MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Xẻ thịt' hành lang đê sông Hồng: Sai phạm có hệ thống

19-10-2016 - 11:42 AM | Bất động sản

Hết thời hạn thuê bến bãi làm nơi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), một số chủ bãi đã ngang nhiên "xẻ thịt" hành lang đê sông Hồng để bán, thu lợi nhiều tỷ đồng. Theo đó, khu vực này trước đây được UBND huyện cho phép làm lò gạch thủ công và bến bãi tập kết VLXD.  Ai đã bảo kê cho những sai phạm này?

Suốt nhiều năm qua, người dân xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) rất bất bình về hành vi "xẻ thịt" đê sông Hồng đoạn qua xã Văn Nhân để bán và thu lợi nhiều tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của tuyến đê sông Hồng đoạn qua huyện Phú Xuyên.

Theo đó, khu vực này trước đây được UBND huyện cho phép làm lò gạch thủ công và bến bãi tập kết VLXD. Sau khi, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc thì các lò gạch thủ công ở huyện Phú Xuyên cũng lần lượt được dỡ bỏ.

Khu vực này, sau đó được thành phố quy hoạch để xây dựng làm bãi trung chuyển nông sản phục vụ khu đô thị Phú Minh - Phú Xuyên. Trong thời gian dự án chưa được triển khai, UBND huyện đã "tranh thủ" ký hợp đồng cho thuê bến bãi với một số cá nhân.

Cụ thể, được sự ủy quyền của UBND huyện Phú Xuyên, Phòng Tài nguyên - Môi trường ký hợp đồng cho ông Vũ Văn Nam, một công dân ở xã Văn Nhân thuê hơn 17.000m2 đất bãi với giá 6.300 đồng/m2 từ ngày 1/11/2012 đến ngày 31/5/2013. Bà Đoàn Thị Nga thuê 24.658m2; ông Nguyễn Văn Thông thuê thầu 17.732m2.

Hợp đồng ghi rõ, mục đích thuê đất bãi để làm nơi chứa VLXD chứ không được khai thác đất, cát. UBND huyện chỉ cho phép chủ bãi VLXD hoạt động vào mùa khô để đảm bảo an toàn đê và phòng chống lụt bão.


Máy cẩu đang ngoạm cát lên xe tải

Máy cẩu đang "ngoạm" cát lên xe tải

Tuy nhiên, hết hạn hợp đồng, các chủ bãi với sự tiếp tay của cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND xã Văn Nhân đã cho máy xúc đào múc hàng nghìn m3 cát mang đi bán.

Toàn bộ diện tích này bị “khoét” sâu hơn 5m so với mặt bằng mà UBND huyện Phú Xuyên cho thuê. Sau khi "san phẳng" hành lang đê, khu vực này bị biến làm nơi cho thuê bến đỗ của hàng trăm chiếc xe tải mới.

Về các bến bãi hoạt động không phép, đặc biệt là việc "xẻ thịt" hành lang đê sông Hồng, các chủ bãi cho xúc cát đi bán, ông Thành thừa nhận, ông là Phó Chủ tịch huyện phụ trách văn xã, mới được giao thêm mảng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, trong đó có quản lý, bảo vệ đê. Thực tế, khu vực bến bãi, hành lang thoát lũ do 1 Phó Chủ tịch khác phụ trách nên ông không nắm cụ thể.

Liên quan đến những sai phạm trên, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhân, khu vực ven đê hữu Hồng trước đây được UBND huyện cho phép làm lò gạch thủ công và bãi tập kết VLXD. Khi các lò gạch thủ công lần lượt được dỡ bỏ, các bãi tập kết VLXD vẫn tồn tại và các chủ bãi đã ký hợp đồng thuê với UBND huyện với giá 6.300 đồng/m2/năm.

Các hợp đồng thuê đất đều đã hết hạn từ cuối năm 2014. Phát hiện các bến bãi có vi phạm nhưng UBND xã chỉ được phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện chứ không có thẩm quyền xử phạt.

Trao đổi với PV về những nội dung trên, ông Trần Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, mới đây huyện có lập đoàn kiểm tra thực tế hai trường hợp vi phạm là hộ bà Hoàng Thị Thủy và Phùng Thị Yến ở khu vực thôn Đề Thám, xã Văn Nhân.

Sau khi được giải thích, vận động, hai trường hợp này đã tự nguyện tháo dỡ. Đồng thời, huyện cũng giao Hạt quản lý đê Phú Xuyên phối hợp với UBND xã Văn Nhân kiểm tra các trường hợp vi phạm Luật Đê điều theo quy định, ngăn chặn và kiên quyết xử lý, không để tình trạng tái chiếm xảy ra.

Theo Vũ Nguyễn

Báo Nông Nghiệp

Trở lên trên