MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ZTE: hàng Tàu hay hàng Mỹ?

29-05-2018 - 13:59 PM | Tài chính quốc tế

60% linh kiện điện tử trong chiếc ZTE Axon M là mua từ các công ty Mỹ.

Tìm hiểu dòng smartphone cao cấp của ZTE mới thấy "ông lớn" của ngành viễn thông Trung Quốc cần một thỏa thuận gỡ bỏ lệnh cấm của Hoa Kỳ với các lô hàng phụ tùng điện thoại đến thế nào.

Theo ABI Research Inc., một công ty chuyên về dự báo thị trường, các công ty Mỹ cung cấp 60% linh kiện điện tử cho dòng ZTE Axon M tính theo trị giá đô la Mỹ.

ABI cho hay, Qualcomm Inc, công ty sản xuất chip đặt trụ sở tại San Diego, cung ứng ít nhất 8 trong số 25 linh kiện thiết yếu trong bo mạch chủ của chiếc điện thoại này, trở thành nhà cung cấp linh kiện lớn nhất. Các linh kiện này bao gồm modem và thiết bị quản lý điện năng, bộ phận dùng để điều chỉnh dòng điện trong điện thoại.

Cũng theo ABI, các linh kiện quan trọng khác được cung ứng bởi SanDisk Inc., nhà cung cấp bộ nhớ flash ở Milpitas, California, và Skyworks Solutions Inc, một công ty sản xuất chip ở Woburn, Massachusetts. Kính bảo vệ màn hình điện thoại do Corning Inc., công ty chế tạo Gorilla Glass, cung cấp, loại kính này cũng được sử dụng trên các thiết bị của Apple. Corning có trụ sở ở New York.

ZTE: hàng Tàu hay hàng Mỹ? - Ảnh 1.

Các công ty này không thể giao linh kiện cho ZTE kể từ khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm bán các sản phẩm cho công ty Trung Quốc này vào giữa tháng Tư vừa qua. Hoa Kỳ đã trừng phạt ZTE vì vi phạm phán quyết năm 2017 nhằm giải quyết một cuộc điều tra về việc tránh né các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Theo một nguồn tin thân cận cho hay, ZTE, có trụ sở ở Thẩm Quyến, trung tâm công nghệ phía Nam Trung Quốc, giải trình với chính phủ Hoa Kỳ rằng việc họ không tuân theo thoả thuận này là do sự yếu kém trong khâu kiểm soát nội bộ.

Lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thiết bị mạng của ZTE, gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty khi buộc phải dừng hoạt động các mảng quan trọng.

Chuỗi cung ứng

Các linh kiện quan trọng của điện thoại ZTE chủ yếu đến từ Công ty Qualcomm của Mỹ.

ZTE: hàng Tàu hay hàng Mỹ? - Ảnh 2.

Tỷ lệ cung cấp linh kiện cho ZTE, tính theo bộ chip. Nguồn: Canalys

Hiện giờ, ZTE chỉ như con tốt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và số phận của nó có thể phụ thuốc ít nhất một phần nào đó vào kết quả các cuộc đàm phán trong tuần này giữa hai bên ở Washington. Đầu tuần này, Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter rằng ông sẽ cố gắng đưa ZTE hoạt động trở lại, và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng nói ông đang xem xét các biện pháp trừng phạt thay thế.

Kể cả khi hoạt động xuất khẩu cho ZTE trở lại, thiệt hại gây ra cho công ty vẫn sẽ tiếp diễn khi cả các nhà cung ứng và các khách hàng của họ có thời gian xem xét lại mối làm ăn với công ty. Telstra Corp, công ty khai thác viễn thông lớn nhất Úc đã ngừng bán các thiết bị cầm tay của ZTE do lo ngại về nguồn cung, MTN Group Ltd., tập đoàn viễn thông lớn nhất châu Phi, cũng làm điều tương tự.

Cũng như nhiều công ty viễn thông toàn cầu , ZTE phụ thuộc vào một mạng lưới các nhà cung ứng quốc tế để tạo ra các sản phẩm của mình. Lấy ví dụ các công ty Mỹ như Qualcomm chiếm lĩnh thị trường chip điện thoại thông minh và các linh kiện cao cấp khác. Theo Canalys, chỉ tính trong quý đầu, 84% điện thoại ZTE sử dụng bộ chip của Qualcomm.

Điện thoại ZTE cũng sử dụng hệ điều hành Android của Google. Lệnh cấm của Bộ Thương mai đồng nghĩa với việc Google đã ngừng cung cấp các bản nâng cấp phần mềm và các dịch vụ khác cho ZTE. Trong những tuần gần đây, rất nhiều người dùng ZTE cho biết điện thoại của họ chạy không còn "mượt" nữa.

Thị trường Hoa Kỳ cũng rất quan trọng với ZTE, tạo cơ hội lớn cho các đối thủ nội địa ở Trung Quốc. Theo Canalys, ở thị trường Mỹ, ZTE là nhà cung cấp điện thoại lớn thứ tư, chỉ sau Apple, Samsung, và LG.

Canalys cho hay, 75% sản lượng trong quý I của ZTE là phục vụ thị trường Mỹ.

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên