MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo: Cần tránh việc phụ thuộc vào một thị trường

25-09-2017 - 16:20 PM | Thị trường

Xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2017 đạt nhiều khả quan, ước tính đến cuối tháng 9/2017 xuất khẩu tăng 19,6% về lượng, đạt hơn 4,5 triệu tấn, kim ngạch 2 tỷ USD, tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành gạo cho rằng, không nên phụ thuộc vào một thị trường để tránh rủi ro khi thị trường này biến động.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu 9 tháng qua, hầu như thị trường châu Á giữ thế mạnh; trong đó, tiêu thụ nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với hơn 1,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 700 triệu USD.

Tiếp đến là các thị trường Philippines với hơn 400.000 tấn, Malaysia với hơn 360.000 tấn. Thời điểm thị trường châu Á tăng mạnh tiêu thụ gạo từ tháng 6/2017 cho đến nay đã đẩy giá xuất khẩu bình quân lên hơn 400 USD/tấn. Điều này giúp cho giá gạo nguyên liệu trong nước tăng lên, nông dân tăng lợi nhuận.

Giải thích cho việc tăng lượng gạo tiêu thụ tại thị trường châu Á, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong 2 năm qua, Trung Quốc đang cố gắng bảo hộ thị trường gạo nội địa nên đã có động thái chuyển việc nhập khẩu gạo tiểu ngạch sang chính ngạch, kèm theo các tiêu chuẩn nhập khẩu gạo, làm cho các đơn vị nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch giảm dần, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch.

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường khác như Philippines, Bangladesh cũng đang có nhu cầu mua thêm gạo nên trong thời gian tới sẽ có thêm những đợt đấu thầu bán gạo mới.

Tuy nhiên, những đợt đấu thầu gạo sau này sẽ khác xa so với những năm trước. Đó là chuyển từ đấu thầu hợp đồng Chính phủ (tập trung) với giá sàn cao, mang lại lợi nhuận cho ngành gạo Việt Nam sang đấu thầu thương mại, có nguy cơ giá trúng thầu thấp hơn giá sàn do đối tác đưa ra, ngành gạo Việt Nam sẽ không thu lợi nhuận nhiều. Vì vậy, dù thị trường châu Á tiêu thụ mạnh nhưng phải cẩn trọng trong các hợp đồng đấu thầu sắp tới.

Song song với việc bán gạo ra thị trường châu Á, thị trường châu Phi vẫn là thị trường tiêu thụ ổn định gạo Việt Nam.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực, thực phẩm Long An nhấn mạnh, Công ty xuất khẩu sang thị trường châu Á là chủ lực, cụ thể như Malaysia, Singapore, Phillipines, Hong Kong (Trung Quốc)… vì những thị trường này gần, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng gạo của công ty hiện có. Nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực thực phẩm Long An cũng có vài hợp đồng đi thị trường châu Phi.

Hiện nay, mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng đã được xuất khẩu đi khắp các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài những thị trường "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Mức tiêu thụ nông sản từ Việt Nam của thị trường Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong các danh sách xuất khẩu. Nhưng việc chỉ nhắm vào thì trường này lại được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là rủi ro cao.

Chính vì vậy, đối với thị trường tiềm năng như thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải khéo léo trong việc đàm phán hợp đồng thương mại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải linh động tìm kiếm thị trường khác ngoài Trung Quốc như Bangladesh, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Philippines, song song với xây dựng thương hiệu gạo cho mình.

Bởi vì hiện nay, Trung Quốc cũng đã có chính sách hỗ trợ người dân nâng cao sản xuất gạo trong nước, tránh phụ thuộc lương thực vào nước ngoài, mà gần nhất là nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

"Việc sản xuất lúa gạo trong nước cũng phải theo quy hoạch, thông tin nhu cầu thị trường để tránh thừa hàng hóa, phải bán đổ bán tháo, gây bất lợi cho nông dân. Cụ thể như các hợp đồng Chính phủ trước kia như Philippines, Myanmar sẵn sàng bỏ giá cao để mua gạo Việt Nam vì vấn đề an ninh lương thực, nhưng hiện nay các thị trường cũng chủ động hỗ trợ người dân trong nước duy trì sản xuất, không phụ thuộc lương thực của nước ngoài nên đường đi của hạt gạo Việt Nam cũng phải chuyển hướng.

Vì vậy, để tồn tại lâu dài thì chính doanh nghiệp phải tự đa dạng thị trường cho mình," ông Lâm Tuấn Anh chia sẻ.

Như vậy có thể thấy, sân chơi xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế ngày càng nảy sinh nhiều rủi ro song song với tiềm năng phát triển. Vì vậy, chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải chủ động trong chiến lược phát triển và điều tiết thì ngành gạo mới có thêm con đường mở./.

Theo Hồng Nhung

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên