MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Xẻ thịt” sân chung ở các khu chung cư

14-12-2017 - 08:23 AM | Bất động sản

Trong khi thành phố đang thiếu trầm trọng diện tích dành cho sân chơi, không gian sinh hoạt công cộng… thì tại nhiều khu đô thị, nhà chung cư, khoảng không gian vốn chật hẹp giữa các tòa nhà lại "biến" thành bãi trông giữ xe trái phép, thậm chí bị “xẻ thịt” cho tư nhân thuê kinh doanh, khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.

Biến thành điểm trông giữ xe, nơi bán hàng...

Thời gian gần đây, nhiều cư dân khu chung cư CT1A1 - CT1A2 Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm phản ánh đến Báo Hànộimới, bày tỏ bức xúc về việc Ban Quản trị tòa nhà ép cư dân phải để xe vào điểm trông giữ xe ô tô tại khu vực sân của hai tòa nhà. Trước đó, Ban Quản trị đã họp với các cư dân để lấy ý kiến về việc sử dụng một phần sân của tòa nhà để sắp xếp, trông giữ xe có thu phí, và thống nhất, cư dân nào có nhu cầu thì gửi xe và nộp phí cho Ban Quản trị.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, Ban Quản trị đã ủy quyền cho Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Xuân Mai tổ chức quy hoạch, sắp xếp điểm trông giữ xe ô tô tại sân hai tòa nhà kể trên với mức phí từ 550.000 đến 850.000 đồng/xe/tháng, tùy giá trị xe. Sau khi nhận ủy quyền, đơn vị này đã kẻ vạch, căng biển “cấm đỗ xe” tại khu vực sảnh trước vốn là nơi cư dân thường đỗ xe, “lùa” các phương tiện ra khu vực trông giữ xe có thu phí khiến cư dân bức xúc.

Sân chung giữa các tòa nhà tại Khu đô thị Nam Trung Yên biến thành điểm trông giữ xe.
Sân chung giữa các tòa nhà tại Khu đô thị Nam Trung Yên biến thành điểm trông giữ xe.

Trên thực tế, tình trạng chiếm dụng sân chung làm bãi trông giữ xe, cho thuê kinh doanh dịch vụ… cũng xảy ra tại hàng loạt khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn thành phố. Đơn cử, tại Dự án Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) của doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên, trên diện tích đất nhỏ hẹp, sừng sững mọc lên 4 tòa nhà cao từ 40 đến 45 tầng, với hơn 4.000 căn hộ, tương ứng khoảng 1,6 vạn cư dân. Mật độ quá cao, tầng hầm chật chội không đủ sức chứa, khoảng sân chung nhỏ hẹp tại sảnh trước giáp đường Nguyễn Xiển còn được Ban Quản lý tòa nhà CT12A - CT12B - CT12C tận dụng làm điểm trông giữ xe máy, cho bán hàng rong, quán nước…

Theo Trung tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, mặc dù công an phường thường xuyên bố trí cán bộ ứng trực, nhưng chỉ cần lực lượng làm nhiệm vụ rời đi, Ban Quản lý và lực lượng an ninh lại “ngó lơ” cho vi phạm tái diễn.

Tuy không có mật độ đông đúc như dự án kể trên, nhưng những tòa nhà trong Khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy) từ lâu cũng bị “bao vây” bởi hàng ăn, quán giải khát.

Bóp nghẹt không gian chung

Kết quả khảo sát về kiến trúc quy hoạch và công năng sử dụng các tòa nhà chung cư cao tầng do Bộ Xây dựng tiến hành tại 6 dự án khu đô thị trên địa bàn Hà Nội như Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính, Đặng Xá… cho thấy mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất có xu hướng tăng cao. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ không gian sinh hoạt cộng đồng, sân chơi, cây xanh ngày càng bị thu hẹp. Tại Khu đô thị Linh Đàm, trước đây quy hoạch chung dành 60% diện tích khu làm sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chỉ chiếm 23%. Tuy nhiên, với sự thay đổi quy hoạch, không gian vui chơi, cây xanh đã bị giảm sút nghiêm trọng.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hầu hết vườn hoa, sân chơi trong các chung cư hiện nay đều hạn chế về tiện ích, kém an toàn và ít được đầu tư. Các chủ đầu tư khi rao bán nhà luôn quảng cáo rầm rộ về các tiện ích đi kèm như sân chơi, vườn hoa… nhưng thực tế khi dân cư về sinh sống mới thấy phần lớn diện tích công cộng dành để trông giữ phương tiện và kinh doanh buôn bán, thiếu sự tương thích giữa mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất với không gian công cộng. Bên cạnh đó, việc sử dụng không gian công cộng, sinh hoạt chung sai mục đích còn do bất cập trong phân cấp quản lý, xử lý.

Khu đô thị N Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) gồm 19 tòa nhà cao tầng, nhưng không có chợ dân sinh và hầm để phương tiện nên các phương tiện thường dừng, đỗ ngay dưới lòng đường; chợ và hàng quán ăn uống bày ngay trên vỉa hè, vườn hoa. Khi quận Thanh Xuân ra quân giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và trật tự công cộng lòng đường, hè phố thì các hàng quán “chạy” hết vào sảnh tầng 1 và nhà để xe của các tòa nhà mà chính quyền không thể xử lý được. Vì theo phân cấp, chính quyền địa phương chỉ quản lý lòng đường, vỉa hè. Từ khối đế trở vào do đơn vị quản lý tòa nhà phụ trách.

Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết: Chính quyền phường đã có công văn gửi Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cùng các xí nghiệp trực thuộc quản lý vận hành Khu đô thị N Trung Hòa - Nhân Chính đề nghị phối hợp giữ gìn an ninh trật tự, chống tái lấn chiếm không gian sinh hoạt chung nhưng đến nay hiệu quả đạt thấp. Để giải quyết bất cập tại cơ sở, UBND phường đề xuất bố trí khu đất giữa hai tòa nhà N2D và N2E để làm nơi sắp xếp các hộ kinh doanh buôn bán, nhưng cư dân chung cư phản đối vì không thể lấy tiện ích này thay thế cho tiện ích khác...

Sân chung, diện tích sinh hoạt cộng đồng là một phần không thể thiếu trong đời sống dân cư khu đô thị. Ngoài việc thắt chặt quy chuẩn quy hoạch, thiết kế, xây dựng các tòa nhà cao tầng thì việc quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm sân chơi, sử dụng diện tích sinh hoạt chung sai mục đích cần được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý tiến hành gắt gao và thường xuyên hơn.

Theo Bảo Nga - Thùy Ngân

Hà Nội Mới

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên