MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xếp hạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà

Người Thái chịu khó học cả tiếng Việt để tăng sức cạnh tranh, trong khi đó, người Việt tiếng Anh vẫn là điểm hạn chế. Lao động Việt dường như đang dần để mất ưu thế ngay trên sân nhà.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Đánh giá này cũng cho biết nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp.

Đây cũng là nhận định của các chuyên gia trong nước: chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thấp và có khoảng cách lớn với các nước trong khu vực.

Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực của Việt Nam hiện mới chỉ đạt 3,39 trên 10 điểm. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%.

Ngoài ra, một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Trong bối cảnh đó, việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được mở ra vào cuối năm 2015 và Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến cho thị trường lao động trong các khu vực ký kết dần trở nên đồng nhất với nhau.

Điều này có nghĩa là, trong tương lai gần, thị trường lao động sẽ không còn phân định biên giới lãnh thổ, các lao động có chuyên môn, được công nhận sẽ có cơ hội di chuyển, tìm kiếm việc làm theo khả năng, nhu cầu bản thân. AEC là một ví dụ. Các thoả thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… sẽ là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động.

Với thị trường mở như vậy, nếu người lao động Việt Nam không thích ứng được bằng cách hoàn thiện mình về kiến thức, tay nghề, trình độ ngoại ngữ thì sẽ không có cơ hội vươn ra tầm khu vực, thậm chí, còn có thể thua ngay trên sân nhà.

Như trong báo cáo của Navigos quý II/2016 đã chỉ ra, nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, gia súc gia cầm, thú nuôi ở Việt Nam có nhu cầu cao về tuyển dụng nhân sự, người Việt có thể cạnh tranh được với người Thái về mặt kỹ thuật, nhưng vì hạn chế về tiếng Anh nên đã để vuột mất cơ hội. Cuối cùng, nhiều nhân sự người Thái đã được điều chuyển sang Việt Nam để thế vào chỗ mà lẽ ra đấy là của người Việt. Báo cáo còn nhấn mạnh thêm một khía cạnh, các nhân sự người Thái sẵn sàng học thêm tiếng Việt để nâng cao sức cạnh tranh cho bản thân.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên