MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xét xử Huyền Như: Thỏa thuận ngầm và món lợi lãi suất ngoài hợp đồng

29-05-2018 - 15:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Các luật sư cho rằng, hành vi của Huyền Như xâu chuỗi cả quá trình là lừa đảo, dẫn dụ con mồi bằng lãi suất ngoài hợp đồng với khủng.

Sáng 29/5, phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quê Tiền Giang)- cựu quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng Vietinbank tiếp tục với phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, luật sư Trương Thị Hòa – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank đưa ra quan điểm tranh luận với Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu (gọi tắt Công ty Toàn Cầu).

Trước đó, bảo vệ quan điểm kháng cáo luật sư của Công ty Toàn Cầu cho rằng, trách nhiệm của Vietinbank là liên đới cùng Huyền Như bồi thường thiệt hại.

Xét xử Huyền Như: Thỏa thuận ngầm và món lợi lãi suất ngoài hợp đồng - Ảnh 1.

Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa


Đáp lại quan điểm, luật sư Hòa dẫn luật dân sự nêu rõ về trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm của pháp nhân. Luật sư nêu, Huyền Như không phải là đại diện pháp luật của Vietinbank, ngân hàng cũng không ủy quyền cho Như huy động vốn. Hành vi của “siêu lừa” được xác định là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không có lý gì, Vietinbank phải bồi thường thiệt hại.

“Nghĩa vụ liên đới chỉ phát sinh khi có sự thỏa thuận giữa các bên, trong vụ này Vietinbank – Huyền Như – Công ty Toàn Cầu không có sự thỏa thuận nào”, bà Hòa khẳng định.

Theo luật sư, thiếu sót của Công ty Toàn Cầu là giao dịch ngoài trụ sở Vietinbank. Khi Huyền Như không còn làm việc tại Chi nhánh Nhà Bè nhưng Công ty Toàn Cầu chẳng quan tâm và liên tục ký các hợp đồng ủy thác đầu tư vì thực tế người của công ty không đến chi nhánh làm việc, không gặp đại diện hợp pháp của Chi nhánh Nhà Bè. Tiền ra khỏi tài khoản của Công ty cũng theo chỉ dẫn của Huyền Như.

Đối với kháng cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (viết tắt Công ty Phương Đông), luật sư Trương Xuân Tám – bảo vệ quyền lợi Vietinbank cho hay, quá trình xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, “Công ty Phương Đông cho rằng không hề biết bà Lê Thị Thanh Phương – nguyên Giám đốc khối nguồn vốn Tiênphong Bank (TPBank)”, nhưng thực tế hồ sơ tài liệu, quá trình xét xử tại các phiên tòa đều cho thấy, bà Phương là người soạn thảo hợp đồng gửi tiền Công ty Phương Đông để gửi Huyền Như.

TPBank và Công ty Phương Đông thiếu trách nhiệm để Huyền Như lợi dụng, thay đổi nội dung, thay đổi tài khoản. Hơn 1 tháng sau khi chuyển tiền, Như liên tục làm sai, nhưng cán bộ của Công ty Phương Đông chỉ gửi mail xác nhận sơ sơ và không thông báo lại cho ngân hàng biết.

“Không biết có phải vì lòng tham hay cả tin, kệ Như muốn làm gì thì làm”, ông Tám nói.

Vì mối quan hệ lợi ích với Huyền Như nên TPBank và Công ty Phương Đông không có trách nhiệm, thông báo kịp thời khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản hay tài khoản bị lợi dụng, thấy các giao dịch là nhưng vẫn bỏ mặc.

Chính hành vi sai phạm của TPBank và Công ty Phương Đông là tiền đề, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm. Nếu làm chặt chẽ thì Huyền Như không thể chiếm đoạt được.

Luật sư Tám cũng cho rằng, đại diện của bà Lê Thị Thanh Phương nêu là không biết Công ty Phương Đông nhưng bút lục lời khai của bà Phương đã khẳng định TPBank thông qua hai công ty là Phương Đông và An Lộc để gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi cao, né lãi suất của thị trường liên ngân hàng.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Trung cho biết, trường hợp của Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc (viết tắt Công ty An Lộc) gửi tiền đều do bà Phương trực tiếp làm việc với Huyền Như.

Lời khai của ông Nguyễn Hữu Chương - người liên quan đến hành vi gửi tiền này đã khẳng định: “Mọi giao dịch đều do TPBank thực hiện. Họ thực hiện giao dịch trước với nhau rồi thông qua chúng tôi ký hợp đồng. Chỉ ký hợp đồng theo chỉ định của TP Bank”.

Đối với phần kháng cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (viết tắt là SBBS), theo luật sư dù công ty trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ và thực hiện theo pháp luật. Mọi giao dịch của SBBS không phải với Vietinbank mà là với Huyền Như.

SBBS đang có hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại một số ngân hàng, nhưng họ tất toán tất cả để chuyển tiền vào Vietinbank thông qua Huyền Như.

"Đó là vì lãi suất vượt trần. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Thời điểm SBBS chuyển tiền là Như đã thực hiện mục đích rồi còn việc Như sử dụng thế nào là do Như. Tất cả sai phạm đó sao có thể coi là vô tư được", luật sư nói.

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Bắc, giữa SBBS và Huyền Như đã thực hiện"thỏa thuận ngầm", bất hợp pháp. Huyền Như giả danh cán bộ Chi nhánh Nhà Bè để làm việc với Kế toán trưởng của SBBS Vũ Thị Mỹ Linh nhằm thực hiện ý đồ chiếm đoạt tiền của SBBS.

Trong quá trình giao dịch "ngầm" với Huyền Như, từ đầu đến cuối, SBBS đã liên tiếp mắc nhiều sai phạm, lỗi tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tài sản của công ty.

Với các thủ đoạn gian dối, bẫy lãi suất chênh và tiền % cho kế toán trưởng mà Huyền Như đã tạo lòng tin, thúc đẩy SBBS liên tiếp có các sai phạm và Như đã lợi dụng lòng tin và các sai phạm đó chiếm đoạt trót lọt 210 tỷ đồng của Công ty SBBS.

Vietinbank hoàn toàn không biết việc thỏa thuận "ngầm" về lãi suất vượt trần và giao dịch trái pháp luật giữa SBBS với cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như. Vietinbank không ký Hợp đồng ủy thác đầu tư với SBBS, không trả tiền lãi 14% và không trả tiền lãi chênh cho SBBS. Vietinbank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của Công ty SBBS, luật sư nêu ý kiến.

Vì mục đích thu lời qua lãi suất chênh nên 4 công ty: SBBS, Toàn cầu, Phương Đông và Công ty An Lộc đã thỏa thuận, giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Huyền Như, đã có lỗi cũng như mắc nhiều sai phạm do "sập bẫy lãi suất" nên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa mất tài sản. Các luật sư đề nghị tòa không chấp nhận kháng cáo của 4 công ty.

Trước đó, các luật sư của 4 công ty cũng nêu quan điểm tranh luận. Các luật sư cho rằng, cả 4 công ty đều gửi tiền vào Vietinbank nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả tiền.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bảo vệ cho SBBS cho rằng, khi Như có những hành vi gian dối ban đầu thì cả 5 công ty đều chưa gửi tiền vào ngân hàng, nên Như chưa thể chiếm đoạt được tiền.

Chỉ khi 5 công ty mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản thì Như mới rút tiền ra. Việc mở tài khoản của SBBS là hợp pháp, hợp lệ. SBBS không phải là nạn nhân của Huyền Như.

Luật sư Trần Minh Hải, bảo vệ cho Công ty Phương Đông nêu 10 sai lầm pháp lý: nhận định sai lầm nghiệp vụ ngân hàng Huyền Như đã sử dụng để chiếm đoạt, xác định sai tư cách tham gia của Vietinbank, xác định sai người chiếm đoạt,  hành vi chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt tiền, không xử lý vật chứng triệt để... Luật sư Trần Minh Hải đề nghị Tòa cấp phúc thẩm ghi nhận những sai sót của bản án sơ thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Theo bản án sơ thẩm, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Trong 5 nguyên đơn thì Công ty Hưng Yên không kháng cáo. 4 công ty trên mất hơn 880 tỷ đồng đồng loạt kháng cáo đòi tiền từ Vietinbank. Huyền Như bị tuyên án Chung thân, đồng phạm Võ Anh Tuấn bị tuyên phạt 27 năm tù giam (tổng hợp 2 bản án)./.

Theo Việt Đức

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên