MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: Cải thiện môi trường đầu tư và sự thay đổi nhìn từ Đồng Tháp

Với những nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, Đồng Tháp có thể không phải cái tên xuất hiện trong tâm trí họ đầu tiên. Tuy nhiên, khu vực này đang dần trở thành điểm đến ưa thích cho sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Nằm ở phía tây nam Việt Nam, Đồng Tháp là tỉnh khá tách biệt, cách sân bay gần nhất khoảng 3 giờ lái xe. Hạ tầng đường bộ còn khá nghèo nàn. Đồng Tháp còn được cho là có thủ tục hải quan chậm trễ, nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Dù có những thách thức như vậy, công ty Nhật Bản Kameda Seika vẫn chọn Đồng Tháp là nơi triển khai Thiên Hà Kameda, liên doanh với công ty gạo lớn nhất Việt Nam.

Kameda Seika không phải là cái tên xa lạ với Việt Nam. Cách đây vài năm, Kameda Seika đã thiết lập một cơ sở sản xuất ở miền Trung. Tuy nhiên, hạ tầng yếu, vấn đề an toàn môi trường liên quan đến chất thải phân bón và môi trường đầu tư đã khiến họ phải tìm phương án thay thế.

Đồng Tháp có các điều kiện khí hậu và đất đai lý tưởng để sản xuất gạo nhưng yếu tố khiến khu vực này nổi lên như một địa điểm có tính cạnh tranh nhất là môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư, tích cực xúc tiến đầu tư.

World Bank: Cải thiện môi trường đầu tư và sự thay đổi nhìn từ Đồng Tháp - Ảnh 1.

Ảnh: Shutterstock

Hành trình hướng ra thế giới

Từ năm 2014, hội đồng nhân dân Đồng Tháp đã phối hợp với World Bank để hiện đại hóa cách tiếp cận của tỉnh trong xúc tiến đầu tư. Sự hợp tác này giúp Đồng Tháp vượt qua những hạn chế quan trọng nhằm thu hút và duy trì đầu tư cho khu vực.

Cụ thể, Đồng Tháp đã thay đổi ba chính sách, mang lại kết quả tích cực.

1. Thể chế hoá cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư

Đồng Tháp chính thức thiết lập cơ quan cho nhà đầu tư, giữ vai trò là đầu mối mục tiêu cho các nhà đầu tư, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ nhập cảnh và chăm sóc nhà đầu tư.

2. Tập trung vào mối quan hệ nhà đầu tư – chính quyền

Tỉnh Đồng Tháp hiện tích cực củng cố quan hệ với các nhà đầu tư hiện tại và mới. Các nhà đầu tư tiềm năng đã nhận được sự quan tâm từ cơ quan nêu trên. Các nhà đầu tư hiện tại có thể tranh thủ lợi thế từ cơ chế phản hồi cởi mở từ tỉnh.

Phó chủ tịch hội đồng nhân dân Đồng Tháp thường dành khoảng 1 giờ mỗi sáng để lắng nghe nhà đầu tư thảo luận các vấn đề kinh doanh và bất bình liên quan.

3. Hướng tới kết quả

Đồng Tháp theo dõi một cách có hệ thống những khiếu nại và bất bình của nhà đầu tư, thực hiện khảo sát về sự nhận thức của nhà đầu tư. Số liệu về các khoản đầu tư thực tiễn và rào cản mà các nhà đầu tư hiện tại, nhà đầu tư tiềm năng đang đối mặt, giúp Đồng Tháp giải quyết nhiều hạn chế lớn, cải cách phù hợp các lĩnh vực.

Nỗ lực xúc tiến đầu tư của Đồng Tháp đã truyền tải thông điệp về lợi thế cạnh tranh cho những nhà đầu tư tiềm năng như Kameda Seika. Khi chính quyền địa phương tích cực giải quyết đề nghị và lo ngại từ nhà đầu tư, họ càng có thêm niềm tin rằng địa phương đó chính là địa điểm phù hợp để làm ăn.

Nói chung, những cải cách của Đồng Tháp và sự đầu tư từ Kameda Seika đã chứng minh rằng các nhà đầu tư có thể chịu ảnh hưởng tích cực từ sự thay đổi chính sách đầu tư.

Kết quả

Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài như Kameda Seika đã chú ý đến những nỗ lực của Đồng Tháp.

Thể chế hóa xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và chăm sóc nhà đầu tư giúp Đồng Tháp tạo ra thêm lợi ích cho các nhà đầu tư trong nông nghiệp. Đồng Tháp đã đón nhận thêm 6 nhà đầu tư nước ngoài mới, 42 nhà đầu tư trong nước mới, thêm khoản đầu tư 200 triệu USD - trong đó 138 triệu USD là từ nhà đầu tư trong nước.

Theo sau sự thay đổi đó, dòng vốn đầu tư đã tăng từ 3 triệu USD/năm (trước cải cách) lên 21 triệu USD/năm. Đầu tư mới kéo theo cải tiến công nghệ mới, giúp các nhà sản xuất và người trồng tích hợp vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, tạo ra việc làm mới, chất lượng tốt.

Thiên Hà Kameda tiếp tục xây dựng một khu phức hợp công nghiệp hiện đại tại Đồng Tháp. Cơ sở sẽ sử dụng các loại gạo chất lượng cao trong nước chế biến thành bánh gạo xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu.

Động thái này sẽ trở thành yếu tố đóng góp đáng kể cho kinh tế địa phương, tạo ra hơn 300 việc làm ổn định và tiêu thụ nguyên liệu đầu vào từ địa phương. Ngoài xuất khẩu, công ty cũng có hệ thống sản xuất sản phẩm bánh gạo dành riêng cho thị trường Việt Nam, điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng.

Tại các cuộc họp, công ty hé lộ rằng họ có ý định mở rộng sản xuất hơn nữa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gia tăng, có thể tạo ra thêm 200 việc làm.

Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GIC) của WEF, xúc tiến đầu tư và dịch vụ cho nhà đầu tư được mô tả là các yếu tố quan trọng đối với những nền kinh tế đang gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư. Báo cáo cho rằng nhà đầu tư coi trọng dịch vụ khi hoạt động hơn là hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng Tháp đã chứng minh quan điểm này.

Với Đồng Tháp, chủ động xúc tiến đầu tư giúp hạ thấp rào cản thông tin, cải thiện vị thế cạnh tranh đối với các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp nước ngoài. Chính cách tiếp cận này đã giúp tỉnh nổi lên là điểm đến đầu tư ưu tiên – kết quả khó có thể tưởng tượng cách đây 4 năm.

Theo Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên