MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc gặp khó

26-12-2018 - 21:08 PM | Thị trường

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn do nước này áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn.

Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển qua mua sắn và sản phẩm từ sắn qua đường biển nhiều hơn do nhập khẩu theo hình thức này về đến khu vực Quảng Châu thấp hơn từ 70-80 NDT/tấn so với hàng nhập khẩu theo đường biên mậu. Việc phía Trung Quốc điều chỉnh tăng thêm một số loại thuế/phí với hàng tinh bột sắn xuất khẩu theo kênh biên mậu khiến giá hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, hiện sắn của Thái Lan về cảng Trung Quốc nhiều, mức giá thấp hơn so với hàng Việt Nam, cộng thêm nguồn cung tinh bột sắn vụ mới của Trung Quốc tăng mạnh nên nhu cầu mua tinh bột sắn từ Việt Nam chậm lại.

Giá sắn lát xuất khẩu của Thái Lan liên tục giảm giá gây áp lực đến giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Do lượng hàng bán nội địa và biên mậu chậm, nên giá chào xuất khẩu sắn lát của các nhà máy Việt Nam xuống khá thấp, trong khoảng 440 - 460 USD/tấn, FOB cảng TP.Hồ Chí Minh.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11/2018 cả nước đã xuất khẩu được 2.018 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 96,69 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và tăng 11,8% về trị giá so với tháng 10/2018, nhưng giảm 41,2% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2017 lên 443,5 USD/tấn. Tính chung 11 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 2,22 triệu tấn, trị giá 881,26 triệu USD, giảm 36,6% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân đạt 395,8 USD/tấn, tăng 52,9%

Lượng sắn xuất khẩu trong tháng 11/2018 đạt 31,48 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD, tăng 45,9% về lượng và tăng 38,6% về trị giá so với tháng 10/2018, nhưng giảm 80,4% về lượng và giảm 73,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân đạt 235,3 USD/tấn, tăng 33,8%. Tính chung 11 tháng năm 2018, lượng sắn xuất khẩu đạt 668,07 nghìn tấn, trị giá 146,42 triệu USD, giảm 54,6% về lượng và giảm 41,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 219,2 USD/tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Tháng 11/2018, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh so với tháng 10/2018, trừ thị thường Trung Quốc. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc tháng 11/2018 tăng 26,9% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 10/2018, đạt 205,66 nghìn tấn, trị giá 91,27 triệu USD; nhưng vẫn giảm 39,8% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu trung bình ở mức 443,8 USD/tấn, tăng 52%. Tính chung 11 tháng năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 1,96 triệu tấn, trị giá 772,84 triệu USD, giảm 37,5% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân ở mức 394 USD/tấn, tăng 53,5%.

Trong 11 tháng năm 2018, tuy Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam, nhưng khối lượng vẫn giảm mạnh so với năm 2017 do Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp, đồng thời, loại bỏ các hỗ trợ giá đối với ngô, khiến giá ngô trong nước trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế sắn lát nhập khẩu; nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm do nhiều nhà máy Trung Quốc đã mua đủ lượng hàng cho các tháng kế tiếp và lượng hàng mua chính ngạch từ Thái Lan trước đó dồn về. Bên cạnh đó, giá sắn của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn của Việt Nam; đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục mất giá so với đồng USD, gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu.

Cục xuất nhập khẩu cho biết, thời gian tới, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vẫn gặp khó khăn do phía Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện đã vào chính vụ sản xuất tinh bột sắn tại Việt Nam nên nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc chậm hơn so với các năm gần đây, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên