MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng: Cơ chế mới không phải "đũa thần"

01-09-2018 - 19:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Sự ra đời của Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã giúp gỡ nhiều "nút thắt" khiến việc xử lý nợ xấu đơn giản hơn.

Nợ xấu từng bị coi là "cục máu đông" gây tắc nghẽn "dòng chảy" của nền kinh tế, khiến nhiều tổ chức tín dụng rơi vào cảnh phải xóa tên để sáp nhập vào đơn vị khác. Với hàng nghìn dự án bỏ hoang, doanh nghiệp dừng hoạt động... cùng nhiều hệ lụy khác, nợ xấu đã khiến cả nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro, song xử lý lại không đơn giản.

Những khoản nợ xấu lộ diện sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng quá nóng được coi như bài học lớn, đắt giá cho các tổ chức tín dụng. Qua nhiều năm “xoay xở” với không ít những bàn cãi, ý kiến trái chiều, sự ra đời của Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, mặc dù không hẳn là “chiếc gậy thần” nhưng cũng đã gỡ nhiều "nút thắt" giúp việc xử lý nợ xấu đơn giản hơn.

Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng: Cơ chế mới không phải đũa thần - Ảnh 1.

Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Ảnh minh họa: KT)

Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho thấy, văn bản này đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng trong giải quyết dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu. Sự ra đời của Nghị quyết 42, dù còn những vướng mắc, song đã mở “nút thắt” cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cũng như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)...

Trước hết, Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản (VAMC) chia sẻ, Nghị quyết 42 đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường. Doanh số mua nợ thị trường của VAMC đến 15/8/2018 đạt 3.523 tỷ đồng, thu hồi được 3.408 tỷ đồng, tương ứng với 98% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường. Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng được mở rộng, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

“Nghị quyết 42 đã tạo động lực giúp các Tổ chức tín dụng và VAMC mua bán nợ theo cơ chế thị trường, đơn cử đã giúp VAMC đứng ra bán đấu giá một số khoản nợ rất lớn phức tạp và đạt được kết quả tốt. Chứng tỏ Nghị quyết 42 đã và đang đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định.

Mặc dù đạt kết quả khích lệ nhưng các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu vẫn còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc như thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương, khó thu giữ với những TSBĐ chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế…

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý TSBĐ chưa nhiều.

“Việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự hiện cũng là vấn đề phụ thuộc nhiều quan điểm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng do chưa có văn bản pháp luật nào giải thích cụ thể thế nào là yếu tố ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết.

Lý giải về những khó khăn này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới cần điều chỉnh một số quy định pháp lý. Đơn cử, trong Nghị quyết 42 quy định khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo và trong hợp đồng đảm bảo hầu hết đều quy định các khách hàng sẽ bàn giao tài sản đảm bảo nếu không trả được nợ, nhưng lại không quy định đồng ý cho tổ chức tín dụng được thu giữ.

Dự kiến trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu, đặc biệt chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường. Ðây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhiệm vụ với ngành ngân hàng còn rất nặng nề, trong đó yêu cầu cao là xử lý nợ xấu thực chất hơn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kịp thời phát hiện các vướng mắc, không được để “mất đà” cơ cấu lại các tổ chức tính dụng, xử lý nợ xấu.

“Sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát. Chúng tôi cũng đề nghị các tổ chức tín dụng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đạo đức thực hiện nghiêm các Đề án đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hoặc rà soát bổ sung để hoàn thiện các Đề án này. Phải phấn đấu nâng cao tỷ trọng doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Thứ hai là tính toán để xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa số lượng, quy mô tín dụng đối với nền kinh tế”, Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Dù cơ chế mới xử lý nợ xấu không phải "cây đũa thần" nhưng đã góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng và những vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện, gỡ vướng trong thời gian tới./.

Theo Văn Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên