MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 phút xin nói thêm của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về ô tô công

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã xin thêm Quốc hội 1 phút để làm rõ dự thảo sửa Quyết định 32 của Thủ tướng về tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô. Theo đó, phần giải thích thể hiện rõ quan điểm hướng đề việc dùng chung xe ở các cơ quan chức năng nhằm tiết kiệm của công.

Sáng nay (29/5), các đại biểu Quốc hội đã có phiên tranh luận thẳng thắn liên quan đến dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Các vấn đề nóng trong thời gian qua như ví dụ như việc sử dụng xe công, công khai, minh bạch tài sản công, cho thuê trụ sở cơ quan hành chính trong trường hợp nào là phạm luật trường hợp nào không… đã được đưa ra “mổ xẻ”.

Sau khi lắng nghe các tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phần giải trình liên quan đến dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Đối với việc quản lý, khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh cần đảm bảo việc quản lý, sử dụng, tiết kiệm đúng mục đích tiêu chuẩn, định mức, tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên quan, liên kết để đảm bảo tính nghiêm minh, tách bạch chức năng quản lý, nhất là trụ sở làm việc, các phương tiện đi lại và trang thiết bị.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói thêm rằng, chỉ một số loại tài sản công, mà việc khai thác không làm ảnh hưởng đến công tác nhà nước, không làm thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành thì mới được quyền khai thác. Ví dụ như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ…

Trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cũng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập… nhằm tránh việc lãng phí, đồng thời giảm bớt chi phí từ ngân sách nhà nước.

“Về việc này chúng tôi xin Quốc hội một phút nói thêm về dự thảo sửa Quyết định 32 của Thủ tướng về tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cụ thể, ông cho hay Bộ Tài chính đang đi theo hướng phải dùng chung. Thiết kế theo hướng cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Uỷ ban, Văn phòng Hội đồng là một đơn vị sử dụng ô tô chung.

“Tất nhiên, chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng đơn vị sử dụng ô tô chung sẽ đảm bảo được việc giảm đầu xe, đảm bảo việc sử dụng xe tiết kiệm. Theo hướng như vậy nên có ý là dùng chung”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cũng cho hay chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh vào dịch vụ cho thuê, liên doanh liên kết đã được quy định tại Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.

“Tổng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập của chúng ta hiện nay rất lớn, khoảng 2 triệu người. Chi phí cho việc vận hành bộ máy là rất lớn, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho thuê liên doanh liên kết giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tinh thần là cho thuê nhưng sử dụng vào dịch vụ công, tinh thần cũng sẽ tiến tới tình đúng tính đủ, theo giá thị trường.

Mặt khác, để việc khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, Bộ trưởng Dũng cho biết dự thảo luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh gồm: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu tài sản nhà nước, bảo toàn, phát triển vốn tài sản nhà nước, sử dụng tài sản đúng mục đích, đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng,… Đồng thời, việc khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là ý theo Nghị định 16 để phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo từng loại và đẩy mạnh quá trình xã hội hóa.

Đối với việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất và để ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư, mua sắm mới các tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập từ nguồn vốn ngân sách nhà nước dẫn đến dư thừa công năng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng chỉ được khai thác vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, cho thuê liên doanh, liên kết khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Bộ Tài chính chúng tôi nhất trí với việc quản lý chặt chẽ, tránh lợi dụng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả nhưng chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được đầu tư từ ngân sách nhà nước sau thời điểm bộ luật này có hiệu lực thi hành, chưa sử dụng được hết công suất như các trường hợp đã được đầu tư trước thời điểm. Đây cũng là trường hợp rất hạn hữu. Đây cũng là ý kiến của tôi khi phát biểu với Ủy ban thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cụ thể, ông dẫn ra những công trình phục vụ APEC. “Chúng ta phải làm gì đó nhưng sau APEC chúng ta không sử dụng liên tục nữa thì chúng ta phải có cơ chế để sử dụng hợp lý, như Trung tâm Hội nghị quốc gia của chúng ta vừa qua, sau APEC 2007, chúng ta cũng không sử dụng liên tục để phục vụ APEC thì cũng phải có cơ chế để sử dụng làm sao có hiệu quả, ít nhất cũng phải thu được đủ tiền để có chi phí tân trang lại nó, để bảo hành, bảo dưỡng được nó, duy trì công trình này, giảm tối đa việc bỏ tiền trực tiếp từ ngân sách nhà nước hàng năm”, Bộ trưởng nói.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên