MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Đã đến thời của cổ phiếu nhỏ?

Đà tăng cực mạnh của VN-Index tuần qua vẫn được các chuyên gia nhìn nhận tích cực...

VN-Index tuần qua tăng 5%, là mức tăng kỷ lục trong gần hai năm và bắt đầu có những lo ngại về mức độ tăng quá nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn lại cho rằng thị trường không quá nóng.

Nguyên nhân chính là việc chỉ số tăng nhanh có phần đóng góp của các cổ phiếu lớn mà chưa phản ánh hết thị trường. Mặt khác dòng tiền đổ vào ở mức độ lớn thì giá tăng trưởng là đương nhiên. Các diễn biến rung lắc có thể thường xuyên xuất hiện hơn trong giai đoạn này.

Hiện tượng dịch chuyển dòng tiền trong phiên cuối tuần qua về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại được các chuyên gia nhìn nhận khác nhau. Quan điểm khá chung là dòng tiền vẫn đổ vào các cổ phiếu blue-chip là chính và có thể luân chuyển giữa các nhóm. Đó vẫn là các cổ phiếu có câu chuyện riêng, có nền tảng cơ bản tốt.

Riêng đối với hiện tượng bùng lên của những cổ phiếu đầu cơ nhỏ sẽ khó kéo dài. Đồng thời, năm nay thị trường dường như phá bỏ các quy luật thông thường, nên có khả năng các mã đầu cơ chưa hấp dẫn được dòng tiền ở thời điểm hiện tại. Cũng có quan điểm xác nhận đã có dấu hiệu này, nhưng biểu hiện rõ hơn cần thêm thời gian vài tuần tới.

Với đánh giá lạc quan về thị trường, các chuyên gia vẫn thiên về nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và có giao dịch ngắn hạn thì cũng chỉ là trong danh mục hiện tại.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Anh chị đã đúng khi tuần này thị trường tăng cực mạnh. Thậm chí VN-Index đã có tuần tăng xô đổ mọi kỷ lục từ 2016. Đã có những lo ngại về thị trường tăng trưởng quá nóng. Cảm nhận của anh chị thì sao?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng sau một nhịp tăng trưởng mạnh về mặt điểm số nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đà tăng của thị trường có thể sẽ chậm lại trong một vài tuần tới.

Đà tăng của thị trường được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa tốt hơn đến các nhóm cổ phiếu khác khi các cổ phiếu vốn hóa lớn chuyển dần sang trạng thái điều chỉnh tích lũy để hình thành mặt bằng giá mới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Cơn "lên đồng" của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đưa VN-Index bay qua mốc 900 điểm sau 10 năm chờ đợi và đang hướng đến mức đỉnh kể từ khi ra đời, trong kịch bản lạc quan nhà đầu tư đang liên tưởng thị trường ở thời điểm hiện tại với "cơn điên" của năm 2007.

Nếu tính từ thời điểm đầu năm khi VN-Index đang ở mức 672 điểm đến khi đạt 801,2 điểm (thành tích 129,2 điểm mất 171 phiên) thì cú nước rút thần tốc từ mức 801,2 điểm đến khi đạt 903,5 điểm có lẽ làm cho các nhà đầu tư choáng váng hơn bao giờ hết (với thành tích 102,3 điểm chỉ trong vòng 52 phiên).

Như vậy, gia tốc của đoạn nước rút gấp 2,6 lần giai đoạn thị trường đi từ 672 điểm đến 801,2 điểm, đây là thành tích quá ấn tượng trong vòng 10 năm qua.

Tuần vừa qua thị trường tiếp tục giữ phong độ tốt với thành tích 44,87 điểm và khi thị trường chỉ hạ nhiệt khi có những rung lắc mạnh ở hai phiên cuối tuần. Đây là kết quả của dòng tiền cực lớn vào thị trường làm cho chỉ số nhẹ nhàng vượt qua ngưỡng tâm lý chỉ trong "một nốt nhạc". Kịch bản vẫn không có gì thay đổi khi các nhân vật chính vẫn là các trụ nhưng càng về sau càng trở nên hấp dẫn hơn, lôi kéo tiền vào mạnh và lan tỏa rộng.

Tóm lại, dòng tiền đang là sức mạnh của thị trường và là yếu tố quyết định, tiền càng nhiều thì thị trường càng có triển vọng tăng cao hơn bất kể là mốc kháng cự nào đi chăng nữa, những điều này hiện tại thị trường đang được duy trì và có phần gia tăng trong tuần qua.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Trong tuần tới, các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 11 sẽ được công bố với dự báo duy trì xu hướng ổn định, tiếp tục là bàn đạp hỗ trợ cho xu hướng tăng trung hạn. Với dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các cổ phiếu đầu ngành, thanh khoản luôn ở mức cao cho thấy sự lạc quan trong tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, sau tuần tăng rất mạnh, các nhịp rung lắc có thể xuất hiện trước khi chinh phục các ngưỡng mới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Trong thời gian qua chúng ta đã thảo luận rất nhiều về định giá của thị trường, với việc chỉ số tăng mạnh nhờ một số nhóm cổ phiếu trụ nhất định là chưa phản ánh đúng thực trạng định giá hiện tại của thị trường chung. Quan sát giao dịch trong tuần qua chúng ta cũng thấy được sự dịch chuyển dòng tiền một các rõ rệt từ nhóm trụ như VNM, VIC sang các nhóm khác như ngân hàng, bất động sản, dầu khí… thì tôi cho rằng thị trường hiện tại chưa quá nóng, và chưa đáng ngại.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Hai phiên giao dịch cuối tuần thị trường đã cho thấy sự thay đổi nhất định, với việc các blue-chip tăng chậm lại nhưng các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng rất mạnh. Liệu chu kỳ thị trường có lặp lại, sau sóng tăng của blue-chip sẽ là thời kỳ của các cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu nhỏ?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Dòng tiền đang được luân chuyển từ nhóm cổ phiếu blue-chip sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình trong tuần vừa qua.

Các cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm vốn hóa lớn vẫn thu hút được dòng tiền và là yếu tố dẫn dắt chỉ số. Nhóm ngân hàng là nhóm có đà tăng ấn tượng nhất trong tuần qua khi các đại diện của nhóm này như VCB, BID, CTG, MBB, ACB, VPB,… đều bật tăng mạnh mẽ. Trong đó, những định hướng chính sách xuyên suốt về xử lý nợ xấu và minh bạch hóa hệ thống ngân hàng vẫn được xem là nhân tố hỗ trợ cho nhóm này.

Các nhóm có tính thị trường như Chứng khoán cũng chứng kiến đà tăng khá khi khối lượng giao dịch liên tục được duy trì ở mức cao. Mặc dù giảm khá về cuối tuần do cặp đôi PLX và GAS, nhóm Dầu khí cũng đóng góp cho đà tăng của chỉ số khi PVD, PVS vẫn ghi nhận sắc xanh nhờ thông tin hỗ trợ từ giá dầu thế giới. Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhóm bất động sản lại trở thành điểm sáng khi DXG, NLG, SJS,…và nhiều đại diện khác bật tăng. Đây có thể được xem là tín hiệu cho thấy sự dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường.

Khối lượng vẫn duy trì ở mức 174 triệu cổ phiếu/ phiên và các chỉ số chính vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, tại thời điểm hiện tại chúng tôi chưa lo ngại về thị trường chung. Chiến lược mua và nắm giữ các cổ phiếu cơ bản có triển vọng kinh doanh tích cực năm 2017 vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Đã có những dấu hiệu mạnh nha về sự dịch chuyển của dòng tiền từ blue-chip sang các cổ phiếu mid-cap và small-cap trong phiên cuối tuần qua.

Tôi cho rằng sự luân phiên của dòng tiền qua các nhóm cổ phiếu có thể sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong một vài tuần tới khi mà cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn ở các cổ phiếu lớn đang khá khó khăn.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Trong tuần qua tôi đã có nhận định về sự dịch chuyển của dòng tiền từ nhóm trụ như VIC, VNM sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện đầu tư tốt như Ngân hàng, dầu khí, nhóm thoái vốn… và quan sát thực tế thị trường tuần qua tôi thấy diễn biến đó diễn ra khá phù hợp với nhận định của tôi.

Cùng với đó là dòng tiền vào nhóm bất động sản cũng tốt ở phiên cuối tuần, nên tôi cho rằng xu thế thị trường thời gian tới dòng tiền vẫn sẽ vào các nhóm cổ phiếu trên, đặc biệt là những cổ phiếu có câu chuyện đầu tư rõ ràng.

Việc có một số cổ phiếu nhỏ hút tiền trong tuần qua theo tôi sẽ không kéo dài và đó có thể là những phiên hồi kỹ thuật và sẽ sớm chững lại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Tôi đồng ý với nhận định trên về quy luật luân chuyển của dòng tiền, tuy nhiên yếu tố thời điểm vẫn còn bỏ ngỏ.

Như đã nhận định ở các kỳ trước, thị trường năm nay là chưa từng có, các quy luật như "sell in may" hay thống kê về tháng 11 tệ hại trong quá khứ…đã không còn đúng với VN-Index. Dòng tiền đang là yếu tố tạo ra sự khác biệt, hai phiên cuối tuần đã phần nào nói lên điều đó.

Trong bối cảnh thị trường đang ở đỉnh cao và tăng không ngừng nghỉ như hiện nay thì với cú rung lắc mạnh như ở 2 phiên cuối tuần đáng lẽ thị trường đã chìm hẳn, tuy nhiên dòng tiền bắt đáy lại nhanh chóng đẩy chỉ số lên với vai trò chủ đạo từ các blue-chip đã tạo sự lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu khác như ngân hàng, bất động sản, dầu khí…. Độ phục hồi nhanh chóng của thị trường cho thấy vai trò của các bluechips như "nhạc trưởng" của thị trường lúc này.

Ở giai đoạn nào của thị trường thì vẫn có những nhà đầu tư kiền trì lặng lẽ tìm đến những cổ phiếu đi ngược thị trường để chờ ngày "bùng nổ". Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tôi năm nay xác suất rất thấp để đến thời kỳ của các cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu nhỏ, nó sẽ đến theo quy luật nhưng sẽ sau khi thị trường vượt đỉnh hoặc năm sau.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Điều cực kỳ ấn tượng trong những tuần gần đây có lẽ là quy mô thanh khoản gia tăng rất lớn. Là những thành viên bám sát thị trường, anh chị có nhận thấy hiện tượng dòng tiền mới đang vào thị trường hay không?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Sự bứt phá của các chỉ số trong suốt thời gian vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho sự xuất hiện của dòng tiền mới vào thị trường.

Cá nhân tôi kỳ vọng rằng, với định hướng chính sách của ngân hàng nhà nước cùng chu kỳ hồi phục của nền kinh tế và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán, thì nhiều khả năng dòng tiền mới bao gồm cả dòng tiền nội và ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Vấn đề này tôi đã đề cập trong các nhận định trước rằng việc VNM thoái vốn thành công hơn mong đợi đã là tín hiệu cho một luồng tiền mới đổ vào thị trường.

Về mặt suy luận đơn giản nhất là những nhà đầu tư đã bán VNM cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại mua trên sàn, và đó chính là dòng tiền mới. Và với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, cùng với những chính sách của chính phủ thì việc dòng tiền mới tham gia vào thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Đúng như nhận định trên, dòng tiền liên tục tăng và thị trường thăng hoa đang được hỗ trợ từ thanh khoản ra tăng ngày càng lớn, nếu như bình quân tháng 10 (theo khớp lệnh) thị trường giao dịch ở mức 3.045 tỷ đồng/phiên thì 2 tuần đầu tháng 11 đã lên 3.514 tỷ đồng/phiên và trong 2 tuần vừa qua tiếp tục tăng lên 4.486 tỷ đồng/phiên (tăng 47% so với tháng 10 và tăng 28% so với 2 tuần đầu tháng).

Bên cạnh đó, dòng tiền nước ngoài đổ vào thị trường đang ở mức kỷ lục chưa từng thấy, thậm chí vượt xa cả năm 2007. Điểm đến của dòng tiền này là các cơ hội IPO và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Cái tên nổi bật nhất trong tuần vừa qua mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng biết - Jardine Matheson là minh chứng cho sức mạnh của dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường hiện nay. Sau khi ‘ăn vã" bò sữa VNM thì một công ty con thuộc Tập đoàn Jardine Matheson lại vừa đăng ký mua cổ phiếu REE cho thấy dòng tiền nước ngoài đang xác định đi cùng thị trường dài hạn, cùng với quá trình thoái vốn của SCIC quy mô thanh khoản hứa hẹn còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần trước anh chị đã gia tăng cổ phiếu và hẳn được hưởng trái ngọt trong tuần này. Anh chị có giao dịch gì không, tăng hay giảm tỷ trọng?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi vẫn mua và nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt, đặc biệt có kết quả kinh doanh quý 4 dự kiến cao như HPG, FPT. Mua mới các cổ phiếu bất động sản như NLG, DXG, SJS.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong thời gian qua, và trading trên chính danh mục của mình. Tôi có mua bán nhưng chỉ là trading, cơ bản vẫn giữ tỷ trọng 70% cổ phiếu và 30% tiền.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Tâm lý thị trường đang rất tốt, đến giảm cũng không nổi. Thị trường hấp dẫn ngay cả những người khó tính nhất: rung lắc rồi lại lên, Black Friday thỏa thích mua sắm buổi sáng rồi chiều lại lầm lũi đi lên, sức lan tỏa đang tăng: 2 ngày cuối tuần hệ số tăng/giảm lần lượt là 145 mã tăng/129 mã giảm và 188 mã tăng/95 mã giảm, rất ấn tượng!

Dòng tiền vận động khá tích cực cả ở trụ và ở thị trường chung, dòng tiền ngoại cũng đang có chiến lược đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Tóm lại thị trường vẫn ổn, sức lan tỏa đang tăng vì vậy đây là thời điểm lựa chọn cổ phiếu để cơ cấu danh mục thay vì lo sợ thị trường tăng nóng, mặc dù dài hạn thị trường vẫn trong trend tăng nhưng dấu hiệu giảm tốc của thị trường cũng cho thấy đà tăng ngắn hạn đã có sự thận trọng và có thể có sự điều chỉnh, vì vậy tôi vẫn duy trì tỷ lệ danh mục 80% là cổ phiếu.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi tiếp tục thực hiện mua thêm 10% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện tại là 80% cổ phiếu (trong đó, tỷ trọng các vị thế trung hạn chiếm 30%).

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên