MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt qua DowJones, Nikkei225, Kospi…Vn-Index là chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong 1 năm qua

Trong vòng 1 năm qua (từ tháng 10/2017 đến nay), Vn-Index là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất Thế giới với mức tăng 16,28%.

Trong những tháng gần đây, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam không thực sự thuận lợi với nhịp điều chỉnh kéo dài. Kết thúc phiên giao dịch 23/10, chỉ số Vn-Index dừng tại 939,68 điểm, giảm khoảng 22% so với đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 4 và đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mặc dù đang có những diễn biến không thực sự tích cực nhưng so với mặt bằng Thế giới, diễn biến thị trường Việt Nam hiện vẫn tương đối khả quan. Thậm chí, nếu tính trong vòng 1 năm qua (từ tháng 10/2017 đến nay), Vn-Index còn là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất Thế giới với mức tăng 16,28%, bỏ xa các chỉ số Nasdaq, Russell 3000…

Vượt qua DowJones, Nikkei225, Kospi…Vn-Index là chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong 1 năm qua - Ảnh 1.

Vn-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới 1 năm qua (Indexq)

Mức tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 1 năm qua chủ yếu đến từ giai đoạn quý 4/2017 và quý 1/2018. Khi đó, Vn-Index đã tăng một mạch từ vùng 820 điểm và thiết lập đỉnh cao mới trên 1.200 điểm nhờ những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô (tăng trưởng kỷ lục, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối kỷ lục…), triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi cũng như sự hỗ trợ đắc lực từ dòng tiền ngoại.

Bên cạnh đó, kỳ vọng vào các thương vụ niêm yết lớn (Vinhomes, VPBank, Techcombank, HDBank, Bình Sơn, PV Oil, PV Power…), cũng như việc đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước cũng là yếu tố hấp dẫn giới đầu tư trong giai đoạn này.

Vượt qua DowJones, Nikkei225, Kospi…Vn-Index là chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong 1 năm qua - Ảnh 2.

Giai đoạn tăng trưởng nằm vào quý 4/2017 và quý 1/2018

Vào đầu quý 2, khi thị trường tạo đỉnh trên 1.200 điểm, mức định giá P/E của Vn-Index đã trên 20 lần, đây là mức khá cao so với các thị trường trong khu vực và điều này đã dẫn tới áp lực chốt lời mạnh của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, sau giai đoạn bùng nổ kể trên, thị trường Việt Nam đã chịu nhiều áp lực từ biến động kinh tế Thế giới. Lo ngại chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ tăng lãi suất, dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên là những yếu tố chính khiến thị trường bước vào nhịp điều chỉnh.

Khối ngoại sau giai đoạn mua ròng mạnh đầu năm cũng chuyển sang bán ròng (loại trừ đi các giao dịch thỏa thuận quy mô lớn) và điều này càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Theo đánh giá của các CTCK trong nước, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn biến động khó lường và nhà đầu tư nên tập trung quản trị rủi ro trong giai đoạn này thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Các ngưỡng hỗ trợ 920 điểm, 885 điểm đã được không ít CTCK nhắc tới.

Thậm chí trong một nhận định mới đây, ông Trịnh Hoài Giang – Phó Tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC) đã dự báo thị trường sẽ còn giảm nữa do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại MỸ - Trung. Từ nay đến cuối năm, chỉ số Vn-Index có thể tiếp tục giảm về vùng 800 điểm.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên