MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu tinh bột sắn đi Trung Quốc đình trệ, người trồng sắn lao đao

12-01-2017 - 17:22 PM | Thị trường

Giá sắn xuống thấp khiến người dân không mặn mà trong khâu thu hoạch vì bán sắn cũng không có lời.

Với tổng diện tích hơn 40.000 ha, Kon Tum là địa phương có diện tích sắn lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Loại cây trồng này cũng là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục nghìn hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương.

Thế nhưng năm nay, do việc xuất khẩu tinh bột sắn gặp khó khăn nên các doanh nghiệp thu mua sắn nguyên liệu với mức giá rẻ khiến người trồng sắn thất thu và có nguy cơ mất Tết.

Mặc dù đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch, song 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà và Sa Thầy ở tỉnh Kon Tum đều sản xuất rất cầm chừng. Giá thu mua sắn củ tươi của các nhà máy chỉ từ 1.200 đồng đến trên 1.300 đồng/kg, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

Các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Kon Tum đều sản xuất cầm chừng.

Các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Kon Tum đều sản xuất cầm chừng.

Ông Huỳnh Nam Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Tây Nguyên- Đăk Hà cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng và thu mua nguyên liệu với giá thấp là do việc xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính gần như đình trệ.

“Năm nay Thái Lan trúng mùa sắn được trồng với công nghệ cao, giá thành sản xuất thấp nên Việt Nam cũng phải bán sắn với giá rẻ. Trong khi tại thị trường Trung Quốc, giá bột ngô rẻ nên các nhà máy đã lấy bột ngô thay thế bột sắn khiến thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam gặp nhiều khó khăn”, ông Giang cho biết.

Với giá thu mua sắn nguyên liệu như hiện nay, người trồng sắn ở Kon Tum cầm chắc thua lỗ hoặc chấp nhận “lấy công làm lãi”. Ông Lê Anh Cường, làng Đăk B’rông, xã Chư H’reng, thành phố Kon Tum cho biết, gia đình đầu tư trồng 5 sào sắn, thu được trên 14 tấn củ, chỉ bán được cho tư thương với giá 900 đồng/kg. Trừ tiền đầu tư, phân bón, chăm sóc và công nhổ là vừa vặn hòa vốn.

“Có những nhà bán không được sắn vì canh tác ở trên đồi cao. Chỉ tính riêng công nhổ, công vận chuyển xuống đã chiếm hết hơn 50% giá thành”, anh Cường chia sẻ.

Vừa thu không đủ bù chi do sắn rớt giá thê thảm, nông dân trồng sắn ở tỉnh Kon Tum còn vừa phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không có phương tiện vận chuyển nên bị tư thương ép giá.

Tại địa bàn những huyện xa nhà máy, như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, người dân chỉ bán được sắn với giá từ 800 - 1.000 đồng/kg, thậm chí có những khu vực giao thông khó khăn chỉ bán được từ 500 - 700 đồng/kg. Sắn rớt giá khiến không ít nông dân không còn muốn thu hoạch.

Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đăk Hà - địa phương có trên 4.000ha sắn cho biết, chi phí đầu tư trồng sắn đến khi thu hoạch người dân không có lợi nhuận.

“Giá sắn xuống thấp nếu người dân không thu hoạch cuộc sống sẽ khó khăn, nhưng thu hoạch để bán người dân người ta cũng không mặn mà vì bán sắn cũng không có lời”, ông Trí cho biết.

Là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục nghìn hộ nghèo và cận nghèo ở tỉnh Kon Tum, việc sắn rớt giá đang khiến cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn.

Cùng với việc người dân không có tiền ăn Tết, chính quyền cơ sở các địa phương của tỉnh Kon Tum còn những nỗi lo khác lớn hơn, đó là tình trạng các đối tượng lợi dụng lúc người dân gặp khó khăn bung tiền cho vay với lãi suất cao, hoặc ứng tiền mua trước sản phẩm nông nghiệp với giá rẻ mạt; theo đó là các tệ nạn, như trộm cắp, khai thác lâm sản trái phép chắc chắn sẽ nảy sinh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Chư H’reng, thành phố Kon Tum cho biết, chính quyền đang phải lo lắng nhiều vấn đề, đặc biệt ở những thôn người dân phụ thuộc chính vào sản xuất nông nghiệp. Nông sản xuống giá ảnh hưởng đến đời sống của bà con cũng như dẫn đến nhiều vấn đề tệ nạn xã hội.

Được xác định là cây trồng của người nghèo, phù hợp với trình độ canh tác của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua diện tích cây sắn ở tỉnh Kon Tum không ngừng được mở rộng.

Hiện tại ngoài trên 40.000ha sắn hiện có, địa phương đang tích cực thực hiện chuyển đổi một diện tích đáng kể lúa nước thường xuyên bị khô hạn sang trồng loại cây này. Thế nhưng trước viễn cảnh còn phải chịu thêm những mùa sắn đắng, xem ra người dân đã ít mặn mà./.

Theo Khoa Điềm

VOV

Trở lên trên