MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xung đột thương mại diễn ra vào thời điểm bất lợi cho Trung Quốc

26-06-2018 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Những tuần gần đây, đã phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại so với dự đoán.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, đồng nghĩa với việc các đối tác thương mại lớn cũng phải chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ, như Mỹ, châu Âu và các công ty quốc tế đang kinh doanh tại đây.

Trong bối cảnh đó, cuộc xung đột thương mại với Mỹ ngày một căng thẳng và mang đến rất nhiều khó khăn, thách thức cho Trung Quốc. Cả hai bên đều đưa ra mức thuế cho các sản phẩm hàng hoá khác nhau với giá trị hơn 50 tỷ USD. Vào ngày 18/6, ông Trump tiến thêm một bước khi tuyên bố đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong một lưu ý vào tuần trước, ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng về kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics, đã viết: "Tranh chấp thương mại đang leo thang vào đúng thời điểm những nghi ngờ về bức tranh kinh tế Trung Quốc đang gia tăng."

Vào năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, với con số 6,9%. Động lực đó vẫn tiếp tục được duy trì cho đến đầu năm nay, thế nhưng rất nhiều nhà kinh tế đang hoài nghi về sự bền vững của tốc độ tăng trưởng và những dấu hiệu chậm lại đã bắt đầu xuất hiện.

Số liệu kinh tế chính thức của tháng trước cho thấy tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực trọng điểm như xuất khẩu, đầu tư của các công ty và chi tiêu tiêu dùng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Louis Kuijs, người đứng đầu về nghiên cứu kinh tế châu Á tại hãng nghiên cứu Oxford Economics, cho biết: "Những con số cho thấy sự suy giảm trên quy mô lớn và chúng tôi nghĩ rằng điều này chưa có dấu hiệu dừng lại." Ông dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, hoặc thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc, là 6,5%. Sự căng thẳng của cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ là nguyên nhân khiến đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.

Haibin Zhu, giám đốc kinh tế Trung Quốc tại JPMorgan, ước tính rằng thuế quan của Mỹ có thế sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm từ 0,1 đến 0,5 điểm phần trăm, tùy thuộc vào quy mô và cường độ áp thuế. Ông nói thêm, những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại có thể sẽ lan rộng ra ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp của thuế quan, gây tổn hại đến niềm tin kinh doanh và trì hoãn các quyết định đầu tư trong nước.

Tốc độ tăng trưởng chậm vẫn còn tiếp diễn

Điều này còn nhận được nhiều sự chú ý hơn nữa sau khi những dữ liệu kinh tế gần đây được công bố.

Ông Williams cho hay: "Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa cuối năm nay."

Một số nhà kinh tế có quan điểm rằng, nguyên nhân của sự suy thoái này chính là do chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực kiềm chế các khoản nợ khổng lồ trong nước mà vốn đã tăng mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho đến giữa năm ngoái, khoản nợ đã cao gấp 2,5 lần so với giá trị của nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s và S&P đã hạ xếp hạng tín dụng của nước này.

Ông Tập và những quan chức cấp cao khác cũng đã nói về việc giảm thiểu những rủi ro trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, vẫn thường được gọi là "giảm nợ". Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ kỷ luật nghiêm khắc đối với những ngân hàng "ngầm" (shadow banking).

"Giai đoạn quan trọng nhất"

Các nhà phân tích đã hoài nghi về những nỗ lực của chính phủ trong việc giải quyết các khoản nợ. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng các biện pháp gần đây đã mang lại hiệu quả tích cực. Dù sao đi nữa, tiến trình này cũng phải chịu những ảnh hưởng của cuộc xung đột thương mại với Mỹ.

Ông Zhu nói về vấn đề này: "Sự leo thang của cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào đúng giai đoạn quan trọng nhất của việc giảm thiểu rủi ro từ các khoản nợ trong nước."

Giới phân tích cho biết, nếu làn sóng thuế quan của Mỹ gây tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách nước này có thể sẽ bỏ qua việc giải quyết rủi ro vay nợ và trở về thói quen cũ.

"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tự tin rằng họ có khả năng nới lỏng chính sách để làm dịu những căng thẳng nếu cần thiết. Trung Quốc rất giỏi trong việc kích thích kinh tế", ông Williams nói.

Sau các tuyên bố về việc đe doạ áp đặt thuế quan mới được đưa ra, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang nói với giới truyền thông nhà nước rằng: "Trung Quốc đang ở vị trí sẵn sàng để đối phó với tất cả các loại tranh chấp thương mại".

Một số nhà phân tích nhấn mạnh rằng, vẫn còn những "điểm sáng" trong nền kinh tế Trung Quốc. Betty Wang, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng ANZ, chỉ ra rằng sản xuất và bất động sản – hai lĩnh vực trọng điểm, hiện vẫn đang tăng trưởng tích cực.

Hương Giang

CNN

Trở lên trên