MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng đáng lo nhen nhóm trong thị trường bất động sản Trung Quốc: Kẻ sợ cảnh ‘màn trời chiếu đất’, người mừng thầm vì ‘thời đến’

30-01-2023 - 19:19 PM | Tài chính quốc tế

Xu hướng đáng lo nhen nhóm trong thị trường bất động sản Trung Quốc: Kẻ sợ cảnh ‘màn trời chiếu đất’, người mừng thầm vì ‘thời đến’

Số vụ tịch thu nhà đã tăng hơn gấp 3 lần ở Trung Quốc kể từ năm 2019, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn.

Anh Ya mua một căn hộ ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc vào năm 2018. Khi đó, anh nghĩ đó sẽ là khởi đầu của một chương mới tươi sáng.

Với giá 1,2 triệu NDT (174.000 USD), ngôi nhà rộng 85 mét vuông là đắt đỏ so với giá trung bình ở địa phương. Nhưng anh Ya thích địa điểm này và cho rằng giá bất động sản có thể sẽ tiếp tục tăng. Thêm vào đó, khoản thanh toán thế chấp hàng tháng 5.300 NDT có vẻ xoay xở được.

Tuy nhiên, 5 năm sau, anh Ya gần như mất tất cả.

Năm trước, Trung Quốc trải qua nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch. Cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp. Từ đó, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Anh Ya là người chuyên thiết kế quảng cáo cho các dự án bất động sản để kiếm sống, nên anh cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái.

Người đàn ông 32 tuổi này mất việc vào giữa năm 2021 và kể từ đó không thể tìm được công việc toàn thời gian khác. Anh cho biết không thể trả thế chấp từ những công việc tự do. Nếu tình hình không thay đổi, anh lo lắng ngân hàng sẽ tịch thu nhà của anh.

“Các khoản thanh toán thế chấp của tôi đã quá hạn vài lần rồi. Tôi đã từng ra tòa một lần vì lý do này. Nếu tôi có thể tìm được một công việc, căn hộ của tôi có thể không bị tịch thu”, anh Ya nói.

Anh Ya không phải người duy nhất rơi vào hoàn cảnh này. Tình trạng tịch thu nhà tại Trung Quốc đang gia tăng trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Giá nhà đất giảm, doanh thu kinh doanh lao dốc, tình trạng sa thải nhân viên trên diện rộng khiến tài chính của các hộ gia đình chịu áp lực lớn.

Theo báo cáo China Leverage Ratio Report 2021, số lượng nhà bị tịch thu đã tăng vọt từ 500.000 căn vào năm 2019 lên hơn 1,6 triệu vào năm 2021. Báo cáo cho biết thêm, số lượng các vụ kiện pháp lý liên quan đến việc các ngân hàng truy tố những người không trả được nợ thế chấp cũng đã tăng lên “đáng kể”.

Xu hướng đáng lo nhen nhóm trong thị trường bất động sản Trung Quốc: Kẻ sợ cảnh ‘màn trời chiếu đất’, người mừng thầm vì ‘thời đến’ - Ảnh 1.

Ảnh: VCG

Khủng hoảng nợ

Tại thành phố Trịnh Châu, quê của anh Ya, hàng trăm ngôi nhà bị tịch thu mỗi tháng và con số này đang tăng lên đều đặn.

Ông Zhou, người làm đại lý bất động sản ở Thành Đô, cũng nhận thấy số vụ tịch thu nhà gia tăng. Ông cho rằng đó là do dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.

Nhiều trường hợp, người lao động không thể trả các khoản thế chấp sau khi bị sa thải hoặc cắt giảm lương. Ở những nơi khác, các chủ doanh nghiệp sử dụng nhà của họ làm tài sản thế chấp, khi công ty bị ảnh hưởng bởi suy thoái và không thể xoay chuyển tình thế.

Ông Zhou cho biết: “Nhiều người buộc chịu bị tịch thu tài sản thế chấp vì họ phải gánh một số tiền phạt lớn sau khi vi phạm hợp đồng thế chấp”.

Nhưng số lượng nhà bị tịch thu gia tăng không chỉ là kết quả của một cú sốc kinh tế ngắn hạn. Các nhà kinh tế nói rằng nó phản ánh những vấn đề sâu sắc hơn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã dựa vào thị trường bất động sản như một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Sự bùng nổ nhà ở đang khiến các nhà phát triển và hộ gia đình phải gánh mức nợ đáng lo ngại và khiến họ dễ bị suy sụp.

Giờ đây, bong bóng nhà đất cuối cùng cũng có vẻ như đang xì hơi. Năm 2022, các công ty bất động sản Trung Quốc không thể trả hết nợ nên tạm dừng xây dựng hàng triệu căn hộ. Các nhà chức trách đã can thiệp bằng các gói cứu trợ lớn, nhưng niềm tin vào thị trường vẫn chưa phục hồi. Giá nhà đất tại các thành phố của Trung Quốc đã giảm 6 tháng liên tiếp.

Sự suy giảm của thị trường bất động sản chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với những chủ nhà đã mua vào thời điểm giá cao ngất ngưởng. Nhiều người đã chứng kiến ​​giá trị căn nhà của họ giảm mạnh. Một số người vẫn còn nợ ngân hàng ngay cả sau khi đã bị tịch thu nhà.

Xu hướng đáng lo nhen nhóm trong thị trường bất động sản Trung Quốc: Kẻ sợ cảnh ‘màn trời chiếu đất’, người mừng thầm vì ‘thời đến’ - Ảnh 2.

Ảnh: IC

Săn nhà giá rẻ

Tuy nhiên, đối với một số người khác, số lượng nhà bị tịch thu lại mang đến một cơ hội kinh doanh mới. Các cơ quan hỗ trợ đấu giá mọc lên như nấm sau mưa ở những khu vực có nhiều doanh nghiệp phá sản, chẳng hạn như Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang.

Song, thị trường đấu giá bất động sản lớn nhất là Trùng Khánh. Số lượng căn hộ được đưa ra đấu giá tại đây đã đạt 26.500 căn vào năm 2020 và tăng vọt lên 37.100 căn vào năm 2021. Hầu hết các căn nhà này bị tịch thu sau các tranh chấp, 10% thì liên quan đến các vụ án hình sự hoặc tin đồn “ma ám”.

Ông Zhang, người quản lý công ty đấu giá địa phương cho biết: “Do đại dịch, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong 3 năm, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Những ngôi nhà của các doanh nhân này có chất lương tương đối cao và giá cả phải chăng”.

Yinshan, cơ quan hỗ trợ đấu giá nơi ông Zhang làm việc, được thành lập vào năm 2020 để tận dụng thời cơ này. Doanh nghiệp này làm mọi cách để giúp người mua nhà sở hữu căn nhà với giá hời, xác định các khoản đầu tư hứa hẹn, xử lý cuộc đấu giá và hỗ trợ sau khi mua hàng.

Zhang cho biết, một phần quan trọng của quy trình là đảm bảo sẽ không có sự cố sau khi mua nhà. Yinshan cẩn thận điều tra lý do vì sao căn nhà bị tịch thu, chủ sở hữu ban đầu là ai và liệu ngôi nhà có nhiều khoản thế chấp hay không.

Anh Ya ở Trịnh Châu đang hy vọng tránh được số phận phải đi bán nhà. Gần đây, anh đã xin gia hạn khoản thế chấp để ít nhất là căn nhà sẽ không bị tịch thu ngay lúc này. Nhưng anh vẫn rất lo lắng về tương lai và mong sẽ có một hệ thống giúp các chủ nhà vượt qua thời kỳ khó khăn.

Tham khảo Sixth Tone

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên