MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vựa heo lớn nhất miền Trung hút hàng

11-10-2019 - 11:43 AM | Thị trường

Khoảng chục ngày qua, giá heo hơi tại huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung, tăng “chóng mặt”, khiến người nuôi mừng không tả xiết.

Sức tiêu thụ mạnh đến mức Hoài Ân có bao nhiêu heo đến tuổi xuất chuồng là thương lái “hốt sạch”.

Lãi 2 triệu đồng/tạ

Trong bối cảnh giá heo đang tăng vừa nhanh vừa mạnh như hiện nay, có lẽ không ai vui bằng ông Nguyễn Hải Đảo, chủ trang trại nuôi heo quy mô lớn ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân). Qua cơn “bão dịch” mà trang trại 3.000 con heo của ông vẫn “bình chân như vại”, và giờ ông có quyền cười tươi khi giá heo đang cao ngất.

“Giá heo tăng liên tục trong 10 ngày gần đây. Nếu vào đầu tháng 10 giá heo siêu nạc ở Hoài Ân chỉ có 40.000 - 41.000 đồng/kg hơi và heo thường chỉ 35.000 đồng/kg thì nay giá heo siêu nạc đã tăng đến 55.000 đồng, heo thường cũng tăng lên 45.000 đồng. Có những ngày giá heo tăng đến 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Với giá heo hiện nay, khi xuất 1 tạ heo người nuôi cầm chắc có lãi 2 triệu đồng. Giá heo tăng vọt, thị trường tiêu thụ thì khan hàng, thương lái đang nườm nượp thu mua chuyển ra Bắc, khiến người nuôi hoang mang, nhiều hộ chăn nuôi có heo đã đến lứa xuất chuồng nhưng vẫn không bán, đợi giá tăng thêm. Tình hình này khiến tất cả các chợ đều đang “đói” thịt heo”, ông Nguyễn Hải Đảo cho biết.

Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ lò mổ ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), người chuyên cung cấp thịt heo mê cho những người bán lẻ tại các chợ trên địa bàn, cho biết: “10 ngày gần đây tất cả các chợ trên địa bàn đều “đói” thịt heo, bạn hàng gọi điện reo réo mà không có thịt để bỏ, chồng tôi đi lùng mua heo mãi không có.

Hiện giá thịt heo tại các chợ đã tăng cao, nếu trước đây giá thịt ba chỉ chỉ có 70.000 đồng/kg thì này tăng đến 95.000 đồng, thịt đùi trước đây 60.000 đồng/kg thì nay lên 85.000 đồng, thịt vai trước đây 50.000 đồng/kg thì nay đã 80.000 đồng”.

Biên độ chênh lệch của giá heo giữa miền Nam và miền Bắc không còn nhiều như trước đây, do đó thương lái đang tập trung thu mua heo ở miền Trung, chủ yếu là ở tỉnh Bình Định, nơi có tổng đàn heo hơn 800.000 con, cung ứng cho thị trường miền Bắc để có lãi nhiều hơn.

 Vựa heo lớn nhất miền Trung hút hàng - Ảnh 1.

Mỗi ngày huyện Hoài Ân xuất bán 1.300 con heo thịt.


Trước đây, heo của Bình Định chủ yếu được tiêu thụ tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, mà các thị trường này chỉ tiêu thụ heo có trọng lượng từ 90 kg/con trở xuống, heo trên 100 kg/con thì chê. Nhưng nay heo Bình Định được tiêu thụ mạnh tại thị trường miền Bắc nên kích cỡ heo phải trên 100 kg/con người tiêu dùng mới ưa chuộng.

Ông Nguyễn Hải Đảo giải thích nguyên nhân: “Thị hiếu của người tiêu dùng ở miền Bắc là con heo phải to, mổ ra mê thịt phải thật lớn thì bán mới chạy. Còn heo nhỏ, mổ ra mê thịt hẹp, chân giò nhỏ, họ cho đó là heo bệnh, không phát triển, nên không ăn.

Do đó, khi thu mua heo, thương lái thường chọn những con heo thật to để sau khi hao hụt trên đường vận chuyển vẫn còn cân được trên 100 kg/con. Nuôi heo trên 100 kg/con thì người nuôi có lãi nhiều hơn, bởi heo có trọng lượng càng lớn ăn càng ít nhưng phát triển nhanh”.

Vẫn khống chế phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ

Sau nhiều tháng bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành, tính đến cuối tháng 9, dịch đã xảy ra ở 2.400 hộ chăn nuôi tại 347 thôn, khu vực của 84 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Bình Định, gây thiệt hại ước khoảng 72 tỷ đồng.

 Vựa heo lớn nhất miền Trung hút hàng - Ảnh 2.

Hiện các chợ ở Bình Định đều lâm cảnh “đói” thịt heo.



Ngoài số heo bị dịch phải tiêu hủy, những con heo vượt qua “bão dịch” thì được thương lái “hốt” sạch trong mấy ngày qua, nên hiện đàn heo ở Bình Định đã giảm mạnh.

Mỗi ngày xuất bán 1.300 con heo thịt

"Trong thời gian DTLCP hoành hành trên địa bàn, nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống nên đàn heo ở huyện Hoài Ân vẫn được bảo toàn, hiện tổng đàn heo trên địa bàn có khoảng 252.000 con heo. Thời gian gần đây, heo tiêu thụ mạnh, mỗi ngày huyện Hoài Ân xuất đi khoảng 1.300 con heo thịt", ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết.

Thêm vào đó, giá heo hiện nay đang đạt đỉnh và sắp tới là nhu cầu tiêu thụ của thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ còn tăng rất cao, nên người chăn nuôi đang rất nóng ruột tái đàn.

Tuy nhiên, quan điểm của ngành chức năng ở Bình Định là vẫn khống chế việc tái đàn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, hiện DTLCP đang có chiều hướng quay trở lại.

“Mầm dịch vẫn còn trong môi trường, trong khi mình chưa có vacxin phòng bệnh nên dịch còn nguy cơ tái phát. Nếu tái đàn ào ạt theo kiểu chụp giựt, môi trường chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học thì người chăn nuôi cầm chắc sẽ thua to”, ông Quốc bộc bạch.

Hiện nay Bình Định đang nỗ lực khống chế các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ tái đàn; chỉ những trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học mới cho tái đàn, ưu tiên cho những trại lạnh có khả năng ngăn chặn mầm bệnh tốt.

Những trang trại chưa đủ điều kiện đầu tư chuồng lạnh thì ít nhất phải là trại kín, chuồng nuôi được vây lưới mùng và cách xa khu dân cư, quản lý được an toàn sinh học mới cho tái đàn. Trang trại nào hiện đã bán hết heo, muốn tái đàn phải được xác nhận đảm bảo an toàn sinh học thì ngành chức năng mới cho phép thả nuôi lứa mới.

“Ngành chức năng ở Bình Định đang quản lý chặt lượng heo giống nhập vào địa bàn. Heo giống phải đảm bảo an toàn, có xác nhận của chính quyền địa phương và có sự giám sát của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị. Đối với heo giống của các trại giống lớn phải đăng ký với ngành chức năng của tỉnh trước 1 tuần. Sau đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ cử cán bộ đi kiểm tra xem trại giống đó đủ điều kiện chăn nuôi an toàn hay không mới cấp giấy phép cho nhập vào tỉnh”, ông Quốc chia sẻ.

Mỗi tháng chi 100 triệu mới giữ được đàn heo 3.000 con

Sở dĩ đàn heo 3.000 con của tôi vượt qua được "bão dịch" là nhờ tôi tăng cường tối đa các biện pháp phòng dịch.

Nếu như trước đây mỗi tháng tôi chỉ tốn cho trang trại heo của mình 10 triệu tiền mua thuốc sát trùng và tiền vôi thì hiện tôi phải chi đến 100 triệu đồng.

Riêng khoản thuốc sát trùng đặc chủng có giá 200.000 đồng/lít mỗi ngày, tôi dùng đến hơn 10 lít, thuốc sát trùng loại thường giá 70.000 - 80.000 đồng/lít mỗi ngày thì tôi dùng vài chục lít.

Bên cạnh đó, mỗi tháng trang trại heo của tôi phải mất đến 10 tấn vôi để sát trùng, tốn thêm 35 triệu đồng nữa.

Ông Nguyễn Hải Đảo

Theo Vũ Đình Thung

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên