MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xã hội hóa truyền tải điện (P1): Vì sao lưới không "cõng" nổi nguồn?

Xã hội hóa truyền tải điện (P1): Vì sao lưới không "cõng" nổi nguồn?

Trong thời gian gần đây, các nguồn năng lượng tái tạo thế hệ mới như điện gió, điện mặt trời phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều tỉnh do có cơ chế khuyến khích giá FIT của Chính phủ. Tuy nhiên, lưới điện 110 kV tại một số khu vực lại không phát triển kịp thời để giải tỏa công suất cho các nguồn điện này, gây ra nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, trong giai đoạn ngắn hạn tới năm 2025, về cơ bản, miền Bắc vẫn có khả năng tự cân đối nội miền và dưa thừa công suất nên xu hướng truyền tải chủ yếu và khu vực miền Trung. Miền Trung luôn dư thừa nguồn, đặc biệt do sự phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo nên xu hướng là truyền tải vào Nam.

Tiêu biểu về hiện tượng quá tải công suất, phát biểu tại Hội thảo Khoa học "Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam" sáng ngày 3/12, đại diện Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 34 dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 2.354MWm, hiện nay vẫn còn một số dự án bị cắt giảm công suất; việc cắt giảm này làm thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt việc trả lãi đối với ngân hàng.

Bên cạnh đó, các công trình lưới điện truyền tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh, đầu hết đầu tư triển khai chậm tiến độ. Do đó, việc giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo đang vận hành và dự kiến tiếp tục phát triển trong thời gian tới trên địa bản tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, không khai thác tối đa lượng điện sản xuất của các dự án này và theo chủ trương Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay, đại diện Sở Công thương Ninh Thuận cho biết.

Xã hội hóa truyền tải điện (P1): Vì sao lưới không cõng nổi nguồn? - Ảnh 1.

Cũng tại sự kiện, PGS. TS Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội năng lượng Việt Nam, người có trong hội đồng thẩm định cả 8 quy hoạch điện của Việt Nam (tính cả quy hoạch điện VII điều chỉnh) đưa ra đánh giá: "Trong 2 năm vừa qua, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chúng ta làm không tốt. Sự phát triển không quy hoạch ở nhiều nơi đã tạo ra công suất năng lượng tái tạo quá lớn, đè nặng nên hệ thống truyền tải".

Bên cạnh đó, chuyên gia chỉ ra trong quy hoạch lộ ra một vấn đề mà rất ít người đề cập đến, là tỷ lệ đầu tư xây dựng lưới điện và nguồn không cân xứng.

Theo ông Phùng, tỷ lệ đầu tư giữa nguồn điện và lưới điện phụ thuộc vào địa hình của từng quốc gia, nhưng tối thiểu đầu tư cho lưới điện chiếm 40%, có nhiều quốc gia là 50% tổng đầu tư điện lực. Có nghĩa là 1 đồng đầu tư cho nguồn điện thì cũng phải có 1 đồng đầu tư cho lưới điện.

Nhưng thực tế, các quy hoạch điện của chúng ta chưa khi nào lưới điện chiếm được 40% tổng đầu tư, chỉ xấp xỉ 32-35%. Như vậy, đó cũng là một lý do ách tắc truyền tải điện. Ông Phùng nói: "Vì thực ra, làm nguồn thì lãi hơn làm lưới".

Xã hội hóa truyền tải điện (P1): Vì sao lưới không cõng nổi nguồn? - Ảnh 2.

Chuyên gia này cho hay, thực tế, Nhà nước phải quản lý rất chặt chẽ lưới điện, vì không quản chặt thì sẽ mất an ninh năng lượng, nên lâu nay chúng ta không để tư nhân tham gia truyền tải. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, ông rất ủng hộ việc đa dạng hóa đầu tư lưới điện, vì đây là xu thế, song cần phải làm đúng cách để không mất an ninh năng lượng.

Tóm lại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội năng lượng Việt Nam kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Chính phủ cần phải giải quyết được 2 nút thắt sau.

Thứ nhất là vấn đề mất cân đối về đầu tư lưới điện và nguồn điện, nếu giải quyết được vấn đề này thì việc phân phối cũng sẽ được giải quyết theo đó.

Nút thắt thứ hai là về khái niệm IPP. Lâu nay, IPP được hiểu là các dự án điện phát độc lập, làm trong các khu công nghiệp. Nhưng một số quy định gần đây, lại xem các nhà máy điện không có lưới điện là IPP. Chính sự không thống nhất này đã khiến các nhà đầu tư dự án điện yêu cầu EVN phải mua điện, có truyền tải cho họ, cần có sự thay đổi về luật để làm rõ khái niệm này.

Thái Quỳnh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên