MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu rau quả cần thêm "lực đẩy"

07-10-2016 - 09:16 AM | Thị trường

Với sự bứt phá ngoạn mục và lọt vào top xuất khẩu tỷ USD, rau quả Việt Nam đã đánh dấu mốc tăng trưởng liên tục và mạnh mẽ không kém gì các mặt hàng chủ lực.

Điều này càng được khẳng định khi mặt hàng rau quả thực sự thâm nhập được một số thị trường “khó tính” trên thế giới và vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu ấn tượng trong năm 2016. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì vẫn cần nhiều hơn nữa sự góp sức từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp để tạo lực đẩy cho xuất khẩu rau quả tiến xa.

Bứt phá ngoạn mục

Tiếp nối thành công từ việc trái vải thiều Bắc Giang lên đường sang khám phá thị trường Australia, trái vú sữa Việt Nam cũng chính thức được Mỹ cấp giấy phép nhập khẩu kể từ quí IV/2016 khiến niềm vui như được nối dài. Không chỉ vậy, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa thì dự kiến xoài sẽ tiếp tục diện kiến thị trường Mỹ. Điều đáng mừng hơn cả là không chỉ với Mỹ mà ngay cả tại nhiều thị trường khác nữa, trái cây Việt Nam cũng đã bắt đầu chinh phục và thâm nhập sâu rộng vào các thị trường như New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc...

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến giữa tháng 8, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 34,88% so với cùng kỳ năm trước. So với các nông sản chủ lực khác, rau quả đang là nhóm hàng có sự tăng trưởng tốt nhất về giá trị xuất khẩu.

Không những thế, tăng trưởng xuất khẩu của rau quả còn bỏ xa mức tăng trưởng của nhiều nông sản chủ lực khác như cà ph, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản…. Thậm chí nhiều nông sản chủ lực tiếp tục tăng trưởng âm như sắn giảm 28,6%, gạo giảm 14,1%, cao su giảm 3,7%… Điều đó, càng cho thấy sự ấn tượng về tăng trưởng giá trị của xuất khẩu rau quả trong bối cảnh chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định: Rau quả chính là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, trong khi hàng loạt mặt hàng khác trong cùng nhóm có kim ngạch xuất khẩu suy giảm thì riêng mặt hàng này lại có kim ngạch tăng.

Cũng theo bà Phan Thị Diệu Hà, khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, lộ trình thuế suất giảm dần là cơ hội cho Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả nói riêng và xuất khẩu mặt hàng nông sản nói chung. Bởi, hồ sơ một loại rau quả nào đó muốn được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm và thậm chí lâu hơn.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ Công Thương, sản xuất rau quả của Việt Nam đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều (đặc biệt đối với nấm, dưa chuột, dứa,...). Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng rất khó khăn. Việc mùa vụ sản xuất không tập trung, khiến dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi dẫn đến khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ rau quả chưa được hình thành nên trong vụ cao điểm vẫn xảy ra tồn đọng hàng hóa lớn gây thiệt hại cho người nông dân và các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước mới đạt khoảng 8-8,5% tổng diện tích trồng rau. Đồng thời, giá thành mặt hàng xuất khẩu lại chênh lệch quá lớn so với giá thành cùng loại của các nước trong khu vực nên bị đội lên cao.

Các chuyên gia thương mại cũng thừa nhận nghiệp vụ kinh doanh ngoại thương rau hoa quả của nhiều doanh nghiệp còn rất yếu, nhất là các khâu ký kết hợp đồng hàng hóa, vận tải, thủ tục giấy tờ xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, thanh toán quốc tế... Các doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ngại đầu tư vào lĩnh vực này.

Chú trọng giải pháp

Chia sẻ thêm kinh nghiệm giúp rau quả Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ, ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ nhấn mạnh: Để bước chân được vào những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, rau quả sẽ phải trải qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống kiểm soát, bao gồm các quy định về vườn trồng, xử lý chiếu xạ và kiểm tra hải quan tại cảng.

Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Đào Trần Nhân cho hay, hiện nay tiêu chuẩn nhập khẩu rau củ của Mỹ đang ngày càng khắt khe hơn. Chẳng hạn như với quả xoài, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ cho phép nhập khẩu nếu thỏa mãn các điều kiện xoài tươi nhập khẩu dưới dạng các lô hàng thương mại và được xử lý chiếu xạ bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400Gy nhằm loại bỏ toàn bộ côn trùng. Trái cây phải được phun thuốc diệt nấm trên diện rộng. Mỗi chuyến hàng phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp…

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu rau quả Bộ Công Thương cho rằng, cần quan tâm, chú trọng nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, là phát triển nguyên liệu, rà soát quy hoạch sản xuất rau, quả phục vụ cho xuất khẩu. Trước mắt, cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với ngành hàng rau quả theo hướng gắn kết chặt chẽ với lợi thế vùng, miền; mỗi địa phương chỉ tập trung phát triển 1-2 cây chủ lực. Bên cạnh đó, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cũng khẳng định: Hiện nay, đã có một số loài trái cây được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam như: bưởi Năm Roi Hoàng Gia, sầu riêng Chín Hóa, vú sữa Lò Rèn... Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây chất lượng cao, sản lượng đủ lớn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, với các thị trường có yêu cầu khắt khe, kiểm dịch thực vật đang gây nhiều trở ngại cho xuất khẩu rau quả, cần tập trung đẩy nhanh việc đàm phán ký kết các Nghị định thư với các nước nhập khẩu rau quả; tăng cường công tác thông tin thị trường đến đông đảo người sản xuất kinh doanh và phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, quảng bá và phát triển hạ tầng thương mại để tăng cường tiêu thụ rau quả tươi trên thị trường trong nước, dần thay thế rau quả nhập khẩu.

Theo Uyên Hương

Báo tin tức

Trở lên trên