MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu cả nước kém vui

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%-10% trong năm 2019 đang gặp thách thức lớn.

Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy 3 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 58,51 tỉ USD, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 24,5% của quý I/2018. Trong đó, mặt hàng chủ lực là điện thoại di động giảm 4,6%, gạo giảm trên 26%, hạt điều và cà phê đều giảm 15%.

Xuất siêu tụt dốc

Cũng trong quý đầu năm 2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD. Con số này gây thất vọng lớn bởi cùng kỳ năm trước, cả nước xuất siêu tới 2,7 tỉ USD. Đáng ngại hơn, góp phần vào con số xuất siêu ít ỏi nêu trên, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỉ USD, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỉ USD.

Về nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng thương mại toàn cầu quý I giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước đã khiến cho xuất khẩu của Việt Nam tất yếu tăng trưởng chậm lại so với phong độ vốn có. Ngoài ra, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đồng thời cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Anh đều có những diễn biến bất ổn khiến cho xuất khẩu của Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng. "Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn 3 năm. Ngay cả Tập đoàn Samsung cũng bị thu hẹp tỉ lệ xuất hàng ra thế giới bởi nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp Samsung. Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu nhóm hàng cao su, hạt tiêu, cà phê… không mấy khả quan do giá giảm trong bối cảnh cung vượt cầu" - Bộ Công Thương nêu rõ.

Xuất khẩu cả nước kém vui - Ảnh 1.

Hàng hóa ở cảng Cát Lái (TP HCM) chuẩn bị lên tàu xuất khẩuẢnh: Hoàng Triều

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết hầu hết các doanh nghiệp và hiệp hội đều dự báo ngành dệt may năm nay đối diện với khó khăn nhiều hơn năm trước. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng ngành cả năm 2019 đã được hạ xuống 10%, thay vì 16% như năm 2018. "Quý đầu năm, ngành dệt may đạt tăng trưởng đúng như dự báo là khoảng 10%, thấp hơn mức tăng trưởng của năm trước. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng bởi căng thẳng của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và thông lệ những tháng đầu năm thường chưa có nhiều đơn hàng, còn do cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam với Bangladesh ngày càng gay gắt. Bangladesh là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới với khoảng 6,4% tổng sản lượng, trong khi Việt Nam đứng thứ ba với 5,8%. Tuy nhiên, sau các tháng đầu năm hơi ảm đạm, hiện các đơn hàng có dấu hiệu dồi dào hơn. Hy vọng thành tích cả năm sẽ đạt tốt" - ông Hồng cho hay.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 12,4 tỉ USD, tương đương cùng kỳ năm 2018 nhưng xuất khẩu nhóm nông sản chính giảm 5,6%. Trong đó, các mặt hàng gạo, cà phê, sắn… giảm cả về khối lượng và giá trị, như xuất khẩu gạo giảm 8% khối lượng và 19% giá trị; cà phê giảm lần lượt 13% và 19%; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 14% về lượng và 3,3% về giá trị.

Ẩn số tăng trưởng

Năm 2019, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 7%-8%, Chính phủ giao Bộ Công Thương phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8%-10%. Để đạt tăng trưởng 8%, cả nước năm nay cần xuất khẩu 263 tỉ USD, tức trong 9 tháng cuối năm, mỗi tháng phải đạt khoảng 22,7 tỉ USD. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trên trang Twitter cá nhân sẽ tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 200 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc vào ngày 10-5, vì đàm phán thương mại quá trì trệ. "Bộ Công Thương nhận định kết quả xuất khẩu nhiều khả năng sẽ không thể đạt được thành tích ấn tượng như năm 2018" - ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, dự báo.

Thậm chí, với việc Trung Quốc liên tiếp thực hiện nghiêm các quy định hiện hành nhằm siết chặt nhập khẩu nông sản và Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho một số mặt hàng nông sản cũng khiến mục tiêu xuất khẩu tăng 8% cũng có thể trở thành thách thức.

Gọi những tác động của thương mại thế giới là "ẩn số" chưa thể tính được, PGS-TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng ở thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định Việt Nam có giữ được đà xuất siêu như những năm trước không. Theo ông, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, thậm chí xuất siêu bền vững, chỉ thực hiện được khi nào doanh nghiệp nội hoàn thành chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng sức mạnh cạnh tranh. Ngoài ra, cần tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mà nòng cốt là các doanh nghiệp lớn, đa ngành có vốn "dày" để có thể xuất khẩu ổn định ra thị trường thế giới.

Lạc quan hơn, TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nhìn nhận sự sụt giảm của xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong quý I/2019 chỉ mang tính tạm thời, do sản phẩm Galaxy S9 của Samsung đi vào giai đoạn cuối chu kỳ sản xuất. Khu vực này sẽ lấy lại đà tăng trưởng khi các sản phẩm chủ lực của hãng ra thị trường, thực tế các đánh giá gần đây cho thấy sản phẩm điện thoại Galaxy S10 của Samsung ra mắt giữa tháng 3-2019 đang có sức cạnh tranh khá tốt. "Nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 cũng đang tạo cơ hội nhất định với xuất khẩu một số mặt hàng có lợi thế so sánh như dệt may, gỗ… Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%-10% năm 2019 là khả thi" - TS Đặng Đức Anh nhận định.

Theo Phương Nhung - Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên