MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 thứ phàm là người thông minh đều biết vứt bỏ, hãy xem bạn đã làm được hay chưa!

21-12-2020 - 23:50 PM | Sống

1 thứ phàm là người thông minh đều biết vứt bỏ, hãy xem bạn đã làm được hay chưa!

Có thể không ít người trong cuộc sống vì chưa vứt bỏ được thứ này mà cuộc sống cứ mãi dậm chân tại chỗ, không khá lên được.

Địa vị xã hội càng thấp người ta lại càng sĩ diện

Trong "Mạnh Tử" có một câu chuyện ngụ ngôn về một người ăn xin như sau:

Có một người nước Tề, mỗi lần ra ngoài đều phải ăn uống no say mới về nhà.

Sau khi về nhà, ông luôn tự hào khoe khoang với vợ rằng mấy người có tiền có quyền lại mời ông ăn cơm.

Vì chưa từng thấy người có tiền có quyền nào đến nhà, nên sau một thời gian, người vợ bắt đầu nghi ngờ, liền lén theo dõi chồng.

Cuối cùng phát hiện ra rằng người chồng thực ra không phải đi dự yến tiệc của nhà giàu, mà là đi xin những đồ cúng tế còn thừa ở khu mộ vùng ngoại ô phía đông.

Từ xưa đến nay, phần lớn con người sống vẫn luôn rất để ý đến thể diện. Thực ra, coi trọng thể diện ở mức độ vừa phải thì không có gì sai, nếu là bảo vệ danh dự của bản thân thì cũng không có gì sai.

Người xưa có câu "người cần mặt mũi, cây cần vỏ", ai mà không muốn được người khác coi trọng, thậm chí là ngưỡng mộ chứ?

Tuy nhiên, nếu vì giữ thể diện mà làm những việc quá sức mình thì thể diện lại trở thành gánh nặng, trở thành "bệnh sĩ" có thể gây họa cho con người. Mà hơn nữa, sĩ diện cuối cùng lại thường khiến người ta mất mặt hơn là có được thể diện.

 1 thứ phàm là người thông minh đều biết vứt bỏ, hãy xem bạn đã làm được hay chưa! - Ảnh 1.

Sĩ diện thực ra chỉ phản ánh sự tự ti và yếu đuối của con người. Ảnh minh họa.

Nhiều người chỉ kiếm được vài triệu một tháng nhưng tình nguyện ăn mì gói và thấu chi thẻ tín dụng để sắm những chiếc túi trị giá lớn gấp vài lần lương tháng, mua Iphone đời mới nhất và mua quần áo hàng hiệu, chỉ để sĩ diện khi ra ngoài.

Tâm lý học đã chỉ ra: "Bản chất của cái gọi là sĩ diện là sự xấu hổ sợ thất bại".

Sĩ diện phản ánh sự tự ti và yếu đuối của một người. Những người ở tầng lớp càng thấp, họ càng quan tâm đến thể diện và họ càng thích giữ cái phẩm giá mong manh của mình.

Thể diện, không phải là thứ nhận được từ người khác

Có một câu nói như thế này: "Khi bạn bỏ đi cái sĩ diện để kiếm tiền nghĩa là bạn đã hiểu chuyện rồi; khi bạn dùng tiền để đổi lấy sĩ diện, nghĩa là bạn đã thành công; khi thể diện của bạn có thể kiếm ra tiền, nghĩa là bạn đã là người có ảnh hưởng lớn; khi bạn cứ ở mãi một chỗ uống rượu, bốc phét, không biết gì nhưng lại ra cái vẻ hiểu biết và coi trọng cái gọi là thể diện, nghĩa là cuộc đời này của bạn cũng chỉ có vậy."

Thể diện không bao giờ do người khác đem lại, thể diện là phải dùng chính năng lực của mình đổi lấy.

Trong "Sử kí: Hoài Âm Hầu liệt truyện" có ghi: Hàn Tín mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ, chủ yếu sống dựa vào việc câu cá để đổi lấy tiền mà sống, thường xuyên bị mọi người xung quanh kỳ thị và đối xử lạnh nhạt.

Một người đồ tể nói với Hàn Tín rằng: "Tuy ngươi cao to, thích đeo kiếm nhưng thực ra lại rất nhút nhát, nếu nói có bản lĩnh, vậy ngươi có dám dùng kiếm đâm ta không? Nếu không dám thì chui qua háng ta đi."

Hàn Tín cẩn thận quan sát hắn một hồi, trước mặt nhiều người, liền cúi người chui qua háng tên đồ tể.

Những người có mặt tại chợ lúc đó cười nhạo anh, "hóa ra là nhát." Câu chuyện này còn lưu truyền đến ngày nay.

Hàn Tín thân là một nam tử hán đã mất hết thể diện. Tuy nhiên, ông cũng nhờ vậy mà thoát khỏi tai ương, rồi từng bước bái tướng phong hầu, rung trời chuyển đất, trở nên vĩ đại.

Có câu, nếu ở lại với đồi xanh thì không sợ không có củi. Đôi khi, bạn phải nhịn nhục bỏ đi sĩ diện mới có thể sống có thể diện hơn.

Trong cuộc sống, người khôn ngoan nhìn xa trông rộng, coi trọng nội hàm, nâng cao thực lực của bản thân, giúp bản thân ngày càng mạnh mẽ hơn; còn kẻ ngu ngốc coi trọng sĩ diện, mù quáng theo đuổi cái thể hiện ra bên ngoài, sẽ khổ không nói lên lời.

Người thông minh không quan tâm đến sĩ diện

Có người nói: "Những người vĩ đại chân chính trong lòng họ luôn nghĩ bản thân không có gì vĩ đại. Chỉ những người không có gì vĩ đại mới kiêu ngạo cho rằng mình vĩ đại."

Chuyện Lưu Bị ba lần mời Khổng Minh xuất sơn phò tá mình chắc hẳn người người nhà nhà đều biết.

Lưu Bị có thể gạt bỏ thể diện, không để ý đến tự tôn của bậc đế vương, năm lần bảy lượt đi tìm Khổng Minh lúc đó đang sống ẩn dật, thậm chí còn đứng trước cửa chờ để không đánh thức Gia Cát Lượng ngủ trưa khiến Trương Phi tức đến nhảy dựng.

Đặt trong hoàn cảnh một câu truyện truyền kì thì thấy việc này chẳng có gì khó khăn, nhưng ngoài đời, có biết bao người bị bó buộc bởi cái sĩ diện mà không thể bộc lộ cảm xúc thật của mình, không thể làm những gì mình thực sự muốn và quan trọng nhất là sợ người khác coi thường mình mà không thể làm được gì từ khởi đầu khó khăn dù là nhỏ nhặt.

Có những người vì sự nghiệp mà có thể bỏ cái sĩ diện xuống, sống có mục tiêu rõ ràng, biết rõ để đạt được mục đích cần đánh đổi bao nhiêu nỗ lực, biết rõ có thể sẽ phải chịu những rủi ro gì.

Họ bỏ đi cái sĩ diện, đặt nó sang một bên, thể hiện con người thật của mình, để đạt được mục tiêu đích thực của cuộc sống. Như thế chẳng ý nghĩa hơn gấp nhiều lần việc ôm khư khư lấy sĩ diện trong cuộc đời bế tắc chẳng đi đến đâu.

Trong phim "Nhất đại tông sư" có một câu: "Khi người ta sống trên đời, có người sống vì thể diện, có người sống vì cái nội hàm, mà chỉ có nội hàm mới có thể đổi lấy được thể diện thật sự."

Người ngu ngốc dễ bị dục vọng chi phối, theo đuổi sự giả tạo bề ngoài, vì vậy họ cần tạo lên vỏ bọc cho bản thân.

Phàm là người thông minh đều hiểu rằng cuộc sống là của riêng họ, họ không bị cuốn vào guồng quay, cũng không đánh mất mình trong những ham muốn vật chất, vì vậy họ không đặc biệt quan tâm đến việc mất thể diện.

Bởi vì họ biết cuộc sống này con người không sống bằng thể diện, cũng không sống vì ánh mắt và sự đánh giá của người khác.

Trong cuộc sống, hãy dũng cảm vứt bỏ thể diện để thực hiện mục tiêu mà mình đặt ra. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể nỗ lực cố gắng một cách thoải mái nhất.

Hãy yên tâm rằng, khi đã gặt hái được thành tích nhất định trong cuộc sống, bạn không cần tìm thì thể diện cũng sẽ tự quay lại với bạn. Không chỉ vậy, bạn còn nhận được nhiều thứ hơn nữa ngoài thể diện, đó là sự trưởng thành, sự nghiệp, địa vị...

Vì thế, những người đang phấn đấu để đạt được thành công cần phải nhớ, trong quá trình nỗ lực, đừng theo đuổi thể diện một cách thái quá mà hãy nỗ lực một cách thực sự.

Người thành công không thông minh hơn bạn, chỉ là họ hợp tác với đúng người, làm đúng việc cần làm mà thôi.

Theo Khánh An

Trí thức trẻ

Trở lên trên