MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xem xét kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Khánh Hòa: Không bất ngờ

25-08-2019 - 08:33 AM | Xã hội

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết không bất ngờ trước các sai phạm liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai... của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa

Phóng viên: Từng là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa , ông đánh giá như thế nào về thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua?

Xem xét kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Khánh Hòa: Không bất ngờ  - Ảnh 1.

- Ông Phạm Văn Chi: Việc này khi họp tôi đã nói với nhiều anh em rồi. Trong nội bộ đã góp ý, đề nghị cái nào sai thì xóa quyết định, cái nào còn chấp nhận được thì chỉnh lại, ra quyết định mới nhưng mấy anh em vẫn chủ quan. Nói chung là cán bộ, nhân dân rất bức xúc vì tất cả những "mảnh đất vàng" đều đội nón ra đi. Giá cả thì không thống nhất. Nhiều khu đất không thực hiện đúng việc đấu thầu, đấu giá theo quy định pháp luật.

Theo ông, việc quan trọng nhất hiện nay là gì? Hậu quả để lại như thế nào sau khi các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị xem xét kỷ luật?

- Việc quan trọng nhất hiện nay như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, các vụ việc xảy ra gây thất thoát ngân sách thì phải cố gắng khắc phục, thu hồi. Nếu giao đất giá rẻ thì phải xem xét đất giá bao nhiêu, nhà đầu tư phải bù lại hoặc bằng phương pháp nào đó phù hợp với quy định pháp luật. Theo kinh nghiệm của tôi thì khắc phục hậu quả không thể dưới 10 năm. Lý do vì công tác thu hồi, khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn để thỏa mãn quyền lợi giữa nhà đầu tư với nhà nước. Hai bên phải sòng phẳng với nhau, không thể bắt nạt nhà đầu tư và cũng không thể để nhà nước thiệt hại. Những đồng chí lên làm vị trí lãnh đạo tỉnh trong thời gian tới sẽ rất run sợ, lấy đó làm gương, không dám quyết những vấn đề mới để thực hiện việc phát triển kinh tế địa phương. Chính vì vậy, bộ máy địa phương sẽ chững lại, không dám làm. Đây là cái đau đớn nhất của chúng ta hiện nay.

Việc Khánh Hòa phát triển trong những năm gần đây có phải là bước đột phá?

- Để phát triển kinh tế thì việc kêu gọi đầu tư trong nước và vốn nước ngoài đều rất quan trọng. Đột phá không phải là cho làm đại. Chỉ tính đến hiệu quả nhà đầu tư mà không tính đến cộng đồng, địa phương và ngược lại, nếu chỉ hiệu quả cho địa phương thì nhà đầu tư không làm. Vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo phải am hiểu, được đào tạo, nâng cao trình độ liên tục để có trí tuệ tổng hợp. Có như vậy thì khi ra các quyết định mới chính xác và giải quyết được ngay. Khi có vấn đề với nhà đầu tư, người lãnh đạo có thể quyết được ngay chứ không đợi chuyển xuống cơ quan tham mưu "tháng này qua tháng nọ" rồi chuyển lên ủy ban xem xét "tháng này qua tháng nọ"…

Một điều quan trọng nữa là không được tư túi. Phải để cho người dân và nhà đầu tư cùng thấy thỏa đáng, đẩy kinh tế phát triển chứ không phải bàn với nhà đầu tư là anh làm cái này thì tôi có được 5%, được 10%...

Theo Kỳ Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên