MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tự tin với kì vọng phát triển

Với vị trí, vai trò quan trọng, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang chứng tỏ thế mạnh của mình trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Năm 2017 được dự đoán với nhiều thách thức cho phát triển kinh tế, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, nhiều dòng thuế xuất- nhập khẩu về mức bằng 0...

Với kết quả đã đạt được trong năm 2016 và hướng liên kết ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn để khai thác tối đa thế mạnh của vùng, các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang tự tin với những dự định, những kỳ vọng phát triển trong năm mới Đinh Dậu.


Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang tự tin với những dự định, những kỳ vọng phát triển trong năm mới Đinh Dậu. (Ảnh minh họa: KT)

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang tự tin với những dự định, những kỳ vọng phát triển trong năm mới Đinh Dậu. (Ảnh minh họa: KT)

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh. Năm 2016, các địa phương này tiếp tục là vùng kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Những con số này cho thấy, vị trí, vai trò quan trọng và cả những thế mạnh đang được khai thác hiệu quả tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Công ty TNHH Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) là một doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại nhiều tỉnh, thành trong vùng như TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan cho biết, việc liên kết vùng, liên kết giữa nhà sản xuất với nhà kinh doanh đã có những tín hiệu tốt. Trong sản xuất nông nghiệp đã vận hành theo hệ thống quản lý và phát huy được lợi thế của vùng, điều này giúp thay đổi luôn cung cách, phương thức trong sản xuất, phù hợp với yêu cầu mới.

Có thể nói, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, TP HCM lại đóng vai trò đầu tàu của cả vùng. Vai trò này đã được thành phố thể hiện ở chính sự tăng trưởng đáng khích lệ của mình và ở nỗ lực của thành phố trong liên kết, hợp tác với các tỉnh để cùng phát triển.

Năm 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP HCM đạt 8,05%, thu ngân sách đạt 303.816 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, thành phố kêu gọi được 20 dự án có tổng vốn đầu tư 67.000 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công tư để nâng cao chất lượng sống.

TP HCM cũng đang thực hiện nhiều dự án hạ tầng có tính kết nối với các tỉnh trong vùng, nhất là về hạ tầng giao thông và hợp tác thương mại. Hiện đã có 56 doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP HCM đang triển khai 60 dự án về hạ tầng với các tỉnh trong vùng với tổng số vốn 5.615 tỷ đồng. Riêng tại Long An và Tiền Giang, TP HCM đang triển khai 672 dự án sản xuất, thương mại với tổng vốn trên 100.820 tỷ đồng…

Với vai trò và sự nỗ lực đó,“đầu tàu”, TP HCM tiếp tục chiếm hơn 60% tổng GDP toàn vùng, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách, 35% tổng kim ngạch xuất khẩu và 51% tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng. Thành phố sẽ tiếp tục chủ động kết nối, tăng cường đầu tư vào các tỉnh, liên kết để khai thác tối đa lợi thế từng địa phương và lợi thế toàn vùng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khẳng định, trong thời gian tới, từng địa phương sẽ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của vùng, cùng chung sức đồng lòng xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách mang tính đột phá và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Làm sao để kinh tế trong vùng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn thì từng địa phương một cũng được hưởng, cố gắng gắn lợi ích của địa phương với lợi ích của vùng.

Trong sự phát triển, khởi sắc chung của toàn Vùng, điều quan trọng nhất là từng tỉnh, thành phát huy được lợi thế của mình. Năm 2016, thế mạnh về hệ thống cảng biển và dịch vụ logistic của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu được khai thác ngày càng hiệu quả. Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định sự gắn bó mật thiết với TP HCM và các tỉnh trong vùng để phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần thấy được lợi thế so sánh của từng tỉnh để có sự phân công hợp lý trong sự phát triển đồng bộ. “Bà Rịa- Vũng Tàu phải xác định những dự án nào quan trọng, tạo sự phát triển vượt bậc cho vùng thì dồn nguồn lực để thực hiện dự án đó, để thúc đẩy sự phát triển bền vững và nhanh mạnh cho vùng”, ông Lĩnh khẳng định.

Một trong số những tỉnh ít tiềm lực trong vùng như Tây Ninh cũng đang tìm thấy nhiều cơ hội trong liên kết vùng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6% trong năm 2016 và xác định thương mại biên giới là lợi thế của mình trong sự phát triển chung của vùng, Tây Ninh đủ tự tin để hợp tác khai thác thế mạnh này trong năm mới.

Ông Lê Thành Công, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh xác định tập trung cho thương mại biên giới để phá thế ngõ cụt. Tây Ninh đã chính thức có 2 cửa khẩu chính và 12 cửa khẩu phụ đang hoạt động. Trong thời gian tới, Tây Ninh vẫn tiếp tục phát triển thương mại biên giới.

Có thể khẳng định, trong năm mới, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của mình, chủ động hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cần tận dụng lợi thế để thể hiện vai trò là một thế lực phát triển. Quy hoạch chung phải gắn được lợi ích tổng thể quốc gia vào đây, đặt lợi ích vùng trong chiến lược phát triển của Việt Nam”.

Một năm mới đang đến với nhiều thời cơ và thách thức mới, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tự tin đón nhận và sẽ vững bước bằng sự năng động, đi đầu trong công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, luôn là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam./.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên