MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vựa lúa gạo của cả nước chờ được ‘giải cứu’

20-02-2019 - 10:38 AM | Thị trường

Lúa của nông dân miền Tây đang chín rục ngoài đồng nhưng tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Chiều 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp xử lý tình hình lúa gạo ở ĐBSCL đang tuột dốc, khó tiêu thụ.

“Tình hình căng quá!”

Mới đầu năm 2019, giá lúa tại ĐBSCL liên tục giảm mạnh. Tại nhiều địa phương, giá lúa hiện giảm tới 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 1-2019 khiến người dân thấp thỏm lo âu.

Cụ thể, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp được thương lái mua tại ruộng với giá chỉ còn 4.200-4.300 đồng/kg, giảm 1.100-1.200 đồng/kg so với cùng kỳ; lúa Đài Thơm 8 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng giảm xuống mức giá chỉ còn 4.600-4.700 đồng/kg so với mức giá 5.600-5.700 đồng/kg của cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết giá lúa vẫn chưa có dấu hiệu nhích lên. Nguyên nhân của tình trạng này là các công ty chưa tìm được đầu ra; một số công ty thiếu vốn trong khi ngân hàng lại không dám cho vay vì giá lúa thấp, sợ doanh nghiệp (DN) thua lỗ không có tiền trả.

“Ngoài ra, trước tình hình giá lúa thấp, DN có tâm lý chờ giá sụt giảm hơn nữa mới thu mua. Thêm vào đó, ngoài các hợp đồng thương mại của DN, các hợp đồng tập trung của Chính phủ cũng gặp khó dẫn đến giá lúa sụt giảm” - ông Công lý giải.

Tại Sóc Trăng có hơn 190.000 ha lúa vụ đông xuân nhưng cũng mới thu hoạch được khoảng 35%, hiện bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Giá lúa xuống thấp khiến nhiều nông dân lo lắng, đứng ngồi không yên. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa giảm 800-1.000 đồng/kg.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, lo lắng: “Tình hình căng quá! Năm 2018 giá lúa cao, còn năm nay mới đầu năm lúa đang chuẩn bị vào thu hoạch rộ mà giảm liên tục. Trong số 35% diện tích lúa đã thu hoạch, một số được DN bao tiêu sản phẩm đỡ lo hơn nhưng cũng bị ép giá. Với những sản phẩm không được bao tiêu thì đang chậm lại”.

Tại An Giang, không chỉ lúa thường mà cả lúa gạo chất lượng cao giá cũng giảm mạnh. Ví dụ, lúa chất lượng cao RVT năm 2018 có giá 8.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 5.500 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao khác như ST, Đài Thơm… cũng giảm khoảng 2.000 đồng/kg.

Một số DN cho rằng nguyên nhân giá lúa giảm là do các ông lớn chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên ngoài. Cộng thêm vào đó, hiện nay thị trường Trung Quốc cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Trong khi đó, điều kiện nhập khẩu chính ngạch tiếp tục khó khăn.

Vựa lúa gạo của cả nước chờ được ‘giải cứu’ - Ảnh 1.

Lúa chín rục ngoài đồng nhưng tiêu thụ khó khăn. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: MIỀN TÂY

Thấp thỏm chờ “giải cứu”

Tạm trữ tuy không phải là giải pháp mang tính bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam. Thế nhưng trong giai đoạn trước mắt hiện nay, đây được xem là giải pháp tình thế để cứu ngành hàng này giảm bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm thì khu vực ĐBSCL lại đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, tức vụ đông xuân. Trong khi đó, thương nhân kinh doanh lúa gạo Việt Nam lại không có đủ tiềm lực về tài chính cho nên không thể mua lúa tạm trữ cho nông dân được. Điều này dẫn đến kết quả lúa của nông dân chín rục ngoài đồng nhưng tiêu thụ khó khăn.

Cho vay thu mua lúa, gạo

Để hỗ trợ người dân và DN trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của DN thu mua lúa, gạo; làm việc trực tiếp với các DN thu mua lúa, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để DN thu mua lúa, gạo cho người dân.

Chính vì vậy, theo đề xuất của ông Thành, Chính phủ nên nhanh chóng có động thái giải quyết để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt thông qua chương trình mua lúa tạm trữ như đã từng thực hiện.

“Khi Chính phủ thực hiện chính sách mua tạm trữ thì bà con nông dân mới bình tĩnh, hàng xáo cũng tranh thủ đi mua cho bà con nông dân và các nhà kho cũng bỏ tiền ra mua vào” - ông cho biết và nói rằng điều này sẽ giúp phá vỡ bế tắc trong ngành lúa gạo hiện nay.

Trước thực trạng lúa gạo khó tiêu thụ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có công văn đề nghị các DN hội viên chủ động thực hiện mua dự trữ gạo lưu thông theo Nghị định 107/2018. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gửi kho tại các DN hội viên.

“Đề nghị các hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng” - công văn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu mua sớm 200.000 tấn gạo dự trữ

Tại cuộc họp chiều 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là làm sao người dân có lợi ích tốt nhất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép.

Để giải quyết vấn đề giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ mặc dù nông dân vẫn có lãi (nhưng mức lãi rất thấp), Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ NN&PTNT tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo...; các tổng công ty lương thực thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định. Cần tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo và Trung Quốc cũng đã xác định mua của Việt Nam trong giai đoạn này là 100.000 tấn gạo.

Cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các DN và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua trong thời kỳ đang rộ mùa này. Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, "được mùa nhưng không rớt giá", "đồng tâm hiệp lực để đời sống nông dân tốt hơn".

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý: "Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu".

ĐỨC MINH

Theo Miền Tây - Mai Hiền

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên