MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu dệt may gặp khó

Tính đến hết 7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Gánh nặng sẽ đổ dồn vào các tháng cuối năm với dự kiến xuất khẩu dệt may phải đạt xấp xỉ 3,4 tỉ USD/tháng, có vẻ là quá sức với doanh nghiệp nếu biết rằng, các tháng đầu năm bình quân ngành này XK chưa đầy 2 tỉ USD/tháng.

Khó khăn hiện hữu

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường chững lại, giá cả hàng hoá thế giới giảm. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các quốc gia XK hàng dệt may lớn xung quanh ta là Campuchia, Myanmar, Bangladesh… được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào Mỹ là 0% (trong khi VN vẫn phải chịu thuế lên tới 17%). Không những thế, giá nhân công tại các nước này cũng đang thấp hơn VN khiến khách hàng dịch chuyển đơn đặt hàng sang các đối tác đó. Muốn được ưu đãi về thuế suất theo hiệp định TPP, VN phải tới chờ tới năm 2018. Với những quốc gia mà VN chưa ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), thì trở ngại với XK dệt may của ta là đương nhiên.

Ngay trong nước cũng có dịch chuyển đơn hàng. Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang trước đây doanh nghiệp dệt may tập trung nhiều, nay vì chuyển trọng tâm sang sản xuất điện tử, khiến số lượng doanh nghiệp dệt may giảm, nhân công giảm theo, khách hàng phải “chạy” về các tỉnh khác đặt hàng. Giao thời, chủ hàng “chạy chỗ” không khỏi làm cho kim ngạch “chuyếnh choáng”.

Xuất khẩu dệt may hiện là mặt hàng XK chủ lực của VN, song đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhận đơn hàng từ khách hàng trung gian ở nước ngoài. Vào những lúc thị trường “dở chứng” thế này, việc nhân đơn hàng qua trung gian chắc chắn chứa đựng nhiều rủi ro.

Các loại chi phí sản xuất không hề thuyên giảm, cơ chế chính sách khi vận dụng cũng có vấn đề, một trong số đó là Thông tư 37/2015/TT- BCT của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm luợng formanldehyt và amin trong sản phẩm dệt may mà Hiệp hội Dệt - May Việt Nam đã kiến nghị điều chỉnh, nhưng đến nay cơ quan hữu trách vẫn chưa đề xuất sửa nghị định này.

Điểm sáng hiếm hoi

Trong cơn bĩ cực, dệt may cũng có điểm sáng. Thị trường Hàn Quốc vẫn ổn. Có doanh nghiệp trước đây chỉ làm áo thì nay đã đầu tư trang thiết bị, nhân lực để sản xuất quần, phụ kiện. Doanh nghiệp khác thì chuyển sang làm hàng cao cấp để dần thoát khỏi cái “bóng” của gia công, bởi những sản phẩm, đơn hàng có thêm hàm lượng chất xám sẽ ít biến động và bớt lo ngại cạnh tranh. Song bề bộn thì nhiều.

Đơn hàng từ tháng 8 trở đi chưa xông xênh. Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh khiến kinh tế Châu Âu, trong đó có Liên minh Châu Âu (EU) chao đảo trong những ngày gần đây. Điều này khiến việc XK vào một trong 3 thị trường lớn nhất của dệt may là EU không những giảm về số lượng mà còn giảm về giá trị khi đồng Euro bị mất giá. Dự báo, đơn hàng cho các tháng cuối năm có thể giảm sút là có tính đến yếu tố này.

Lâu nay, khuyến nghị về việc chuyển dần từ gia công sang FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) được xem như hướng đi có tính chiến lược cho sự phát triển của toàn ngành dệt may. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, các doanh nghiệp phải tự bươm chải mà cần sự hỗ trợ, kết nối từ các cấp có thẩm quyền. Vì thế chưa thể thành hiện thực.

Việc tự túc dần nguyên phụ liệu cho dệt may từng loé ra hai hướng. Một là, lập chợ nguyên liệu quốc tế để quốc tế hoá vấn đề cung ứng nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Song ý tưởng này vẫn chỉ là… ý tưởng. Hai là kéo đầu tư FDI vào khâu sợi, dệt nhuộm… nhưng chỉ riêng nước thải từ nhà máy này đang là chuyện kinh hãi, khiến có địa phương được gợi ý đã không mặn mà… Cũng vì thế mà chưa ngã ngũ rằng nên hạn chế đầu tư vào may mặc mà tăng đầu tư vào dệt nhuộm thì vấp vấn đề môi trường.

Đã đến lúc, phải bắt tay vào hành động, thực thi các quyết sách theo tinh thần kiến tạo và liêm chính, hướng vào doanh nghiệp. Bằng không thì mục tiêu xuất khẩu dệt may năm nay đạt 30 tỉ USD sẽ ngoài tầm tay.

Theo Nguyễn Duy Nghĩa

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên