MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều rủi ro

Dù kim ngạch ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực nhưng ứng dụng công nghệ, năng suất lao động lại thấp hơn

Tại hội thảo “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và các EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 30-5 tại TP HCM, nhiều chuyên gia cho rằng nếu ngành chế biến gỗ xuất khẩu không nâng cao năng suất lao động thì nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế trong tương lai gần.

Vi phạm có thể bị phạt tù

Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 5-2016, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 2,33 tỉ USD, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 6,9 tỉ USD. Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ.

Tuy nhiên, các yêu cầu mới của hội nhập lại là thách thức lớn đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Do đó, VCCI, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang xây dựng báo cáo nghiên cứu về thực trạng, giải pháp chính sách cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP, EVFTA. Từ đó, đề xuất, vận động cải thiện chính sách nhằm thúc đẩy ngành này phát triển. Cụ thể, khảo sát 3 thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam là Mỹ, EU và Úc cho thấy các rủi ro DN thường gặp liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, quản lý và sử dụng lao động, thiếu thông tin về các quy định của thị trường…

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của nhóm xây dựng báo cáo, cho rằng thiếu hiểu biết về các yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu đồng nghĩa DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, không đơn thuần là suy giảm, mất thị trường mà còn bao gồm cả rủi ro về pháp lý. DN xuất khẩu nếu vi phạm quy định của một số nước nhập khẩu có thể bị phạt tù. Quan trọng hơn, chỉ một DN xuất khẩu vi phạm quy định ở nước ngoài sẽ tạo ra hình ảnh xấu và tác động tiêu cực cho cả ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Hiện thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ là Mỹ. Năm rồi, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam qua thị trường này đạt 2,64 tỉ USD. Phân tích số liệu thống kê cho thấy trong các mặt hàng, DN xuất khẩu hàng triệu USD gỗ căm xe với nguyên liệu nhập từ Campuchia, Lào và khai thác từ những diện tích rừng chuyển đổi, các dự án cơ sở hạ tầng như thủy điện, đường sá… “Quá trình xin phép và làm các dự án này liên quan đến các khoản thuế, phí và lệ phí làm tính pháp lý của gỗ căm xe nhập khẩu từ Việt Nam gây nhiều tranh cãi ở nước ngoài. Đạo luật Lacey của Mỹ quy định các hành vi vi phạm về thủ tục khai thác, cấp phép là bất hợp pháp nên DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rủi ro ở thị trường này” - ông Tô Xuân Phúc cảnh báo.

Cần nhiều hỗ trợ

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam lâu nay có thuận lợi nhờ nhân công giá rẻ nhưng bất lợi là công nghệ chưa cao. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể cao hơn nhưng công nghệ lại… thấp hơn nhiều. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, nhìn nhận sự cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm đối với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc ngày càng gay gắt. “Khi lợi thế nhân công giá rẻ không còn, DN chế biến gỗ xuất khẩu trong nước phải tăng năng suất lao động để cạnh tranh.

Điều này lại phụ thuộc vào đào tạo nguồn nhân lực mà lâu nay gần như không được quan tâm, lao động ra trường không sử dụng được ngay. Ở Đức, có trường đào tạo nghề với thời gian thực hành lên đến 80% nên công nhân ra trường là làm việc được ngay. Việt Nam muốn thay đổi bất cập này phải có sự hỗ trợ của nhà nước” - ông Thanh nói.

Theo nhiều DN, công nghệ chế biến gỗ của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trong khi các nước đang tiến rất nhanh. Rút ngắn khoảng cách này phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, như ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị. Các chuyên gia đến từ nhóm nghiên cứu cho rằng Chính phủ cần có chính sách đặc thù cho DN nhỏ và vừa, đặc biệt là cơ chế ưu tiên về đào tạo tay nghề, vốn cho sản xuất và công nghệ. Cần có chiến lược trong việc lựa chọn DN nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ nhằm tạo kết nối, trao đổi công nghệ và trình độ quản lý, từ đó tạo ra động lực cho cả ngành phát triển.

Theo Linh Anh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên