MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe chở khách 9 chỗ trở xuống chịu tội oan?

05-09-2017 - 09:07 AM | Xã hội

Đề xuất tạm dừng cấp phù hiệu cho ô tô 9 chỗ trở xuống kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đang gây không ít tranh cãi.

Theo lý giải của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, sở dĩ đơn vị này đưa ra đề xuất trên là vì TP chưa có quy hoạch cụ thể về số lượng ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, như vậy rất dễ dẫn đến chuyện "vỡ trận" loại xe này!

Chưa có văn bản nào cấm

Chứng minh cho lập luận trên, Sở GTVT TP dẫn chứng tính đến đầu tháng 7-2017, tại TP HCM có gần 24.000 ô tô từ 9 chỗ trở xuống của 282 đơn vị vận tải được cấp phù hiệu xe hợp đồng, trong đó có khoảng 14.100 xe tham gia ứng dụng phần mềm Grab. Cộng con số trên với lượng taxi truyền thống hiện có (khoảng 11.060 xe) thì tổng số lượng ô tô 9 chỗ trở xuống kinh doanh vận tải trên địa bàn TP lên tới gần 35.000 xe. Chưa kể, một lượng lớn phương tiện chưa có thống kê không đăng ký kinh doanh hiện vẫn tham gia hoạt động ứng dụng phần mềm của Uber trên địa bàn TP khiến tình hình ùn tắc giao thông càng trở nên phức tạp.

Trước thực trạng này, Sở GTVT kiến nghị UBND TP báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP HCM được thực hiện 2 vấn đề gồm: tạm dừng cấp phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và tạm dừng cấp phù hiệu đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi (kể cả các loại ô tô mang biển số tỉnh, TP khác chuyển vào TP HCM hoạt động) tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Việc này nhằm hạn chế sự gia tăng ồ ạt số lượng xe dưới 9 chỗ cho đến khi có quy hoạch cụ thể về số lượng phương tiện để từ đó làm căn cứ thực hiện theo đúng quy hoạch.


Ùn tắc giao thông là lý do Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất tạm dừng cấp phù hiệu cho ô tô 9 chỗ trở xuống kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Ùn tắc giao thông là lý do Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất tạm dừng cấp phù hiệu cho ô tô 9 chỗ trở xuống kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng


Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM kiểm tra xe hợp đồng tham gia kinh doanh vận tải hành khách thông qua phần mềm Uber tại TP HCM

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM kiểm tra xe hợp đồng tham gia kinh doanh vận tải hành khách thông qua phần mềm Uber tại TP HCM

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp TP, các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện chưa có quy định về việc tạm ngưng hoặc hạn chế cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Vì vậy, tại một cuộc họp hồi tháng 5-2017 ở Sở Tư pháp, các đơn vị đã thống nhất không trình UBND TP xem xét đề xuất này vì không đủ cơ sở pháp lý. Đồng thời, việc này cũng làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng.

Đối với đề xuất tạm dừng cấp phù hiệu cho ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, Sở Tư pháp TP cũng cho hay không có quy định nào áp đặt nội dung này. Tuy nhiên, trong chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và quản lý tốt hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng taxi cùng các hình thức tương tự taxi như Grab, Uber…, các đơn vị đã thống nhất với đề xuất này và trình UBND TP xem xét.

Đưa Uber, Grab vào loại hình "taxi mới"?

Ở một diễn biến khác, theo kết quả nghiên cứu Đề án Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi trên địa bàn TP HCM đến năm 2025 (đề án này đang được tổ chức thẩm định), số lượng taxi dự kiến đến năm 2020 là 14.500 xe và năm 2025 là 16.500 xe. Tuy nhiên, thực tế với số lượng xe hợp đồng tham gia ứng dụng phần mềm Grab, Uber... (bản chất như taxi) hiện hoạt động trên địa bàn TP đã vượt quá quy hoạch nêu trên.

Sở GTVT TP lập luận thêm: Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống bến bãi… tại TP đang thiếu trầm trọng nên sở này đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber… thành loại hình "taxi mới", trong đó phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống là hợp lý. Bởi mục đích của việc đưa Uber, Grab... thành "taxi mới" là tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ về nghĩa vụ thuế, quy hoạch phương tiện, điều kiện kinh doanh…

Trước lập luận trên của Sở GTVT, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng việc tạm ngưng cấp phù hiệu cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trong điều kiện TP đang thường xuyên xảy ra ùn tắc chỉ là giải pháp trước mắt. "Về lâu dài, Sở GTVT nên có phương án tổng thể và vẫn nên để các loại hình vận tải tự phát triển, tự cân bằng theo quy luật cung cầu của thị trường" - ông Tính khuyến cáo.

Theo ông Tính, sẽ không phù hợp khi đưa loại hình như Uber, Grab... vào loại hình "taxi mới", quản lý tương tự như taxi truyền thống. Làm như thế sẽ làm mất tính đặc thù của taxi công nghệ. Nếu đánh đồng 2 loại làm một, xóa đi tính đa dạng của các loại hình thì xã hội không có lợi, thế độc quyền không bị xóa bỏ.

Không có bến bãi, ùn tắc là đương nhiên

Số lượng đầu xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tăng chóng mặt nhưng hệ thống bến bãi cũng như các điểm đón, trả khách... tại TP HCM gần như không có gì hơn.

Hệ lụy hiện tại ai cũng thấy là các phương tiện buộc phải chiếm dụng mặt đường, chạy lòng vòng tìm chỗ đậu hoặc đón, trả khách dẫn đến tình trạng kẹt xe càng thêm kẹt, đặc biệt là ở khu vực trung tâm TP. "Sở GTVT phải nhanh chóng quy hoạch bài bản bến bãi kết hợp cùng các giải pháp khác mới mong giải được bài toán ùn tắc khu trung tâm" - một chuyên gia giao thông nói.

Theo Gia Minh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên