MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu: Đường đi đã thẳng?

19-10-2019 - 17:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian qua, để giải quyết triệt để “cục máu đông” nợ xấu gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế, nhiều văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành được ra đời và đã phát huy được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những vướng mắc, khó khăn khiến “con đường” xử lý nợ xấu dù đã thẳng nhưng còn gập ghềnh.

Xử lý 9,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu mỗi tháng

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) (Nghị quyết 42) có hiệu lực từ 15/8/2017 là căn cứ pháp lý quan trọng trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu, đồng thời tăng quyền chủ động cho các ngân hàng và nâng cao ý thức của người trả nợ. Cùng với đó là hàng loạt hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao… được ban hành đã giúp Nghị quyết đi vào thực tiễn. Theo các chuyên gia, hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là tương đối hoàn thiện, tiến gần hơn với các quy định chung thường thấy tại các quốc gia có hệ thống pháp lý phát triển trên thế giới.

Báo cáo về kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra, giám sát NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%). Lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, Nghị quyết 42 đã giải tỏa được những "điểm nghẽn" của nền kinh tế, mang lại nguồn lực cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm qua, công tác xử lý nợ xấu của Vietcombank đã tăng lên rất nhiều. Những năm trước đây, Vietcombank thường thu được từ 1.500-2.000 tỷ đồng nợ ngoại bảng, nhưng 2 năm gần đây đã tăng đáng kể, năm 2018 thu nợ xấu ngoại bảng đạt 3.200 tỷ đồng, năm nay dự kiến con số sẽ cao hơn nhiều.

Tương tự, tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, khách hàng có trách nhiệm và ý thức trả nợ hơn. Trong số hơn 140.000 tỷ đồng nợ cần phải xử lý, 2 năm qua, Agribank đã thu hồi được 110.000 tỷ đồng (dự án, tài sản thế chấp), trong đó thu hồi của khách hàng khoảng 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều rào cản đã được tháo gỡ, trong đó cho phép TCTD có thể xử lý thu hồi nợ dưới giá gốc, bán nợ với giá thị trường, cơ chế thu hồi được ưu tiên thanh toán, thu hồi nợ gốc trước.

Vẫn vướng và vướng

Một trong những vướng mắc trong xử lý nợ xấu được các ngân hàng nói đến là liên quan đến thuế. Ông Phạm Toàn Vượng cho hay, có nhiều tài sản đảm bảo Agribank đấu giá thành công, nhưng một số cơ quan Thuế và địa phương áp dụng theo cách khác nhau, dẫn đến tình trạng những tài sản thu hồi bị kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho người mua do không thể chuyển đổi, sang tên để tiếp tục sử dụng tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh. Điển hình, dự án xi măng Thanh Liêm, được trả chậm 20 năm, nhưng khi đấu giá thành công, cơ quan Thuế yêu cầu phải nộp ngay 40 tỷ đồng dù ngân hàng đã có văn bản xin miễn, giảm, kéo giãn thuế.

Cũng với vướng mắc này, lãnh đạo Vietcombank bày tỏ mong muốn thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn văn bản cụ thể để hướng dẫn chi cục thuế thực hiện thống nhất các nguyên tắc đã được đề ra trong Nghị quyết 42. Bởi hiện nay, vẫn còn một số chi cục thuế địa phương có cách áp dụng khác nhau như: Yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện tất cả các nghĩa vụ thuế trước khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản... trong khi Nghị quyết 42 nêu rõ nguyên tắc là quyền ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ có bảo đảm của TCTD khi có tài sản đảm bảo liên quan đến các vụ án.

Một vấn đề khác cũng khiến "con đường" xử lý nợ xấu gặp khó khăn là đột nhiên xuất hiện các vụ tranh chấp khi ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo. Như một vụ việc mới đây tại Agribank chi nhánh TP HCM, một khách hàng vay vốn tại đây thế chấp dự án tại Bình Dương từ năm 2000. Sau 10 năm khách hàng không xử lý được đã đồng ý phối hợp với ngân hàng thực hiện đấu giá tài sản. Ngân hàng và vị khách hàng này đã có tới 13 lần đấu giá mới bán được nợ xấu. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng lấy lý do đấu giá không đúng quy định để kiện ngân hàng, khiến việc thi hành án bị đình lại. Dù vụ việc này đã được Bộ Tư pháp thanh tra và kết luận đúng quy trình đấu giá, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, nhưng hiện tại Tòa án nhân dân vẫn thụ lý và không cho chuyển nhượng, gây thiệt hại cho ngân hàng vì giao dịch không thực hiện được.

Cũng tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho biết việc áp dụng thủ tục rút gọn tại toà vẫn chưa thực hiện được. Agribank có hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu từ 1 triệu khách hàng cần xử lý theo Nghị quyết 42, trong đó có gần 7.000 vụ tranh chấp phát sinh qua toà án dân sự. Nhưng theo đại diện lãnh đạo Agribank, 2 năm qua mới thực hiện hơn 10 vụ và quá trình thụ lý chưa có vụ nào được áp dụng thủ tục rút gọn tại toà, có 1 vụ hoà giải còn lại được toà hướng dẫn sang áp dụng thủ tục thông thường.

Rõ ràng, những vướng mắc trên cho thấy, quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện các công tác liên quan đến xử lý nợ xấu còn vướng mắc do cách hiểu ở mỗi cơ quan và địa phương khác nhau. Nhưng điều này cũng dễ hiểu bởi “nợ xấu” luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khiến những đơn vị tổ chức liên quan khi xử lý phải rất thận trọng. Tổng giám đốc Vietcombank bày tỏ, sự cẩn trọng trong quá trình xử lý nợ xấu là cần thiết, nên khi các quy định đi vào thực tiễn cũng cần phải có “độ trễ” cho các cơ quan quản lý thực hiện nhuần nhuyễn, thống nhất.

Từ những vướng mắc nêu trên, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc. Nhưng vấn đề mấu chốt nhất vẫn là thị trường mua bán nợ, các cơ quan quản lý cần xây dựng được thị trường hoàn chỉnh để các hoạt động mua bán nợ diễn ra công khai, minh bạch, sôi nổi. Những giải pháp này sẽ giúp "con đường" xử lý nợ xấu vừa thẳng, vừa thông suốt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Kiên trì xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường

Bước vào giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng XII nêu rõ thực trạng nợ công cao, áp lực lớn, nợ xấu cao (10,08% nợ nội bảng), rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng. Do đó, Đảng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và gắn với xử lý nợ xấu. Nhiệm vụ này còn khó khăn hơn khi dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ đã chật hẹp, “độ mở” của nền kinh tế lớn, nếu giải quyết không khéo thì vừa không hiệu quả kinh tế vừa gây bất ổn vĩ mô.

Với tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, tôi tin tưởng cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định 986/QĐ-TTg, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại TCTD và các chính sách vĩ mô khác. Quan điểm xử lý nợ xấu là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm ở những trường hợp đặc thù; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD; bảo đảm an toàn, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.

Do đó, ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần bám sát Nghị quyết 42, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết 01 hằng năm của Chính phủ; khẩn trương phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng còn lại; tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện phương án mua lại các ngân hàng yếu kém; xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu thông tin tài sản; tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra của ngành, có cơ chế cảnh báo sớm, tập trung vào các vấn đề có rủi ro cao để không phát sinh thêm nợ xấu mới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: Công tác xử lý nợ xấu sẽ được làm quyết liệt hơn

Hiện tại ngành Ngân hàng đang trong những bước đi xử lý các vấn đề ngắn hạn cũng như mục tiêu xử lý nợ xấu trong dài hạn. Đặc biệt, tới đây, ngành Ngân hàng sẽ tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy như sửa đổi Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp quy có liên quan. Công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng sẽ liên tục được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, các TCTD cần nghiêm túc nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được cùng với những tồn tại, hạn chế, kể cả những vi phạm đã xảy ra trong hoạt động của mình, đồng thời ngành Ngân hàng cũng sẽ quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn trong thời gian tới để tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án Cơ cấu lại cũng như gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đóng góp vào kết quả chung của cả nền kinh tế.

Minh Chi (ghi)

Theo Hương Dịu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên