MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu phần mềm, viễn thông khẳng định vị trí “con cưng” của FPT

08-01-2018 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Tại Lễ khởi công FPT Tower tại quận Cầu Giấy, Hà Nội mấy ngày trước, lãnh đạo FPT cho biết trong quý 1 năm 2018, FPT sẽ tiếp tục khởi công hai tổ hợp văn phòng nữa tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và khu Công nghệ cao quận 9 Tp. Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là hai tổ hợp văn phòng làm việc để phục vụ sự tăng trưởng nhân lực của lĩnh vực phần mềm.

Có lẽ đây là một trong những động thái đầu tiên của FPT trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa của mảng kinh doanh cốt lõi này sau khi chính thức trở thành công ty thuần công nghệ.

Xuất khẩu phần mềm, lĩnh vực không có đối thủ ở Việt Nam

Sau khi giảm tỷ lệ sở hữu ở mảng bán lẻ và bán buôn, động lực tăng trưởng của FPT sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Trong đó, xuất khẩu phần mềm với tốc độ tăng trưởng cao và biên lợi nhuận lớn là một trong những ngôi sao sáng giúp FPT đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Trong 10 năm gần đây, mảng hoạt động này của FPT tăng trưởng trung bình 26%/năm và đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của FPT. Kết thúc 11 tháng năm 2107, doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 5.514 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ còn lợi nhuận đạt 898 tỷ đồng, tăng 21% và chiếm tới 30% tổng lợi nhuận của FPT. Theo đánh giá của VCSC, lĩnh vực này của FPT vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 24% trong năm 2018 so với 2017.

Bảng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng xuất khẩu phần mềm.
Bảng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng xuất khẩu phần mềm.

Một trong những yếu tố giúp mảng kinh doanh này của FPT tăng trưởng cao trong thời gian qua là những hợp đồng quy mô lớn và sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Nhật Bản. Năm 2017, mảng này ghi nhận hợp đồng khủng 35 triệu USD từ Nhật, hợp đồng xuất khẩu phần mềm có giá trị kỷ lụctrong gần 20 năm FPT ra nước ngoài. Kết thúc 11 tháng 2017, thị trường Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường tăng trưởng cao nhất với mức tăng 24% và chiếm tỷ trọng 58% doanh thuXKPM.

Bên cạnh đó, mảng XKPM cũng có thêm động lực tăng trưởng mới từ các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa. Trong đó, trọng tâm là phát triển các giải pháp công nghệ ô tô và hợp tác với các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới để ứng dụng các giải pháp công nghệ này vào thực tiễn.FPT kỳ vọng, doanh thu từ việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp trong lĩnh vực tự động hóa tăng trưởng 60%/năm trong 3 năm tới và đạt doanh số 200 triệu USD vào năm 2020.

Ngoài ra, năm 2017, FPT liên tục công bốcùng hợp tác phát triển các giải pháp, dịch vụ công nghệ hot hiện nay là 4.0 với các tập đoàn tên tuổi như Airbus, Siemens, GE… Mới đây nhất, FPT là công ty công nghệ thứ 2 trên toàn cầu ký được thỏa thuận với Airbus để cùng xây dựng Skywise, nền tảng công nghệ mở miễn phí cho các hãng hàng không toàn thế giới. Nhờ đó, Airbus - tập đoàn hàng không số 2 thế giới sẽ sử dụng 500 lập trình viên của FPT - một công ty công nghệ Việt.

Theo xếp hạng 50 doanh nghiệp CNTT Việt Nam năm 2017 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), FPT Software (đơn vị thành viên phụ trách mảng xuất khẩu phần mềm của FPT) đứng đầu trong lĩnh vực BPO, ITO và KPO xét cả về quy mô doanh thu và nguồn nhân lực.

Làn gió mới trong kinh doanh viễn thông

Trong 4 năm gần đây (2013-2016), doanh thu viễn thông tăng trưởng 24%/năm, đóng góp khoảng 1/3 tổng lợi nhuận FPT. Trong 11 tháng 2017, lĩnh vực Viễn thông của FPT đã thu về 6.489 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so cùng kỳ. Năm 2017, FPT Telecom tiếp tục dẫn đầu trong việc quang hóa hạ tầng, chuyển đổi thành công cho hơn 1 triệu hộ gia đình sử dụng IPv6 (số liệu tính đến T7/2017), ra mắt gói dịch vụ Internet tốc độ nhanh nhất Việt Nam SOC – 1Gbps.

Trong năm 2018, mảng viễn thông của FPT cũng hứa hẹn nhiều thay đổi lớn.
Trong năm 2018, mảng viễn thông của FPT cũng hứa hẹn nhiều thay đổi lớn.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, mặc dù dịch vụ internet băng thông rộng đang mang lại doanh thu và lợi nhuận ấn tượng nhưng FPT vẫn luôn mở rộng tìm kiếm các mảng kinh doanh mới với nhiều thế mạnh khác biệt ở mảng nội dung truyền hình trả tiền IPTV, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ giá trị gia tăng OTT…

Về mặt nội dung, bên cạnh kho nội dung 4K phong phú, FPT có thể nói là rất nhanh nhạy khi liên tục gia tăng tiện ích cho người sử dụng bằng việc cho ra đời các chương trình truyền hình tương tác thế hệ mới như Mở két, Bigschool, Kịch tương tác, Vui là chính…

Cũng theo Chứng khoán Rồng Việt, thị trường truyền hình trả tiền IPTV còn nhiều tiềm năng do đó loại hình này trong tương lai sẽ mang lại cho FPT dòng tiền tốt, biên lợi nhuận cao và xây dựng được vị thế chắc chắn trên thị trường giống như mảng internet băng thông rộng.

Trong năm 2018, mảng viễn thông của FPT cũng hứa hẹn nhiều thay đổi lớn. Theo Tổng Giám đốc FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa, “FPT Telecom sẵn sàng đầu tư sớm và mạnh hơn ngay cả trên những thị trường chưa thực sự tiềm năng trong ngắn hạn nhưng sẽ trở thành mảng thị trường màu mỡ có thể khai thác “dài hơi”.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên