016, Agribank Đắk Lắk thành lập đoàn kiểm tra toàn diện nhưng không phát hiện ra, quá trình điều tra chưa đủ cơ sở xử lý đối với Ban giám đốc và các cán bộ thuộc các bộ phận chức năng của Agribank Đắk Lắk về hành vi thiếu trách nhiệm nên tách hành vi ra khỏi vụ án để tiếp tục điều tra xử lý.

Hiện phiên tòa đang tiếp tục phần tranh luận.

Mật khẩu… xài chung

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo khai nhận thẻ bảo mật được cắm sẵn vào máy tính, còn mật khẩu quản lý của từng cá nhân được ghi ra giấy để trên bàn. Từ đó, ông Hải lợi dụng thực hiện đăng nhập vào hệ thống để phê duyệt đơn xin vay vốn của khách hàng nhằm hợp thức các hồ sơ, chứng từ vay tiền và thông tin khách hàng lập khống.

Đối với hồ sơ vay vốn và chứng từ giải ngân, ông Hải lập khống giấy đề nghị vay vốn, hồ sơ của một khách hàng bất kỳ và ký giả chữ ký của khách hàng. Sau đó, ông Hải tập hợp tờ trình thế chấp/cầm cố tài sản đảm bảo, giấy lĩnh tiền vay, chứng từ giao dịch thế chấp và chuyển cho giao dịch viên kế toán cả chứng từ giả lẫn thật để giải ngân khống. Đến cuối ngày các bộ phận mới ký hợp thức hóa chứng từ để hoàn thiện hồ sơ…

Theo Cao Nguyên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên