MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây đặc khu: Chỉ một đồng nhưng "hút" về 10 đồng

Cho rằng chi một đồng ngân sách nhưng hút về được tới 10 đồng vốn phát triển, TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - khẳng định, việc đặc khu Phú Quốc tương lai cần 40 tỉ USD hay đặc khu Vân Đồn tương lai cần 270.000 tỉ đồng cũng đều đã nằm trong phương án huy động vốn được tính kỹ.

Còn PGS-TS Hoàng Văn Cường - thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng chia sẻ: “Sau khi được thành lập, 3 đặc khu kinh tế sẽ tạo thành thế chân kiềng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước”.

Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội

Chia sẻ về dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sắp đưa ra bàn nghị sự tại kỳ họp Quốc hội tháng 5.2018, PGS - TS Hoàng Văn Cường cho biết, chúng ta không làm thí điểm đặc khu kinh tế, nên cần phải thành lập cả 3 đặc khu, gồm Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong trong cùng một thời gian. Thực tế, cả 3 đặc khu dự kiến thành lập đều có tiềm năng, lợi thế đặc biệt so với khu vực khác và mỗi khu lại có đặc thù, lợi thế, tiềm năng và chiến lược phát triển khác nhau.

Theo TS Cường, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải quy định cụ thể ngành, nghề trọng tâm ưu tiên phát triển dựa vào tính đặc thù riêng có của từng đặc khu. Ưu tiên, ưu đãi đối với ngành, nghề trọng tâm cho đặc khu kinh tế phải khác với quy định chung.

Và mức độ ưu tiên, ưu đãi đối với đặc khu này phải khác với đặc khu khác dựa vào lợi thế so sánh và tính đặc thù của từng đặc khu, nhưng phải bảo đảm không dàn trải, chỉ tập trung vào những ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa 3 đặc khu với nhau và giữa các đặc khu kinh tế với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Ngay báo cáo thẩm định đề án thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của Bộ Tài chính mới đây cũng khẳng định: “Các đề án đều đã nêu rõ được tiềm năng, thế mạnh, các lợi thế so sánh và đặc thù của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội vượt trội, lan tỏa, tạo hạt nhân phát triển cho khu vực và cả nước”.

Còn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư kỳ vọng, trong ít năm tới, 3 đặc khu sẽ thu hút hàng chục tỉ USD vốn đầu tư, giúp nhà nước thu hàng chục tỷ USD từ thuế, phí, đất đai và tạo ra giá trị gia tăng nhiều chục tỷ đồng khác đóng góp vào GDP cả nước.

Tương lai cũng không xa khi chỉ năm 2020, đặc khu Phú Quốc sẽ đạt mức thu nhập bình quân 5.000 USD (cao gấp đôi thu nhập bình quân cả nước hiện nay) và tới năm 2030, cả 3 đặc khu nhanh chóng vượt ngưỡng thu nhập 12.000 - 13.000USD/người/năm (gấp 5-7 lần trung bình cả nước).

Đặc khu cần ưu đãi đặc biệt

Để hút “hàng chục tỉ USD vốn đầu tư”, các chuyên gia khẳng định, cần có cơ chế đặc thù để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược.

Nói như PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các đặc khu cần có cơ chế đặc biệt riêng để tự quyết định được trong phạm vi không vi phạm luật. Từ đó đem lại lực hút với nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Vì nếu không dành ưu đãi đặc biệt, thì đặc khu không mang tới hiệu quả cao nhất” - TS Thịnh khẳng định.

Còn TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - người rất tâm đắc với việc phát huy nguồn lực tư nhân, thì chia sẻ: “ưu đãi bình thường sẽ không thể hiện thực hóa được mục tiêu tạo ra các đặc khu”.

Trước những ý kiến quan ngại về việc các đặc khu sẽ “hút” nguồn vốn ngân sách lớn, hoặc cơ chế ưu đãi sẽ gây thát thu ngân sách, TS Trần Đình Thiên cho hay: “Nên căn cứ vào kỳ vọng của mỗi đặc khu xem nó phát triển thế nào để có mức đầu tư hợp lý…. Vì một trong những mục tiêu khi lập đặc khu là nhằm thu hút các nhà đầu tư đàng hoàng, có trình độ cao”.

Chia sẻ với các ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, chính sách về đặc khu phải đảm bảo vượt trội so với các mô hình trong nước và như vậy mới đảm bảo tính tính cạnh tranh quốc tế.

“Nhà nước không cần phải bỏ tiền”

“Người ta tính cần 40 tỉ USD ở Phú Quốc hay 270.000 tỉ đồng ở Vân Đồn là tính tổng mức đầu tư và người ta có phương án để huy động được trong vòng 5-10 năm và điều đó sẽ tạo ra cú hích phát triển ở khu vực ấy. Cú hích đến thông qua đầu tư, thông qua các sản phẩm tạo ra tại đó mà nhà nước lại không phải bỏ tiền ra. Đó mới chính là cái lợi thu được.

40 tỉ USD hay 270.000 tỉ đồng đó chính là lợi nhuận mà đặc khu đem lại. Hút được khoản đầu tư cực lớn trên một diện tích đầu tư cực nhỏ đó chính là nguyên lý của đặc khu, là lợi ích kinh tế hướng tới chứ đó không phải là chi phí.

Còn phần vốn ngân sách nhà nước phải bỏ ra thì cũng sao đâu, mỗi đồng bỏ ra để hút được 10 đồng về chẳng phải rất tốt, rất đáng bỏ ra sao?”

Theo T.H

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên