MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Vốn ngoại rút ròng có đáng lo?

Thị trường biến động rất bất ngờ trong hai phiên cuối tuần qua và các chuyên gia đánh giá đó là dấu hiệu tích cực. Cơ hội để VN-Index quay lại vùng 1.000 điểm là có thể...

Chứng khoán Việt đã có những phiên biến động mạnh ngược chiều thế giới như ngày 15/8. Đó cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số Vn30 kỳ hạn tháng 8. Theo các chuyên gia, việc tác động qua lại giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh là có và ngày càng rõ, nhưng vẫn chưa thể kết luận là có sự thao túng chỉ số.

Thị trường phục hồi bất ngờ với thanh khoản lớn với dòng tiền tập trung vào nhóm ngân hàng và một số mã dẫn dắt khác đã giúp các chỉ báo kỹ thuật trở nên tích cực hơn. Các chuyên gia cũng nhìn nhận cơ hội cho VN-Index quay lại ngưỡng 1.000 điểm là có nếu dòng tiền vẫn duy trì được sức mạnh này. Tuy vậy kịch bản thị trường có vượt được vùng đỉnh cao 1.000 điểm hay không ở thời điểm hiện tại vẫn chưa được khẳng định.

Tuần qua cũng là tuần thứ 3 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh đối với cổ phiếu. Các chuyên gia chỉ ra hiện tượng này là do các quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam bị rút vốn. Đây cũng là hiện tượng chung trên thế giới khi biến động của đồng Nhân dân tệ rất mạnh cũng như xu hướng đầu tư vào các tài sản an toàn. Về ảnh hưởng của xu hướng này, các chuyên gia thiên về các tác động bất lợi đối với thị trường trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ cũng như thanh khoản yếu.

Các chuyên gia tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp và khuyến cáo nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân và chờ đợi thêm các tín hiệu mới, đặc biệt là khả năng duy trì thanh khoản trong những phiên tới.

Tôi không quá kỳ vọng kịch bản lần này có gì khác so với những lần trước trong bối cảnh chỉ số VN-Index sẽ quay đầu giảm điểm khi tiến tới gần sát hoặc trong vùng kháng cự mạnh 1,000 – 1,005 điểm do gặp phải áp lực điều chỉnh lớn, dòng tiền không tạo được sức lan tỏa và bất ổn rủi ro vĩ mô.

ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường tuần qua đã đứng vững trước những biến động rất lớn của thị trường thế giới và nhất là hai ngày cuối tuần phục hồi rất tốt. Đó có thể xem là biểu hiện của một thị trường mạnh mẽ? Liệu VN-Index có cơ hội quay lại vùng 1.000 điểm trong tuần tới?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thật sự thị trường đang có những diễn biến bất ngờ theo hướng tích cực và hiện tại chưa thể kết luận là một thị trường mạnh mẽ khi thị trường chứng khoán toàn cầu đang có những thông tin rất tiêu cực và nước ngoài bán ròng liên tục.

Về mặt kĩ thuật VNIndex vẫn giao dịch dưới SMA tuy nhiên thanh khoản phiên thứ 6 tăng rất mạnh và dòng tiền tập trung vào nhóm bank là nhóm dẫn dắt. Theo tôi nếu các phiên tiếp theo dòng tiền vẫn gia tăng thì khả năng tiếp cận lại điểm 1000 là hoàn toàn có khả năng.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang bắt đầu một nhịp tăng điểm ngắn hạn mới trong bối cảnh các chỉ báo RSI và MACD cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực, ủng hộ cho nhịp tăng điểm lần này.

Tuy nhiên, mở rộng tầm nhìn ra trung hạn, nhà đầu tư có thể thấy chỉ số VN-Index vẫn đang nằm trong kênh giá đi ngang sideways 6 tháng kéo dài từ giữa tháng 3 cho tới hiện tại với vùng kháng cự vô cùng mạnh 1,000 – 1,005 điểm. Bên cạnh đó, dải Bollinger đang có xu hướng đi ngang với biên trên nằm trong vùng kháng cự mạnh vừa đề cập nên tôi không quá kỳ vọng kịch bản lần này có gì khác so với những lần trước trong bối cảnh chỉ số VN-Index sẽ quay đầu giảm điểm khi tiến tới gần sát hoặc trong vùng kháng cự mạnh 1,000 – 1,005 điểm do gặp phải áp lực điều chỉnh lớn, dòng tiền không tạo được sức lan tỏa và bất ổn rủi ro vĩ mô.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

VN-Index đã có một tuần hồi phục so với tuần liền trước đó. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hang chung, các bluechips như FPT, REE, VIC, PNJ, MWG,…cũng đồng loạt hồi phục giúp đà tăng thị trường được củng cố vững chắc. Thị trường mặc dù sụt giảm mạnh trong những phiên đầu tuần do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại tuy nhiên VN-Index đã có những phiên đảo chiều tích cực vào gần cuối tuần.

Theo quan điểm của tôi,VN-Index cần kiểm định lại mốc 980 điểm trước khi hướng tới mốc 1.000 điểm, VN30-Index tạm thời chưa thể khẳng định được dấu hiệu thoát khỏi mô hình tam giác và tạo xu hướng tăng mới.

Do đó đối với chiến lược đầu tư xu hướng, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ dấu hiệu xu hướng của VN30-Index được khẳng định.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Sau hai tuần giảm điểm liên tiếp, VN Index hồi phục tăng nhẹ trong tuần này. Chỉ số giảm khá mạnh trong nửa đầu tuần và đồng pha với diễn biến tiêu cực của hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đã có những thời điểm chỉ số chung rơi khá mạnh về vùng hỗ trợ 960 điểm khi nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn đều ghi nhận áp lực chốt lời mạnh sau khi một nhịp tăng khá khá mạnh trước đó như VIC, VHM, VRE, VCB,… Tuy nhiên, điểm nhấn trong tuần lại tập trung hai phiên cuối tuần (15/08 & 16/08). Theo đó, chỉ số chung biến động rất mạnh trong phiên thứ năm (15/08) khi mở cửa với mức giảm hơn 10 điểm và duy trì sắc đỏ trong gần như suốt cả phiên trước khi đảo chiều tăng mạnh hơn 10 điểm khi kết phiên ATC.

Phiên thứ sáu cuối tuần (16/08), nhóm vốn hóa lớn trên thị trường lại một lần nữa biến động khá mạnh nhưng tập trung vào một số cổ phiếu như FPT, MWG, PNJ khi các cổ phiếu đều ghi nhận diễn biến tăng giá khá tích cực trong phiên nhưng cuối cùng lại kết phiên trong sắc đỏ dưới áp lực chốt lời mạnh và theo đó hạn chế đáng kể đà tăng của chỉ số chung. Đóng cửa tuần giao dịch, VN Index tăng nhẹ 5,66 điểm (+0,58%) lên mức 980,00 điểm, còn HNX Index giảm nhẹ 0,44 điểm (-0,43%) về mức 102,35 điểm.

Tôi cho rằng tín hiệu kỹ thuật của VN30 vẫn duy trì trạng thái Tích cực trong khi VN Index vẫn giữ trạng thái đi ngang còn HNX Index nằm ở trạng thái Tiêu cực. Điểm tích cực là khối lượng và giá trị giao dịch phiên cuối tuần đạt mức cao gần 4.000 tỷ đồng/ phiên. Tuy nhiên chúng ta cần theo dõi dòng tiền này nên duy trì ở mức cao thì việc quay lại ngưỡng 1000 điểm không phải là một trở ngại.

Nhà đầu tư nên chủ động chốt lời các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và chuyển sang nắm giữ tiền mặt hoặc có thể tìm kiếm cơ hội mới ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu với triển vọng tăng trưởng tích cực trong phần còn lại của năm 2019.

ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhà đầu tư trải qua cảm xúc rất mạnh trong phiên ngày 15/8 – ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 8. Diễn biến này tạo cảm giác thị trường có thể bị thao túng trong một thời điểm liên quan đến đáo hạn hợp đồng tương lai. Anh chị nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tại phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng VN30F1908 ngày 15/8 vừa qua, chỉ trong vòng 15 phút phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), chỉ số VN30 bất ngờ tăng vọt lên gần 11 điểm, đóng của tại mức 890,78 điểm. Biên độ giao dịch của chỉ số VN30 trong phiên lên tới 22,83 điểm.

Đà tăng mạnh được hỗ trợ tích cực bởi một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30 như: SAB, VIC hay VNM với mức tăng lần lượt là 2,7%, 1% và 2% so với trước thời điểm bước vào phiên ATC.

Mặt khác, trong phiên giao dịch ngày 15/8, thị trường đang chịu nhiều áp lực giảm giá từ những biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Dự đoán thị trường có xu hướng đi xuống, nhiều nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ vị thế "short" hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường, đúng hơn là 15 phút cuối cùng, lại đi ngược hướng dự đoán của số đông.

Tôi cho rằng những phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh (thứ Năm, tuần thứ ba hàng tháng), thị trường chứng khoán thường biến động rất mạnh. Sự biến động này không chỉ diễn ra với chỉ số VN30 mà còn cả với thị trường chứng khoán cơ sở. Do vậy chưa có đủ cơ sở để nói thị trường bị thao túng. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên chủ động hạn chế tham gia vào thời điểm này để tránh tác động khó lường.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Đây là một vấn đề thú vị và rất khó để có thể đi đến một kết luận chính xác bởi có nhiều luồng ý kiến trái chiều về hiện tượng này. Tuy vậy, tôi không phủ nhận diễn biến giao dịch trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 8 có "hiện tượng lạ" và gây nhiều bất ngờ cho giới đầu tư.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cũng cho rằng có phái sinh có sự tác động lớn đến cơ sở và vào thời điểm gần đáo hạn thi mối quan hệ này càng rõ ràng. Việc thao túng hợp đồng tương lai hay không tôi không có ý kiến nhưng rõ ràng là có tác động về mặt chỉ số.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Phiên ngày thứ Năm thị trường mở cửa trong sắc đỏ sau thông tin lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007, một diễn biến được coi là báo hiệu suy thoái kinh tế đang cận kề. Tuy nhiên, mức giảm dần thu hẹp lại trong phiên sáng và sang đến phiên chiều, dòng tiền nhập cuộc ngày càng mạnh mẽ hơn đã khiến chỉ số lấy lại sắc xanh nhờ lực cầu từ VHM, VIC, VCB.... Đóng cửa phiên, VN30-Index tăng 10,27 điểm (+1,17%) đạt 890,78 điểm với tổng giá trị giao dịch khoảng 2.235 tỷ đồng.

VN30 tăng điểm ấn tượng nhờ sự đồng thuận bứt phá của 19/30 cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số. 3 trong số 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đóng cửa tăng điểm với những diễn biến bám sát thị trường cơ sở.

Việc đa số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm trong phiên chiều khó có thể nói là do thao túng giá. Mức tăng đột biến của chỉ số VN30 trong phiên ngày thứ Năm dù vẫn chưa đủ để khẳng định về một xu hướng tăng ngắn hạn trong những phiên tới, nhưng việc thanh khoản duy trì ở mức tích cực cho thấy dòng tiền vẫn chưa thoát ra khỏi thị trường và nhịp giảm trong những phiên trước phần nhiều là điều chỉnh kỹ thuật khi chỉ số cơ sở chạm ngưỡng kháng cự 890 điểm.

Việc các ETF bị rút chứng chỉ quỹ đến từ diễn biến xấu của thị trường thế giới. Do vậy theo tôi việc này chỉ có tác động trong ngắn hạn gia tăng áp lực bán trên thị trường trong 1 thời điểm nhất định chứ không có tác động xấu lâu dài đến thị trường.

ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần trước anh chị đã đề cập đến dấu hiệu bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Tuần này quy mô bán ròng chỉ tính riêng với cổ phiếu cũng rất cao. Như thế đã bước sang tuần thứ 3 liên tục dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu. Có thể xem đó là một xu hướng hay chưa? Động thái này có ảnh hưởng xấu đến thị trường không?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Dựa trên hệ thống thống kê và phân tích dữ liệu, chúng tôi nhận thấy dòng vốn ngoại đang có hiện tượng chảy ra khỏi thị trường Việt Nam bắt đầu từ giữa tháng 7 với con số xấp xỉ khoảng gần 100 triệu USD. Hiện tượng này cũng trùng hợp với xu hướng bán ròng không ngừng nghỉ gần 3 tuần nay của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.

Chúng tôi đánh giá đây là một rủi ro đáng quan ngại mang tính xu hướng và chắc chắc sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh sức khỏe thị trường chứng khoán vốn đã yếu nay lại càng yếu thêm do thiếu vắng lực đỡ tiềm năng từ khối ngoại.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Khối ngoại giao dịch chiếm khoảng 10-15% giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng mang tính định hướng cao. Do đó việc bán ròng liên tục 3 tuần liên tiếp của khối ngoại thường là dấu hiệu không tốt cho thị trường. Vì vậy chúng ta cần theo dõi kỹ trong các phiên giao dịch tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Với những diễn biến từ sự mạnh lên của đồng USD và sự giảm giá của Nhân dân tệ thì tôi cho rằng khả năng nước ngoài sẽ còn bán nhiều không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường tài chính khác.

Động thái này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường theo hướng không tốt, nhất là khi thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và nhà đầu tư vẫn đang lo lắng trước những thông tin tiêu cực về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Trong tuần giao dịch 12-16/8, các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam đã bị rút ròng lượng chứng chỉ quỹ có giá trị 392 tỷ đồng trong tổng số bán ròng với giá trị 835 tỷ đồng trên HoSE. Lực bán đến từ các quỹ ETFs như VFMVN30 ETF, VNM ETF, Kim Kindex Vietnam VN30 ETF.

Trong tuần qua, VNM ETF đã bị rút ròng 300 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 4,73 triệu USD (110 tỷ đồng). Với việc VNM ETF dành khoảng 70% danh mục cho cổ phiếu Việt Nam, ước tính quỹ này đã bán ròng lượng cổ phiếu khoảng 77 tỷ đồng trên thị trường tuần qua.

Việc các ETF bị rút chứng chỉ quỹ đến từ diễn biến xấu của thị trường thế giới. Do vậy theo tôi việc này chỉ có tác động trong ngắn hạn gia tăng áp lực bán trên thị trường trong 1 thời điểm nhất định chứ không có tác động xấu lâu dài đến thị trường.

Tôi vẫn cho rằng thời điểm này nên quan sát kĩ dòng tiền của thị trường và sẵn sàng gia tăng tỷ trọng nếu thanh khoản thị trường tăng lên. Tôi kỳ vọng nhóm ngành tài chính khả năng sẽ dẫn dắt thị trường giai đoạn sắp tới.

ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần trước anh chị khuyến cáo nhà đầu tư nên hạn chế mua vào và giữ tỷ trọng trung bình thấp. Diễn biến tăng hai ngày cuối tuần có đủ để anh chị thay đổi quan điểm gia tăng tỷ trọng hay chưa?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tính từ mức đáy trong tuần, chỉ số đã ghi nhận mức hồi phục tăng điểm khá mạnh trong những phiên cuối tuần và theo đó cho thấy lực cầu tiềm năng dồi dào vẫn đang chờ đợi cơ hội và sẵn sàng tham gia vào thị trường mỗi khi chỉ số chung giảm quá sâu, trong đó tâm điểm là nhóm ngân hàng, nhóm bất động sản, nhóm bán lẻ,…

Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vốn đã ghi nhận mức tăng vượt trội so với chỉ số chung trong thời gian vừa qua đã bắt đầu cho tín hiệu điều chỉnh sau một giai đoạn tăng "nóng". Theo đó, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm trong VN-Index sẽ tiếp tục dao động tích lũy trong vùng 950-1.000 điểm trong một vài tuần tới và có thể kèm theo đó là xu hướng tăng/giảm phân hóa rõ nét hơn trong nhóm vốn hóa lớn.

Do vậy, nhà đầu tư nên chủ động chốt lời các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và chuyển sang nắm giữ tiền mặt hoặc có thể tìm kiếm cơ hội mới ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu với triển vọng tăng trưởng tích cực trong phần còn lại của năm 2019.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Với quan điểm thận trọng, tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường trong các phiên giao dịch tới và chỉ tham gia giải ngân khi có tín hiệu chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1,005 điểm hoặc khi chỉ số điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tỷ trọng danh mục đầu tư ngắn hạn tôi đang giữ ở mức 43.5% cổ phiếu và 56.5% tiền. Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn ở mức 45% cổ phiếu và 55% tiền.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thứ 5 là phiên giao dịch bất ngờ khi VN-Index đi ngược mạnh lại xu hướng thế giới và thứ 6 thông tin VFM huy động vốn 2 quỹ ETF cho cổ phiếu gần hết room và ngành tài chính làm cho thanh khoản thị trường tăng rất tốt.

Tôi vẫn cho rằng thời điểm này nên quan sát kĩ dòng tiền của thị trường và sẵn sàng gia tăng tỷ trọng nếu thanh khoản thị trường tăng lên. Tôi kỳ vọng nhóm ngành tài chính khả năng sẽ dẫn dắt thị trường giai đoạn sắp tới.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên