MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất hiện những dấu hiệu báo động này sau khi ăn no, cẩn trọng ngay nếu không muốn phải cắt bỏ dạ dày

18-04-2019 - 19:30 PM | Sống

"Muốn cho ngũ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau". Đừng để tới lúc dạ dày bị hủy hoại hoàn toàn mới hối hận.

Hiện nay, có rất nhiều người hiểu biết về lợi ích của việc "dưỡng sinh" nhưng đa phần trong số đó lại không bắt tay vào thực hiện hàng ngày. Khi có chuyện vui, người ta khó tránh vài ly rượu, khi tụ tập bạn bè, người ta cũng chẳng ngại hội họp la cà bên những quán xá lẩu nướng đầy dầu mỡ ngoài kia. Theo thời gian, dù tinh thần thỏa mãn hạnh phúc nhưng cơ thể chúng ta sẽ là nơi đầu tiên phát lên những tín hiệu cảnh báo đầy nguy hiểm, đặc biệt là dạ dày, bộ phận yếu ớt và mẫn cảm nhất phải dung nạp toàn bộ thức ăn chúng ta đưa vào qua đường miệng.

Các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là đau dạ dày, rất phổ biến ở người đương đại, ẩn chứa nhiều biến chứng nguy hiểm. Tỷ lệ mắc bệnh đau dạ dày ở nước ta hiện nay chiếm hơn 7% dân số. Tùy vào tình trạng mà triệu chứng ở mỗi người là khác nhau, có người nặng, có người nhẹ không cần đi khám. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về dạ dày sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, viêm mãn tính, hoặc thậm chí là ung thư dạ dày.

Chính vì thế, hãy bắt đầu quan tâm tới tình hình cơ thể và những tín hiệu bất thường đầu tiên mà dạ dày muốn gửi đến chúng ta thông qua những cảnh báo sau khi ăn:

Đầu tiên, dấu hiệu phổ biến nhất là tiêu chảy. Từ khi còn nhỏ, chắc hẳn có nhiều người đã được cha mẹ nhắc nhở rằng không được ăn đồ nhiều dầu mỡ và đồ ăn lạnh cùng với nhau. Dạ dày bị kích thích giữa "nhiệt" và "hàn" sẽ dẫn tới tình trạng tiêu chảy. Nếu tiêu chảy xảy ra thường xuyên sau bữa ăn, có khả năng đây là một trong những biểu hiện của bệnh rối loạn tiêu hóa.

Xuất hiện những dấu hiệu báo động này sau khi ăn no, cẩn trọng ngay nếu không muốn phải cắt bỏ dạ dày - Ảnh 1.

Dấu hiệu thứ hai: Ăn xong nóng ruột, trào ngược axit chua trong miệng. Sau bữa ăn, một số người sẽ cảm thấy acid trào ngược trong cổ họng, gây ra nóng rát thượng vị, không chỉ đem lại mùi vị khó chịu mà còn cảm giác rất đau. Đây có thể là một biểu hiện của việc tiết axit dạ dày quá mức, là dấu hiệu của viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

Dấu hiệu không ổn thứ ba là ợ hơi. Đây là hiện tượng xảy ra khi lượng không khí dư thừa trong cơ thể tìm cách thoát ra từ dạ dày bằng thực quản. Loại khí này thường bị đưa xuống dạ dày qua đường miệng trong khi ăn, đôi khi ăn quá nhanh hoặc dạ dày chứa nhiều khí sẽ thúc đẩy cơ thể ợ hơi. Nếu ợ hơi thường xuyên xuất hiện, kết hợp cùng với tình trạng đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn... hoặc các bệnh về đường tiêu hóa khác, chúng ta cần đi khám ngay để kiểm tra sức khỏe dạ dày.

Làm thế nào để có thể cải thiện sức khỏe dạ dày của bạn?

Bước đầu tiên là, tránh xa các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ quá nóng hoặc quá lạnh vì những thực phẩm này không dễ tiêu hóa, làm tăng áp lực lên dạ dày trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Tình trạng này được lặp đi lặp lại, kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa, nhất là niêm mạc dạ dày dễ gây bệnh tiêu chảy hoặc viêm dạ dày.

Xuất hiện những dấu hiệu báo động này sau khi ăn no, cẩn trọng ngay nếu không muốn phải cắt bỏ dạ dày - Ảnh 2.

Bước thứ hai là, xây dựng và phát triển thói quen ăn uống thường xuyên, lành mạnh và tuyệt đối tránh bỏ bữa, nhất là bữa sáng. Cho dù công việc bận rộn đến mấy, chúng ta vẫn nên rút thời gian rảnh để ăn uống đúng giờ đúng bữa. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, chúng ta có thể chuẩn bị các loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân,... có nhiều năng lượng, chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa để nạp vào dạ dày. Tuyệt đối không được để dạ dày quá đói hoặc quá no vì khi đó các axit trong dạ dày sẽ tiết ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.

Bước thứ ba là, với những người đã có bệnh về đường tiêu hóa, cần lựa chọn thực phẩm phù hợp với bệnh của mình. Ví dụ, những người có quá nhiều axit dạ dày không nên ăn nhiều thức ăn lỏng mà thay bằng một số loại bánh quy để trung hòa axit dạ dày. Hoặc những người bị tiêu chảy nên thường xuyên bổ sung thực phẩm có nhiều chất xơ và dễ tiêu hóa, chẳng hạn như bột yến mạch, bí ngô hấp...

Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung nước và Vitamin C từ các loại rau củ quả có tác dụng bảo vệ dạ dày nếu tiêu thụ trong mức cho phép. Duy trì hàm lượng vitamin C bình thường trong dịch dạ dày có thể phát huy hiệu quả chức năng của dạ dày, bảo vệ bụng và tăng cường sức đề kháng cho dạ dày. Thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn. Uống nước ngay sau bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, càng dễ gây ra chứng đau dạ dày. Uống quá nhiều nước canh cũng sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu hóa thức ăn trong và sau bữa ăn.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên