MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe bus trên sông, chợ nổi, quầy ẩm thực phố đi bộ và những đề xuất táo bạo để phát triển du lịch TP.HCM

01-12-2017 - 14:56 PM | Xã hội

Với tâm huyết đưa TP.HCM trở thành “con rồng Châu Á”, đã có những ý tưởng và đề xuất làm đẹp và góp phần tạo đà phát triểu du lịch cho thành phố đã được đi vào hiện thực và bên cạnh đó vẫn còn nhiều đề xuất gây tranh cãi.

Xe bus trên sông

Ngày 25/11, tuyến xe bus trên đường sông đầu tiên trên sông Sài Gòn đã đi vào hoạt động, phục vụ hành khách trên tuyến số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) sau gần 1 năm đề xuất, triển khai.

Tuyến bus đường sông không chỉ giúp góp phần làm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông mà còn tạo đà cho phát triển du lịch tại TP. HCM.

Theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thành phố có lợi thế với hơn 1.000 km đường thủy nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Loại hình bus đường sông này được kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông.

Tuyến bus đường sông cũng hướng đến giá trị văn hóa 300 năm của thành phố - trên bến dưới thuyền. Đặc biệt, tuyến bus này đảm bảo phù hợp với cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường. Cửa kính được thiết kế rộng, nhiều ánh sáng nên khách có thể vừa di chuyển vừa ngắm cảnh hai bên bờ sông Sài Gòn.

Toàn cảnh bến tàu buýt tại bến xuất phát Bạch Đằng, Q.1
Toàn cảnh bến tàu buýt tại bến xuất phát Bạch Đằng, Q.1

Sông hoa, chợ nổi tại Sài Gòn

Đây là một đề xuất mới được DN đưa lên sở GTVT TP.HCM. Tại buổi tọa đàm chiều 28/11 do Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ một DN trong lĩnh vực du lịch kiến nghị, tại sao thành phố không chuyển đường hoa thành sông hoa, trang trí đẹp như ở đường hoa Nguyễn Huệ... Nếu thành phố làm được, đảm bảo sông hoa đẹp và độc đáo không nước nào sánh bằng. Về lâu dài, ngay từ bây giờ phải quy hoạch đường sông cho 20 năm sau, chỗ nào công viên, chỗ nào khu mua sắm, chỗ nào ẩm thực… Cần phải có khu lưu trú cho khách dọc hai bên bờ sông, từng bước thay đổi thói quen du lịch đường sông...

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc công ty du thuyền Hoàng Gia nhận định, ở các thành phố khác như Cần Thơ, Mỹ Tho... chợ nổi phát triển như là một điểm nhấn của địa phương đó, vậy tại sao TP.HCM không tận dụng đường sông Sài Gòn rất đẹp để phát triển du lịch chợ nổi Sài Gòn. Hoặc có thể tận dụng để phát triển câu lạc bộ du thuyền Việt Nam. Khi thành phố cho phép, thì rất nhiều nhà đầu tư muốn làm, những tour du lịch như thế sẽ rất thu hút khách trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam.

Trước đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp thu và kiến nghị lên lãnh đạo UBND thành phố.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề xuất xây cáp treo vào Tân Sơn Nhất để giảm kẹt xe

Đầu năm 2017, ông Vũ Huy Thắng, Giám đốc công ty Cổ phần Bilco đã ra ý tưởng xây tuyến cáp treo dài hơn 1 km từ Công viên Gia Định tới Tân Sơn Nhất, công suất 3.000-4.500 hành khách mỗi giờ, để giảm ùn tắc các tuyến đường quanh sân bay .

Do TP HCM đang nghiên cứu làm tuyến metro từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài 2 km, tốn gần 250 triệu USD. Như vậy kinh phí sẽ rẻ hơn rất nhiều, khoảng 550 tỷ đồng và thời gian thi công chỉ mất khoảng 10 tháng, chi phí chỉ bằng 1/10 so với làm metro. Ông phân tích, mỗi cabin có thể chứa 8-10 người, tốc độ khoảng 25km/h, mỗi giờ có thể vận chuyển 3.000 khách, kinh phí khoảng 550 tỷ đồng. Nếu thiết kế theo công nghệ hiện đại hơn có thể đạt 4.500 lượt khách, song chi phí sẽ cao.

Với đề xuất này, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho "đây là ý tưởng táo bạo nhưng không khả thi". "Nếu tốt, có hiệu quả và an toàn các nước phát triển đã làm chứ không phải chờ đến lúc chúng ta có ý tưởng. Cáp treo chỉ có thể áp dụng trong các địa hình hiểm trở, vùng núi cao, ít hoặc không có người bên dưới; tránh làm đường nhằm bảo tồn các di tích văn hóa, phục vụ du lịch, khai thác cảnh quan và phục vụ lượng người đi ít... chứ không ai làm cáp để giải quyết kẹt xe", ông Sanh nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quầy ẩm thực trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Nhằm tạo điểm nhấn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thành phố, UBND quận 1 đã kiến nghị UBND TPHCM cho phép một đơn vị thực hiện đề án đầu tư các công trình bổ sung cho phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Cụ thể, các quầy ăn uống và bán hàng lưu niệm sẽ tạo thêm sự sinh động cho phố đi bộ Nguyễn Huệ song vẫn đảm bảo không gian dành cho người đi bộ, an toàn giao thông trong khu vực.

Các quầy ẩm thực được thiết kế hiện đại, dễ di chuyển và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, quầy hàng lưu niệm sẽ giới thiệu đến du khách những mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo UBND quận 1, các dịch vụ được bổ sung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ góp phần kéo giảm tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách ở khu vực trung tâm TP. Song song đó, đề án được triển khai sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 người, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ được hình thành từ tháng 4/2015, với kinh phí hơn 430 tỷ đồng
Phố đi bộ Nguyễn Huệ được hình thành từ tháng 4/2015, với kinh phí hơn 430 tỷ đồng

Đề xuất cấm xe máy từ 2030

Chưa có đề xuất nào gây nhiều tranh cãi như đề xuất sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm thành phố và nơi thường xảy ra ùn tắc.

Ngày 14/7, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) trình bày với Sở GTVT TPHCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM. Trong đề án, phương tiện cá nhân được phân làm hai loại gồm vận tải người và chở hàng. Trong đó, ngoài xe máy, ô tô con thì xe công vụ, xe ba gác, xe tải… cũng sẽ bị hạn chế lưu thông vào trung tâm thành phố từ 2030.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, hiện nay TPHCM đang mất cân đối giữa phát triển giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông. Theo tính toán, nếu toàn bộ xe đậu trên mặt đường chiếm 37% diện tích mặt đường đô thị; 60% phương tiện lưu thông với vận tốc bình quân 18 – 20km/h trên đường thì diện tích mặt đường đô thị toàn thành phố vượt năng lực khoảng 1,2 lần. Riêng các quận trung tâm tỉ lệ sẽ tăng từ 1,8 – 2 lần năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông đô thị thành phố.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng từ nay đến năm 2030, TPHCM không cấm xe máy mà chỉ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp để kiểm soát việc sử dụng loại phương tiện này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác. “Chỉ khi nào chứng minh được có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TPHCM mới tính đến việc cấm xe máy” – ông Cường nói.

Hồng Vân (tổng hợp)

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên