MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Thời điểm chọn “ngựa chiến”

Với tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đã kết thúc, các chuyên gia cho rằng xu thế tăng sẽ tiếp diễn...

Theo các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn, sau khi bứt phá qua ngưỡng 750 điểm thì VN-Index có khả năng rất cao tiến tới vùng 770-780 điểm. Yếu tố hỗ trợ được kỳ vọng lúc này là dòng tiền ổn định và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bỏ vốn lớn vào thị trường.

Yếu tố cơ bản cũng được nhìn nhận là vai trò dẫn dắt của các blue-chip đầu ngành ở thời điểm thị trường hướng tới đợt công bố kết quả kinh doanh quý 2/2017.

Do thời điểm này các yếu tố cơ bản sẽ dần tác động nhiều hơn tới thị trường nên các chuyên gia cho rằng đây là lúc lựa chọn cổ phiếu, tái cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng ở những cổ phiếu đã hết đà tăng. Các cổ phiếu dự kiến có đột biến trong lợi nhuận sẽ thu hút dòng tiền mạnh hơn và tạo nên sự phân hóa chứ không dẫn đến nhịp tăng dàn trải.

Nguyễn Hoàng

Cuối cùng thì những sức ép ngắn hạn đã qua đi, FED đã tăng lãi suất, ETF đã cơ cấu xong. Thị trường có một phiên cuối tuần khá mạnh khi cầu đủ lớn ở các cổ phiếu bị quỹ bán ra và vẫn tăng giá. Theo anh chị thị trường đã có thể rộng đường tăng được chưa? Có điều gì khác khiến anh chị thận trọng nữa không?

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Nhìn dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index sau khi vượt qua vùng 750 (+/- 5 điểm) sẽ tiếp tục tiếp cận vùng kháng cự có thể gọi là rất mạnh 770 - 780 điểm khi mà khả năng điều chỉnh của thị trường với biên độ lớn có khả năng xảy ra.

Có thể tuần tới VN-Index vẫn chưa đạt vùng kháng cự trên nhưng chúng ta vẫn nên cảnh giác nếu thị trường bất ngờ tăng mạnh và nhanh hơn.

Câu chuyện mà chúng ta quan tâm ở đây đó thì giá trị của cổ phiếu mà chúng ta đang nắm giữ và chúng ta đang định mua vào. Nếu đó là những cổ phiếu triển vọng, vẫn đang bị định giá thấp so với giá trị tài sản ròng...thì vấn đề VN-Index diễn biến thế nào cũng không quá quan trọng. Nhìn chung đây là giai đoạn cơ cấu danh mục giảm tỷ trọng ở những cổ phiếu hết đà tăng, chuyển sang nắm giữ và mua những cổ phiếu chất lượng.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, chúng tôi cho rằng xu hướng tăng vẫn đang được duy trì tốt trên thị trường với nhiều yếu tố hỗ trợ như dòng tiền ổn định, sự tương tác của các nhà đầu tư ngoại hay vai trò dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành.

Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ còn duy trì xu hướng tăng và hướng đến các vùng kháng cự mạnh hơn quanh 760 điểm của VN30 và quanh 100 điểm của HNX-Index trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong quá trình đi lên thị trường có thể sẽ gặp phải các đợt rung lắc, điều chỉnh với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Có hai yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Đó là kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới.

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Trong tuần vừa qua, có khá nhiều áp lực lớn lên thị trường như FED tăng lãi suất và 2 ETF đã đảo danh mục. Tuy nhiên, mọi chuyện đã kết thúc khá là êm đềm. Như bài viết cách đây 2 tuần tôi có đề cập, việc FED tăng lãi suất là việc đã được báo trước, và điều này hoàn toàn không tác động tiêu cực lên thị trường, vì nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý, khác với các lần tăng trước đây.

Sau khi các áp lực này kết thúc, có thể nói thị trường đã “dễ thở” hơn, tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường sẽ diễn biến theo hướng phân hóa rất cao. Cụ thể, các mã có dự báo kết quả kinh doanh quý 2 tốt sẽ thu hút dòng tiền, chứ không lan tỏa trên toàn thị trường.

Việc này thường chỉ diễn ra khoảng 2-3 tuần cho tới lúc báo cáo tài chính quý 2 bắt đầu được công bố. Sau đó, tiếp tục sẽ là khoảng trống thông tin khá dài. Do đó, thị trường sẽ diễn biến theo hướng tích cực nhưng phân hóa rất cao.

Nguyễn Hoàng

Chỉ còn hai tuần nữa là hết tháng 6 và thị trường bắt đầu hướng tới mùa kết quả kinh doanh quý 2 và bán niên. Các khuyến cáo phổ biến vẫn là quan tâm đến các cổ phiếu cơ bản tốt, nhưng theo anh chị, liệu có yếu tố đột biến cả tiêu cực lẫn tích cực trong kết quả kinh doanh ở cổ phiếu/nhóm ngành nào trong mua hè này hay không?

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi, các nhóm ngành như thép, bất động sản, chứng khoán, thủy điện, cao su săm lốp... sẽ là các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 tích cực.

Ở chiều ngược lại, các ngành như dầu khí, phân bón, chăn nuôi... có thể sẽ gặp khó khăn trong quý 2.

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Với diễn biến hiện tại của thị trường, thì tôi cho rằng nhóm ngành tài chính (chứng khoán, ngân hàng) sẽ có kết quả tích cực nhất. Và một số cổ phiếu tiêu biểu như REE, HPG, HSG, CVT… sẽ có kết quả khả quan. Ngược lại, nhóm cổ phiếu thuộc về bất động sản, khả năng sẽ khó làm nên đột biến.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi kì vọng rằng thị trường nhiều khả năng sẽ đón nhận những điểm trũng thông tin ngắn hạn khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 2 vẫn chưa được công bố. Giai đoạn này, chúng tôi dành sự quan tâm đến diễn biến giá cả các loại hàng hóa- một biến số đáng kể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Khi xu hướng tăng chưa có dấu hiệu chấm dứt, tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục tiếp tục được chúng tôi khuyến nghị dựa trên cơ sở kỳ vọng kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp sắp được công bố tới đây, tuy có sự phân hóa, nhưng nhìn chung sẽ cho thấy xu hướng cải thiện so với cùng kỳ.

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Tôi đánh giá những nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, ngân hàng và dược phẩm sẽ có kế quả kinh doanh khả năng.

Nguyễn Hoàng

Đã có những thống kê số liệu chỉ ra rằng 6 tháng đầu năm 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận dòng vốn nước ngoài vào ròng lớn kỷ lục kể từ khủng hoảng 2008. Mới 6 tháng đã bù hết được lượng vốn rút ra trong năm 2016. Từ góc độ chuyên môn, anh chị có thể chỉ ra dòng vốn này chạy vào những cổ phiếu/ngành nghề nào?

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thực ra, theo số liệu thống kê, tính từ đầu năm tới cuối tháng 5/2017, khối ngoại mua ròng 790 triệu USD, trong đó mua ròng 295 triệu USD cổ phiếu và mua ròng 495 triệu USD trái phiếu. Như vậy, dòng vốn ngoại vẫn tập trung chủ yếu ở trái phiếu.

Về cổ phiếu, khối ngoại tập trung ở 1 số cổ phiếu mang tính đơn lẻ, như F&N liên tục mua ròng VNM, HPG, và 1 số mã vốn hóa lớn được niêm yết như ROS, NVL, VJC, SAB….

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tính toán của chúng tôi, trong quý I, khối ngoại đã đẩy mạnh hoạt động mua ròng ở các ngành như hàng tiêu dùng (+2,1 nghìn tỷ đồng), công nghiệp (305 tỷ đồng) và dịch vụ tiêu dùng (148 tỷ đồng).

Do số liệu quý 2 chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa có những thống kê cụ thể tuy nhiên theo tôi, dòng vốn ngoại vẫn sẽ có xu hướng chảy mạnh vào các ngành trên.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Xét theo nhóm vốn hóa, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ tăng trưởng ổn định, các cổ phiếu có vốn hóa lớn lại bị phân hóa rõ rệt. Ngoài một số đại diện như SAB, GAS, CTD, … trở thành trụ cột của thị trường, thì một số khác như ROS, MSN, VIC… thay nhau ghi nhận những biến động trồi sụt.

Về nhóm ngành, thị trường chứng kiến sự hồi phục nhẹ của các cổ phiếu bất động sản như DXG, VCG, QCG, .… Nhóm cổ phiếu Ngân hàng làm tốt vai trò dẫn dắt khi tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Sau đó, dù một số cổ phiếu ghi nhận áp lực điều chỉnh nhẹ nhưng nhìn chung nhóm này vẫn đang duy trì sắc xanh và nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng trong các tuần tiếp theo.

Ngoài ra, việc ROS quay đầu giảm sàn liên tiếp ba phiên sau khi tăng trần hồi đầu tuần đã gây nên tác động tiêu cực không nhỏ đối với thị trường.

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Qua thống kê giá trị giao dịch của khối khách hàng tổ chức cũng như khối ngoại thì dòng tiền đang chảy vào những ngành như thực phẩm và ăn uống, tài nguyên cơ bản, ngân hàng và dược phẩm…

Nguyễn Hoàng

Các ngưỡng kháng cự của thị trường mà anh chị chỉ ra trước đây đã lần lượt được vượt qua. Anh chị đã tăng mua cổ phiếu hay chưa, tỷ trọng thế nào?

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Tôi nâng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần qua lên mức cao hơn. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang là 80%/20%. Tôi vẫn chỉ đang tập trung nắm giữ các cổ phiếu hàng đầu trong các ngành trọng điểm.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật chúng tôi nhận định. Các chỉ số liên tiếp tạo đỉnh mới. Xu hướng tăng được nối dài. Loại trừ phiên cuối tuần, thanh khoản duy trì ở mức cao cho thấy sự ổn định của dòng tiền. Xu hướng tăng được dự báo tiếp diễn trên thị trường.

Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phiếu cao trong danh mục. Tỷ lệ cổ phiếu chúng tôi nắm giữ 70% tiền mặt 30%.

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi đã thực hiện một số hoạt động trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn của mình. Tuy nhiên, tỷ trọng danh mục tổng vẫn được giữ ở mức cao 90% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 30% cổ phiếu).

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Nếu nhìn về mặt chỉ số, thì thị trường tăng trưởng khá nhiều, tuy nhiên, nhìn về bản chất thì chủ yếu là các mã vốn hóa lớn như GAS, VIC, VNM, NVL… và nhóm ngân hàng đang “kéo chỉ số”. Do đó, tôi giữ trạng thái khá thận trọng và chỉ tăng mua các mã cổ phiếu khả năng có kết quả kinh doanh quý 2 tốt.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên