MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 xuống 6,2%

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016, trong đó cũng đưa ra dự báo thấp hơn cho Việt Nam dù cho rằng Việt Nam và Philipin là 2 quốc gia sẽ góp phần bù đắp đà tăng trưởng chậm lại của các nước xuất khẩu hàng hóa trong khu vực.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) bán niên công bố ngày 7/6, WB dự báo kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1 năm nay.

Theo WB, tốc độ tăng trưởng yếu của các nền kinh tế phát triển, cộng với giá hàng hóa tiếp tục thấp, thương mại toàn cầu kém sôi động và dòng vốn luân chuyển đang giảm là những yếu tố khiến định chế tài chính này hạ dự báo tăng trưởng của toàn cầu.

Báo cáo của WB cho biết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đi theo hướng xuất khẩu hàng hóa đã phải chật vật để thích ứng với việc giá dầu và các hàng hóa khác giảm, và riêng điều này đã chiếm tới một nửa tỷ lệ điều chỉnh giảm lần này. Các nền kinh tế này được dự báo chỉ tăng trưởng 0,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,2% đưa ra hồi tháng 1.

Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng mức tăng trưởng yếu này cho thấy các quốc gia cần theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng, lấy tăng trưởng làm động lực cải thiện đời sống của những người đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đi theo hướng nhập khẩu hàng hóa lại có sự kháng cự tốt hơn, dù lợi ích mang lại từ việc giá năng lượng và các hàng hóa khác xuống thấp chậm được hiện thực hóa. Những nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 5,8% năm 2016, giảm nhẹ so với mức 5,9% của năm 2015.

Trong số các kinh tế mới nổi lớn, Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, thấp hơn mức 6,9% của năm ngoái. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng ở mức 7,6%, trong khi Brazil và Nga sẽ lún sấu hơn vào suy thoái với mức tăng trưởng lần lượt là -4% và -1,2%. Nam Phi được dự báo sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 1,4% đưa ra hồi tháng 1.

Báo cáo cho biết tăng trưởng tín dụng mạnh trong khu vực kinh tế tư nhân do mức lãi suất thấp, và gần đây là nhu cầu tài chính tăng, có nguy cơ tạo ra rủi ro tiềm ẩn cho một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ông Kaushik Basu, nhà kinh tế trưởng của World Bank, nhận định trong khi các nền kinh tế phát triển đang chật vật để lấy lại đà tăng trưởng, phần lớn các nền kinh tế tại khu vực Đông Á và Nam Á cũng như các nước mới nổi dựa vào nhập khẩu hàng hóa lại đang trưởng tốt.

Đánh giá về kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương, WB cho rằng nền kinh tế khu vực này sẽ vẫn tăng trưởng như dự báo hồi tháng 1, với tốc độ 6,3%, sau khi đã giảm tốc từ mức 6,8% năm 2014 xuống 6,5% năm 2015.

World Bank cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nước xuất khẩu hàng hóa trong khu vực sẽ được bù đắp bởi hoạt động khả quan của các nước nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là Việt Nam và Philipin, và sự phục hồi nhẹ của Thái Lan.

Tuy nhiên, định chế tài chính này vẫn hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam xuống mức 6,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2016.


Dự báo của World Bank trong báo cáo GEP

Dự báo của World Bank trong báo cáo GEP

Dự báo tăng trưởng của Philipin vẫn được duy trì ở mức 6,4% năm nay, còn của Thái Lan được nâng từ 2% lên 2,5%.

Với năm 2017, World Bank cũng giữ nguyên dự báo của khu vực Đông Á ở mức 6,2%, và cũng duy trì dự báo đối với Việt Nam ở mức 6,3%.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên