MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông sản vượt mục tiêu Chính phủ giao

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã có những tăng trưởng mạnh dù cho có hàng loạt khó khăn, thách thức như thiên tai dịch bệnh, giảm đơn hàng do lạm phát...

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Chính phủ giao. Đây là đột phá lớn thể hiện những chuyển biến về tư duy thị trường của từng địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản có những dấu ấn đáng tự hào.

2 tháng cuối cùng của năm là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch bởi nhu cầu từ thị trường thế giới cho Noel và Tết Dương lịch là rất lớn. Lần đầu tiên chưa hết tháng 11, ngành thủy sản đã hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD. Tương tự, mặt hàng gỗ và lâm sản, cà phê, gạo… cũng đã có những dấu ấn về tăng trưởng và thị trường

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Những thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao vào châu Âu, Nhật là minh chứng chúng ta đã thấy không còn tư duy sản lượng mà hướng đến chất lượng. Đó là tín hiệu cho thấy một khi chúng ta thay đổi được là chúng ta tạo ra được giá trị, từ đây dẫn dắt lại người trồng lúa làm theo tiêu chuẩn ngay từ chọn giống, quy trình canh tác".

Xuất khẩu nông sản vượt mục tiêu Chính phủ giao - Ảnh 1.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã có những tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa.

Với cơ hội xuất khẩu năm 2023, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh làm trung tâm kết nối nông sản ngay cửa khẩu do tỉnh quản lý và doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ thực hiện ở tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành trung tâm này ở Cần Thơ, Tây Nguyên tập trung các hoạt động liên kết, sản xuất, chế biến tinh, hệ thống logistics, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để tạo đà cho tăng trưởng 2023, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL. Những cam kết về vốn là thông tin đáng quan tâm cho các hoạt động xuất khẩu nông sản thời gian tới.

Năm 2022, Công ty CP Hoàng Minh Nhật, TP Cần Thơ chế biến xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo, tương đương thu mua 200.000 tấn lúa của nông dân. Nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn cho vay tín dụng của các ngân hàng thương mại. Nhờ đó doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường với giá xuất khẩu tốt.

"Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều của các ngân hàng thương mại. Quan trọng là có vốn kịp thời và lãi suất hợp lý để mình phục vụ xuất khẩu", ông Nguyễn Văn Nhựt - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật, TP Cần Thơ nói.

Xuất khẩu nông sản vượt mục tiêu Chính phủ giao - Ảnh 2.

Ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực. Ảnh minh họa.

Đến đầu tháng 12/2022, ngân hàng khu vực ĐBSCL đạt dư nợ trên 955.000 tỷ đồng, tăng 14%. Riêng tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.0000 tỷ đồng, tăng gần 15%. Kết quả này cho thấy dòng vốn tín dụng của ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL.

"Cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng tháo gỡ khó khăn của 2 phía, cùng tạo điều kiện để hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn trong hoạt động kinh doanh của mình và đặc biệt có nguồn vốn giúp bà con nông dân trong vấn đề thi hoạch, tạm trữ, chế biến, xuất khẩu. Đây là những vấn đề rất quan trọng trong chuỗi sản xuất của nông dân và doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và rất trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với vùng ĐBSCL", ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20%, Ngân hàng NN-PTNT sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Song song với đảm bảo vốn, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và định hướng sản phẩm cho giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên