MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu gặp khó vì nộp thuế sau bán tài sản đảm bảo

30-07-2018 - 21:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đã được các lãnh đạo ngân hàng chỉ ra trong một năm thực hiện Nghị quyết 42. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh vai trò của ý chí, quyết tâm của bản thân các ngân hàng.

Chia sẻ tại Hội nghị về vấn đề xử lý nợ xấu do NHNN tổ chức mới đây, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các ngân hàng đã được thẳng thắn chỉ ra.

Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Trần Văn Dự, mặc dù Bộ Tài chính có văn bản quán triệt thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội nhưng các hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

"Bán TSĐB dù đã hoàn tất nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Khó khăn khi bán tài sản đảm bảo lại đến ngay từ vấn đề thuế", ông Dự cho hay. Do đó, ông Dự cho rằng cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá TSĐB.

Đồng thời, dù đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng ông Dự chia sẻ chính quyền địa phương hiện vẫn chưa vào cuộc mạnh mẽ. Như trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng nhưng việc kinh doanh bị thua lỗ khiến khách hàng không có điều kiện trả nợ. Nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, theo ông, sẽ rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Đồng quan điểm trên đại diện lãnh đạo Vietcombank cho rằng dù Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận TSBĐ nhưng khi khách hàng cố tình chống đối thì các ngân hàng vẫn phải khởi kiện khách hàng ra Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án.

Như vậy, các TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ thành công đối với một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp; TSBĐ là đất trống … gây hạn chế việc xử lý TSBĐ của các TCTD.

Xử lý nợ xấu gặp khó vì nộp thuế sau bán tài sản đảm bảo - Ảnh 1.

Ngoài ra, lãnh đạo Vietcombank cũng nhắc lại quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ trong đó ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của các TCTD đứng trước nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ không có bảo đảm khác của bên bảo đảm.

Dù một số cơ quan chức năng như Tổng cục thi hành án có văn bản hướng dẫn nội bộ nhưng đến nay Tổng cục thuế vẫn chưa có hướng dẫn nội bộ về nội dung trên.

Nhiều trường hợp khi TCTD phát mại tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, cơ quan thuế tại địa phương yêu cầu phải thanh toán tiền thuế nợ đọng của các doanh nghiệp thì mới thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Ghi nhận các khó khăn trên nhưng theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh về cơ bản nhiều khó khăn vướng mắc đã được giải quyết khi Nghị quyết 42 được ban hành. Các khó khăn hiện nay xuất phát từ trong quá trình triển khai. Phó Thống đốc cũng lưu ý hiệu quả xử lý nợ xấu thời gian qua trước hết phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của các TCTD.

"Trong quá trình theo dõi chúng tôi thấy nơi nào Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc quyết liệt, lăn lộn thì chắc chắn kết quả tốt hơn", Phó Thống đốc nói. Cũng tại Hội nghị, Phó Thống đốc cũng giao Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng rà soát lại chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, xem những đơn vị đã làm, làm tốt, những việc chưa làm, còn còn những hạn chế gì để tiếp tục chỉ đạo.

Theo Ngọc Linh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên